Trung Quốc tiêu thụ nhiều chuối thứ hai thế giới, mua nhiều nhất của nước nào?

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 05/04/2021 19:28 PM (GMT+7)
Dù dịch Covid-19 có những tác động không nhỏ nhưng xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt con số ấn tượng, có thể thu đủ 4 tỷ USD trong tầm tay, trong đó xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng đáng kể.
Bình luận 0

Tại sao Trung Quốc lại mua nhiều chuối thứ hai thế giới?

Theo freshplaza.com, Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ chuối lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ. 

Chuối là loại trái cây nhiệt đới có khối lượng thương mại lớn nhất trên thế giới. Chuối được trồng ở hơn 130 quốc gia, trong đó châu Á là khu vực sản xuất và tiêu thụ lớn nhất thế giới. 

Trong những năm gần đây, diện tích và sản lượng thu hoạch chuối ở Trung Quốc giảm dần qua từng năm.

Do chuối bị héo rũ thường xuyên, chi phí sản xuất cao và ảnh hưởng của việc sử dụng đất đối với các loại cây trồng khác, nên diện tích thu hoạch và sản lượng đều giảm mặc dù thị trường tiêu thụ tốt hơn. 

Khối lượng nhập khẩu chuối của Trung Quốc đã tăng lên qua từng năm, với hơn một nửa lượng chuối Trung Quốc nhập khẩu là từ thị trường Philippines.

Chuối nhập khẩu ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng vì chất lượng cao, chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ từ trung cấp đến cao cấp ở Trung Quốc. 

Trung Quốc nhập khẩu từ ba nguồn cung chính là Philippines chiếm 53,3% tổng lượng nhập khẩu chuối; tiếp theo là Ecuador chiếm 23,7% và Việt Nam chiếm 14,3%. 

Trung Quốc chi 352 triệu USD mua rau quả Việt

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 944 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ 2020.

Hàng rau quả XK chủ yếu tới thị trường Trung Quốc, trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt 352,83 triệu USD, tăng 17,5%, chiếm 62,5% tổng trị giá XK hàng rau quả của Việt Nam. XK sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh là do nhu cầu tiêu thụ tăng dịp Tết Nguyên đán.

Đáng chú ý là trị giá XK hàng rau quả tới thị trường Đài Loan, Úc và Malaysia tăng rất mạnh. Trị giá XK sang thị trường Đài Loan đạt 12,87 triệu USD, tăng 43,1%.

Theo Cục Xuất nhập (Bộ Công Thương), kết quả xuất khẩu rau quả đạt được nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, nên hoạt động xuất khẩu không bị gián đoạn.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, triển vọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam nhiều kỳ vọng tăng trưởng trong thời gian tới.

Xuất khẩu rau quả đạt gần tỷ đô - Ảnh 1.

Chế biến trái cây xuất khẩu tại Doanh nghiệp Long Uyên (Tiền Giang). Ảnh: K.N

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh: Trung Quốc vẫn là thị trường có sức mua lớn và là điểm đến lớn nhất đối với hàng rau quả của Việt Nam. Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm hàng rau quả và đáp ứng đúng các tiêu chuẩn mà phía Trung Quốc yêu cầu.

Năm 2021 ngành rau quả sẽ thu 4 tỷ USD?

Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group chia sẻ, mục tiêu năm 2021 của doanh nghiệp là tăng 5 - 10% so với năm 2020.

"Chúng tôi sẽ xuất khẩu vào những thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do (FTA), như FTA Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)" - ông Tùng nhấn mạnh.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, năm nay do dịch bệnh giảm, kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể tăng ở mức 10 - 15%. Dịch bệnh giảm đi hoặc qua đi chắc chắn khiến thông thương giữa các nước, trong có có Việt Nam phát triển.

Mục tiêu xuất khẩu của ngành rau quả trong năm 2021 là 4 tỷ USD. Đây là con số lẽ ra ngành hàng này đã đạt được trong năm 2020 nếu không có Covid-19.

"Nếu tình hình khó khăn thì có thể XK năm nay sẽ đạt mức trước dịch là khoảng 3,7 tỷ USD, bằng với năm 2019" - ông Nguyên nói.

Dù đều nhìn nhận năm nay dư địa của ngành rau quả tại thị trường thế giới vẫn còn rất lớn, song nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh người tiêu dùng các nước sẽ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe nên các thị trường sẽ tăng cường hàng rào kỹ thuật, kể cả thị trường Trung Quốc. 

Bởi vậy, muốn tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy XK rau quả, các doanh nghiệp phải có sự đầu tư bài bản, tăng cường đầu tư vào sản phẩm chế biến, bảo quản hàng rau quả đáp ứng các yêu cầu về XK trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, thiên tai dự báo vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2021.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem