Tuyên Quang: Bưởi đặc sản cho nông dân Yên Sơn thu nhập khá

Minh Ngọc Chủ nhật, ngày 01/08/2021 08:27 AM (GMT+7)
Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trên địa bàn huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Nhiều hội viên nông dân đã có thu nhập hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Hiền - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Yên Sơn.

Trồng bưởi đặc sản, nông dân thu tiền tỷ

Ông Hiền dẫn chứng là các mô hình: Trồng bưởi da xanh, bưởi đường xã Lực Hành, Xuân Vân, Phúc Ninh; trồng cam xã Thắng Quân, Tứ Quân; nuôi cá xã Trung Môn, Nhữ Hán, Nhữ Khê; chăn nuôi gia cầm xã Kim Phú… Những mô hình này đã giúp nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng/năm.

Điển hình phải kể đến như: Hội viên Nguyễn Văn Giàu, thôn Ao Dăm, xã Phúc Ninh với mô hình trồng bưởi, thu nhập bình quân 3 tỷ đồng/năm; hội viên Trần Văn Quân, thôn Hòn Vang, xã Thắng Quân với mô hình trồng cây cam Vinh, thu nhập 1,3 tỷ đồng/năm; hội viên Vũ Quang Vinh, thôn Gò Chè xã Nhữ Hán với mô hình nuôi cá thương phẩm, thu nhập bình quân 1 tỷ đồng/năm.

Bưởi đặc sản đem nguồn thu khá đến nông dân Yên Sơn - Ảnh 1.

Người dân xã Phúc Ninh (Yên Sơn) trồng bưởi cho thu nhập cao. Ảnh: Hải Chung

"Các cấp Hội không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, gắn xây dựng mô hình với tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân".

Ông Nguyễn Đức Hiền - Phó Chủ tịch

Hội ND huyện Yên Sơn

Là người đầu tiên đưa cây bưởi Diễn về xã Phúc Ninh, ông Nguyễn Văn Giàu được mệnh danh là "Vua bưởi Phúc Ninh". Chia sẻ với PV Báo NTNN, ông Giàu cho biết: Ông bắt đầu trồng bưởi Diễn từ năm 2000, đến nay ông có hơn 10ha bưởi, thu nhập bình quân 3 tỷ đồng/năm.

"Trước đây, gia đình trồng bưởi theo phương thức canh tác truyền thống nên kinh tế mang lại chưa cao. Nhưng từ khi tôi được các cấp chính quyền từ huyện, xã, đặc biệt là Hội ND huyện đã tuyên truyền, hướng dẫn sang trồng bưởi hữu cơ và VietGAP, từ đây sản lượng cũng như thu nhập đã tăng lên đáng kể" - ông Giàu chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Quân - Chủ tịch Hội ND xã Phúc Ninh cho biết: Toàn xã hiện có trên 1.000ha bưởi, trong đó có trên 500ha cho thu hoạch, tập trung nhiều ở các thôn Soi Tiên, Lục Mùn, Gà Luộc, Khuôn Thống… Từ lâu, bưởi đã trở thành cây trồng chủ lực, có giá trị cao, giúp người dân Phúc Ninh đổi đời.

Theo đó, trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, người dân Phúc Ninh thu khoảng 160 tỷ đồng từ bán bưởi. Để đa dạng hóa sản phẩm, tạo thế cạnh tranh cho bưởi Phúc Ninh, trong những năm qua Hội ND xã đã vận động bà con chuyển đổi hướng canh tác, từ sản xuất đại trà sang hữu cơ, VietGAP. Hiện tại trên địa bàn xã đã có 50ha bưởi được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đã cho thu hoạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Nông dân tích cực đóng góp xây dựng NTM

Ông Nguyễn Đức Hiền - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Yên Sơn cho biết, từ năm 2008 triển khai thực hiện Nghị quyết số 26, số lượng hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2008 có 10.746 hộ đăng ký, cuối năm có 4.083 hộ đạt danh hiệu thì đến năm 2020 đã có 15.746 hộ đăng ký, cuối năm có 7.723 hộ đạt.

Cũng theo ông Hiền, từ những phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh doanh, hội viên, nông dân đã góp phần rất lớn vào xây dựng NTM trên địa bàn huyện Yên Sơn. Cụ thể, hội viên và nhân dân đóng góp trên 47 tỷ đồng, chiếm 10,05% tổng đầu tư kinh phí xây dựng NTM của huyện.

Về đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn, ông Hiền cho biết, hiện nay, Hội ND huyện đã vận động, thành lập được 13 hội nghề nghiệp (308 thành viên) và 8 tổ hội nghề nghiệp (100 thành viên) tham gia thuộc 19 xã, thị trấn. Các ngành nghề chủ yếu dựa trên các cây trồng, vật nuôi chủ lực của các địa phương: Chăn nuôi trâu, bò; trồng rau an toàn, sản xuất lâm sản, nuôi ong lấy mật; trồng bưởi, trồng cây ăn quả, trồng, chế biến chè...

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, Hội đã thành lập mới 6 chi hội và 1 tổ hội nghề nghiệp tại các xã Nhữ Khê, Xuân Vân, Trung Môn, Phú Thịnh; 2 tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả, trồng cây lâm nghiệp xã Thái Bình nâng cấp thành 2 chi hội nghề nghiệp với 43 thành viên.

"Thời gian qua, các cấp Hội ND huyện Yên Sơn đã định hướng, vận động thành lập chi, tổ hội dân nghề nghiệp gắn với hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi phát triển mô hình kinh tế. Những chi, tổ hội nghề nghiệp được chọn phải đáp ứng về yêu cầu số lượng thành viên. Mô hình kinh tế mỗi thành viên phải có tiềm năng phát triển. Từ đầu năm đến nay, Hội ND huyện đã triển khai 3 dự án phát triển kinh tế từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, trị giá 900 triệu đồng, với 30 hộ nông dân thuộc 8 chi, tổ hội nghề nghiệp" - ông Hiền nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem