Trung Quốc mua lượng khổng lồ 1,3 triệu tấn, giá nông sản này của Việt Nam tăng nhưng nông dân đau đầu vì bệnh lạ

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 29/06/2021 11:17 AM (GMT+7)
Trong tháng 5/2021, Trung Quốc vẫn tăng tốc thu mua sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam, giúp kim ngạch xuất khẩu sắn 5 tháng đầu năm 2021 tăng tới 26,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hiện, nông dân đang đau đầu vì bệnh khảm lá hoành hành ở nhiều vùng chuyên canh sắn.
Bình luận 0

Giá sắn ổn định do Trung Quốc tăng mua, nông dân vẫn lo đối phó bệnh lạ khó chữa

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 10 ngày giữa tháng 6/2021, giá sắn nguyên liệu tại các vùng không có nhiều biến động do Trung Quốc vẫn mua một lượng lớn trong tháng 5/2021. 

Hiện, một vài nhà máy tinh bột tại Kon Tum bắt đầu chạy lại sau thời gian nghỉ bảo dưỡng. 

Tuy giá sắn vẫn ổn định, tạo động lực cho nông dân chăm sóc tuy nhiên bệnh khảm lá tiếp tục phát sinh gây hại và gia tăng diện tích nhiễm bệnh trên các diện tích sắn trồng mới bằng nguồn giống không sạch bệnh tại các vùng trồng sắn khu vực miền Trung và Nam Bộ. 

Tính đến đầu tháng 6/2021, bệnh khảm lá sắn đã xuất hiện tại 19 tỉnh thành trong cả nước gồm: Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, An Giang, Hồ Chí Minh, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Gia Lai, Bình Thuận, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. 

Diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá khoảng 70.060 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng là 12.628 ha. Tại Nghệ An, có 85,7ha sắn bị mất trắng do bệnh khảm lá.

Trung Quốc mua triệu tấn, thu về 500 triệu USD, nông dân vẫn đau đầu vì bệnh lạ - Ảnh 1.

Trung Quốc đang mua lượng lớn sắn của Việt Nam, tuy nhiên bệnh khảm lá sắn đang hoành hành ở nhiều địa phương trong cả nước. Trong ảnh: Một biểu hiện của bệnh khảm lá. (Ảnh: TTKNQG).

Trung Quốc mua đều, giá sắn xuất khẩu tăng vọt

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 5/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 212.840 tấn, trị giá 86,42 triệu USD, giảm 0,6% về lượng, nhưng tăng 7,4% về trị giá so với tháng 4/2021; so với tháng 5/2020 tăng 25,5% về lượng và tăng 44% về trị giá.

Giá sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu bình quân đạt 406 USD/tấn, tăng 8,1% so với tháng 4/2021 và tăng 14,7% so với tháng 5/2020. 

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,4 triệu tấn, trị giá 529,14 triệu USD, tăng 14,7% về lượng và tăng 26,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Tính riêng mặt hàng sắn, tháng 5/2021, xuất khẩu sắn đạt 68.630 tấn, trị giá 18,62 triệu USD, giảm 35,6% về lượng và giảm 35,4% về trị giá so với tháng 4/2021; so với tháng 5/2020 tăng 66,8% về lượng và tăng 95,3% về trị giá.

 Giá sắn xuất khẩu bình quân ở mức 271,4 USD/tấn, tăng 0,4% so với tháng 4/2021 và tăng 17,1% so với tháng 5/2020. 

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn đạt 565.180 tấn, trị giá 144,58 triệu USD, tăng 60,4% về lượng và tăng 85,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong tháng 5/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc vẫn nhiều nhất, chiếm 90,4% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 192.460 tấn, trị giá 77,86 triệu USD, tăng 5,7% về lượng và tăng 13,1% về trị giá so với tháng 4/2021; so với tháng 5/2020 tăng 25,7% về lượng và tăng 43,3% về trị giá. 

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,3 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 489,96 triệu USD, tăng 17,1% về lượng và tăng 29,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Đáng chú ý, trong tháng 5/2021 xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Philíppines tăng mạnh với 1.010 tấn, trị giá 480,88 nghìn USD, tăng tới 736,4% về lượng và tăng 1.565,5% về trị giá so với tháng 4/2021; so với tháng 5/2020 tăng 181,1% về lượng và tăng 242,5% về trị giá.

Trung Quốc mua triệu tấn, thu về 500 triệu USD, nông dân vẫn đau đầu vì bệnh lạ - Ảnh 2.

. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam. Trong ảnh: Chế biến sắn tại một doanh nghiệp của tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Báo Kon Tum).

Xuất khẩu sắn của Việt Nam sang Trung Quốc phải cạnh tranh với Thái Lan

Dù Trung Quốc mua lượng khổng lồ sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam nhưng hiện sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh với Thái Lan tại thị trường này.

Hiệp hội tinh bột sắn Thái Lan giữ giá sàn xuất khẩu tinh bột sắn ở mức 485 USD/tấn, ổn định so với 10 ngày trước đó; giá thu mua tinh bột sắn cũng được giữ ở mức 14 Baht/kg.

So với Việt Nam, giá bán sắn và các sản phẩm từ sắn của Thái Lan tại thị trường Trung Quốc cao hơn đáng kể. 

Hiệp hội thương mại khoai mỳ Thái Lan cũng giữ giá sàn xuất khẩu sắn lát ở mức 255 – 265 USD/tấn FOB - Băng Cốc, trong khi điều chỉnh giá sắn nguyên liệu lên mức 2,25-2,85 Baht/kg. 

Theo Cơ quan Hải quan Thái Lan, 4 tháng đầu năm 2021, Thái Lan xuất khẩu được hơn 2,1 triệu tấn sắn lát, trị giá 15,72 tỷ Baht (tương đương 504,8 triệu USD), tăng 82,3% về lượng và tăng 110,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,98% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của Thái Lan với 2,1 triệu tấn, trị giá 15,71 tỷ Baht (tương đương 504,71 triệu USD), tăng 82,3% về lượng và tăng 110,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong 4 tháng đầu năm 2021, Thái Lan xuất khẩu được 1,29 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 17,45 tỷ Baht (tương đương 560,58 triệu USD), tăng 34,7% về lượng và tăng 40,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 74,8% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của Thái Lan, với 967.640 tấn, trị giá 12,85 tỷ Baht (tương đương 412,78 triệu USD), tăng 71,4% về lượng và tăng 81,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem