Từ vụ cô giáo có hình xăm gây xôn xao: "Nên phù hợp, kín đáo và tránh vô duyên"

Tào Nga Thứ ba, ngày 07/09/2021 15:26 PM (GMT+7)
Xoay quanh câu chuyện cô giáo có hình xăm, câu hỏi đặt ra là có quy định nào về việc giáo viên xăm hình không, mọi người nghĩ gì khi thấy giáo viên xăm hình?
Bình luận 0

Bức ảnh chụp cô Văn Thùy Dương, Phó hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội đứng phát biểu trong ngày khai giảng vẫn đang thu hút quan tâm của dư luận. Bức ảnh được chụp phía sau cô Văn Thùy Dương với mái tóc búi gọn lên cao để lộ trên gáy của cô một hình xăm nhỏ ngôi sao 6 cánh. 

Cô giáo có hình xăm gây tranh cãi trong ngày khai giảng: "80% người tiếp xúc sẽ đánh giá theo hướng không tốt" - Ảnh 1.

Cô Văn Thùy Dương phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới 2021 - 2022. Ảnh: FBNV

Chính điều này đã gây nên cuộc tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng, trong môi trường sư phạm thì giáo viên không nên có hình xăm. Trong khi đó có người lại cho rằng đây là sở thích cá nhân và không ai có quyền phán xét...

Trước đó, một giáo viên dạy tiếng Anh tại Trường THPT Việt Trì, Phú Thọ đã đăng tải lên Facebook cá nhân một đoạn status gây tranh cãi vì hình xăm mang tính phong thủy ở chân cô bị học sinh phản ánh lên Ban giám hiệu, có người còn đề nghị cô phải xóa hình xăm. Theo cô, việc xăm hình không có gì là xấu, nó là sở thích cá nhân, không ảnh hưởng gì đến ai, cũng như nền giáo dục nước nhà...

Vậy quan điểm của phụ huynh thế nào khi thấy cô giáo của con mình có hình xăm?

Anh Trần Mạnh, phụ huynh có con học lớp 2 ở quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ: "Cái tôi quan trọng ở cô giáo của con mình là nhân cách, sự nhiệt tình, tận tâm, cách dạy học của cô với học sinh... Tôi có suy nghĩ thoáng, không cổ hủ và cho rằng xăm hình bây giờ là nghệ thuật. Tôi không phản đối cũng không ủng hộ vì đó là sở thích của mỗi người. Thế nhưng làm nghề giáo thì không nên xăm hoặc xăm sao cho đừng thái quá là được". 

An Mạnh cũng cho biết thêm, con anh đang còn nhỏ có thể không biết được xăm hình xấu hay tốt, nên hay không và cũng không để ý đến việc đó. Nhưng khi con lớn lên sẽ khác, anh sẽ lựa vào tính cách của con để có thể quyết định cho con học với cô giáo có hình xăm hay không. 

Anh Đặng Hùng Lâm, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho hay: "Theo góc nhìn của cá nhân tôi, cơ bản là ở đâu thì diễn đúng vai trò. Xăm hay không là quyền cá nhân. Nhưng đến trường thì cần giữ đúng hình ảnh của giáo viên. Nếu giáo viên có hình xăm thì cần mặc áo che kín".

Về mặt pháp luật, không có điều cấm giáo viên xăm mình

Liên quan đến tranh cãi giáo viên có nên xăm hình hay không, thầy Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho hay: "Về mặt pháp luật, không có điều cấm giáo viên xăm mình. Nhưng theo quan điểm cá nhân, việc giáo viên xăm hình thường sẽ gây phản cảm đối với học trò và cả những đồng môn đồng nghiệp. Điều gì sẽ xảy ra nếu giáo viên - những người truyền đạt kiến thức, văn hóa, kỹ năng và thái độ sống, kể cả định hướng tương lai nghề nghiệp - có hình xăm? Chắc chắn sẽ tác động không tốt đến suy nghĩ của học sinh - sinh viên.

Việc thầy cô giáo thể hiện cá tính là quyền cá nhân của họ nhưng tôi nghĩ sẽ có đến 80% người tiếp xúc đánh giá theo hướng không tốt. Vì thế giáo viên hãy nên lựa chọn những sở thích phù hợp, nếu thích xăm thì có thể chọn những hình xăm kín đáo, và phải phù hợp, phải tăng duyên, tăng đẹp, tránh "vô duyên" ảnh hưởng đến công việc và các thế hệ học trò…".

Bà Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: "Không có bất kể quy định gì về hình xăm cho giáo viên nhưng cũng có quy định về lối sống, tác phong đạo đức nhà giáo. Với những hình xăm nhỏ, tế nhị trong người không nhìn thấy sau khi mặc quần áo hoặc một chút ở trên tay không vấn đề gì. Nếu hình xăm phản cảm thì chắc chắn không được. Đây là sở thích rất riêng tư nhưng đã phần nào làm cho công việc giáo dục đạo đức học sinh gặp khó khăn". 

Quy định 16/2008/QĐ-BGDĐT, Chương II, Điều 5 về lối sống, tác phong, Bộ GD-ĐT ban hành quy định về đạo đức nhà giáo không có quy định về hình xăm nhưng "khi thực hiện nhiệm vụ, nhà giáo cần có trang phục, trang sức giản dị, gọn gàng, lịch sự, phù hợp với nghề dạy học, không gây phản cảm và phân tán sự chú ý của người học".
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem