Từ chuyện 600 trăm triệu/lốt xe tới chuyện nhà xe bắt khách làm “con tin”

Vinh Hải Chủ nhật, ngày 01/01/2017 19:00 PM (GMT+7)
Câu chuyện thời sự ồn ào mấy ngày qua là việc hàng chục nhà xe ở Thanh Hóa, Nghệ An… đã đình công, không chịu chở khách từ bến xe Mỹ Đình khiến hành khách bơ vơ. Động thái này nhằm phản đối quyết định điều chuyển luồng tuyến của Sở GTVT Hà Nội. Tuy nhiên, sự thật sau đó là gì?
Bình luận 0

Tiền hậu bất nhất

img

Những ngày qua, nhiều nhà xe ở bến Mỹ Đình đã từ chối vận chuyển hành khách để gây sức ép với cơ quan chức năng về việc điều chuyển luồng tuyến (ảnh Việt Linh)

Ngày mai (2.1), quyết định điều chuyển luồng tuyến vận tải tại các bến xe ở Hà Nội của Sở GTVT Hà Nội sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Nhiều doanh nghiệp vận tải có lốt xe tại Mỹ Đình đã phản đối bằng cách từ chối vận chuyển khách để “mặc cả” với chính quyền. Tại sao ở các bến xe khác cũng có doanh nghiệp bị điều chuyển không có tình trạng này, mà chỉ ở Mỹ Đình hành khách mới bị đem ra làm “con tin”?

Xâu chuỗi các sự kiện mới thấy, đây không phải lần đầu tiên, việc phản đối điều chuyển luồng tuyến xảy ra ở bến xe Mỹ Đình. Nguyên nhân, bắt nguồn từ chính những quyết định “tiền hậu bất nhất” của Sở GTVT Hà Nội trước đây.

Cụ thể, tháng 10.2009, ông Nguyễn Hoàng Linh – nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã ban hành thông báo 1382/TB-GTVT về việc tạm ngừng đăng ký mới, bổ sung phương tiện từ các tỉnh phía Đông, Đông Nam, Nam TP Hà Nội đến bến xe Mỹ Đình và ngược lại.

Thế nhưng, sau đó cũng chính ông Linh đã đồng ý cho nhiều doanh nghiệp bổ sung xe khai thác tại bến Mỹ Đình, khiến số lượt xe xuất bến mỗi ngày vượt qua công suất thiết kế của bến tại thời điểm đó.

Bến xe thành điểm nóng giao thông

img

BX Mỹ Đình nhìn từ trên cao (Nguyễn Đức)

Đến tháng 4.2013, Sở GTVT đã phải đưa ra các phương án điều chuyển xe khách vận tải tuyến cố định từ bến xe Mỹ Đình sang các bến xe khác. Gần như ngay lập tức, các doanh nghiệp vận tải đang khai thác tại bến xe Mỹ Đình đã lên tiếng phản đối việc điều chuyển này. Việc giảm tải cho bến xe Mỹ Đình từ đó đến nay vẫn chưa thể thực hiện triệt để.

Bến xe Mỹ Đình nhiều năm qua trở thành điểm nóng về tình trạng xe đi “rùa bò” để bắt khách dọc đường, góp phần gây ùn tắc giao thông trên tuyến đường vành đai 3, đường Phạm Văn Đồng đi qua cầu Thăng Long.

Ở lần điều chuyển luồng tuyến này, Sở GTVT dường như quyết tâm thực hiện việc “sửa sai” khi để xảy ra quá tải ở bến xe Mỹ Đình, cũng như tình trạng xe khách tuyến cố định từ các bến xe chạy xuyên tâm qua nội đô.

Ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định: “Chúng tôi quyết định giữ nguyên phương án điều chuyển như công văn trước đó đã ban hành. Phương án này đã được UBND Hà Nội và các ban, ngành thông qua. Mục đích của việc phân lại luồng tuyến là giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn Hà Nội. Chúng tôi cương quyết trong việc áp dụng quy định này”.

Cái giá của lốt xe bến Mỹ Đình

Tại buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp vận tải từ chối chở khách với Sở GTVT chiều qua (31.12.2016), bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải tỉnh Ninh Bình cho rằng việc điều chỉnh luồng tuyến khiến 50 lốt xe tuyến Mỹ Đình - Ninh Bình có nguy cơ phá sản. Bởi hành khách có nhu cầu đi lại khu vực ở Cầu Giấy, Từ Liêm nhưng chỉ được phục vụ tới Nước Ngầm và họ phải bỏ tiền thêm đi xe khác.

Nhưng dường như bà Nga quên rằng, ở bến xe Giáp Bát cũng có tuyến xe khách đi Ninh Bình, đâu phải chỉ có hành khách khu vực Cầu Giấy, Từ Liêm mới có nhu cầu đi Ninh Bình?

Khi thông báo về kế hoạch điều chuyển luồng tuyến, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng đã nhận định có những hành khách sẽ phải di chuyển xa hơn để đến bến xe, do đó đã đưa ra kế hoạch tăng cường các tuyến xe buýt kết nối với các bến.

Việc điều chuyển cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích một số doanh nghiệp vận tải, nhưng lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng cần vì lợi ích chung là cần chấm dứt tình trạng xe khách chạy xuyên tâm, giảm ùn tắc giao thông cho khu vực nội đô Hà Nội.

Ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng: “Chúng tôi đã đưa ra nguyên tắc điều chỉnh một cách công khai minh bạch, hoàn toàn không có lợi ích nhóm hay trên cơ sở là ưu tiên doanh nghiệp này, không ưu tiên doanh nghiệp khác”.

Nhắc đến lợi ích nhóm, nhiều người hẳn vẫn chưa thể quên phát biểu của ông Đinh La Thăng – khi đó là Bộ trưởng Bộ GTVT – khi khẳng định có doanh nghiệp phải chi 500 – 600 triệu đồng để mua một lốt xe vào BX Mỹ Đình.

Trả lời báo chí ngày 20.10.2015, ông Nguyễn Hoàng Linh – nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã khẳng định thông tin ông Thăng nêu là đúng. Tuy nhiên, ông Linh khẳng định thông tin này không hề liên quan đến cơ quan chức năng cấp phép mà là doanh nghiệp tự thỏa thuận.

“Có chuyện một lốt xe hoạt động tại bến Mỹ Đình có giá từ 300 đến 600 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi xác minh, liên ngành GTVT – công an thấy rằng giá này là của các cá nhân, doanh nghiệp tự thỏa thuận, chuyển nhượng với nhau. Vì trong thực tế, có nhiều doanh nghiệp vì lý do nào đó không thể hoạt động đã lên tiếng bán, chuyển nhượng lốt đã được cấp phép. Với lốt đẹp, thì không chỉ 600 triệu mà họ còn có thể bán với giá cơ hơn là chuyện dễ hiểu” – ông Linh cho hay.

Có nhiều người đã đặt câu hỏi sau khi xâu chuỗi các sự kiện: Phải chăng, chính vì đã phải trả giá quá cao cho những lốt xe ở BX Mỹ Đình nên các doanh  nghiệp vận tải phải sống chết bám trụ ở đây, dùng mọi biện pháp để phản đối quyết định điều chuyển luồng tuyến của Sở GTVT?

Nhiều người hẳn vẫn chưa thể quên phát biểu của ông Đinh La Thăng – khi đó là Bộ trưởng Bộ GTVT – khi khẳng định có doanh nghiệp phải chi 500 – 600 triệu đồng để mua một lốt xe vào BX Mỹ Đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem