Trung Quốc có thể "chậm chân" trong cuộc đua sản xuất vắc xin Covid-19 vì lý do không ngờ

Vương Nam – SCMP Thứ sáu, ngày 01/05/2020 17:57 PM (GMT+7)
Trung Quốc đang cố gắng phát triển vắc xin Covid-19 với tốc độ nhanh nhất để có thể cạnh tranh với các đối thủ khác. Tuy nhiên, nước này lại đang gặp khó khi muốn thử nghiệm vắc xin quy mô lớn.
Bình luận 0

Nỗ lực rút ngắn thời gian phát triển vắc xin Covid-19 của Trung Quốc đang gặp bất lợi vì không có sự bùng phát dịch bệnh trong nước. Điều này khiến Trung Quốc gần như không thể tiến hành giai đoạn 3 – giai đoạn cuối cùng của việc thử nghiệm vắc xin trên người, theo các chuyên gia trong ngành dược phẩm.

Muốn thực hiện thử nghiệm vắc xin Covid-19 trong giai đoạn 3, Trung Quốc cần ít nhất 1.000 tình nguyện viên tham gia. Tình trạng sức khỏe của nhóm 1.000 người này sau đó còn cần phải so sánh với một nhóm khác được tiêm giả dược tại khu vực đang có sự lây nhiễm phổ biến. Đây là điều kiện quan trọng để chứng minh vắc xin Covid-19 là an toàn, hiệu quả và có tính bảo vệ cao.

“Sẽ rất khó khăn để 32 loại vắc xin (do Trung Quốc sản xuất) và hơn 100 loại vắc xin Covid-19 khác trên toàn thế giới hoàn thành tất cả các giai đoạn thử nghiệm”, Zhu Fengcai, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, cho biết.

img

Việc phát triển vắc xin Covid-19 tại Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn khi đã kiểm soát được dịch bệnh (ảnh: SCMP)

Zhu là một chuyên gia về vắc xin đã có nhiều kinh nghiệm. Nhóm của ông hiện đang tư vấn cho CanSino Biologics – một trong những ứng cử viên hàng đầu đã tiến hành thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên người tại Trung Quốc.

Ông Zhu cho rằng, thử nghiệm vắc xin Covid-19 trong các giai đoạn sắp tới của nhiều công ty Trung Quốc phải đưa ra những nước nơi dịch bệnh vẫn còn hoành hành để thực hiện.

Yang Xiaoming - Chủ tịch Tập đoàn Biotec, nơi có 2 loại vắc xin Covid-19 bất hoạt đang được thử nghiệm, cho rằng, Trung Quốc không còn phù hợp cho giai đoạn 3 của quá trình thử nghiệm.

Ông Yang nói thêm rằng, một số quốc gia khác “đang bùng phát virus rất nghiêm trọng” đã đồng ý cho thử nghiệm vắc xin của công ty này.

Tuy nhiên, biện pháp này không phải là không có thách thức.

“Việc thử nghiệm vắc xin yêu cầu các quốc gia hợp tác cần có những chuyên gia giàu kinh nghiệm. Đặc biệt là phải có đầy đủ tài nguyên y tế để ứng phó với Covid-19 và sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc”, ông Zhu Fengcai nhấn mạnh.

“Ngoài những điều kiện trên, thử nghiệm vắc xin Covid-19 cũng cần sự đồng ý của các cơ quan quản lý về dược phẩm và đạo đức y tế của nước sở tại. Rào cản ngôn ngữ phải được khắc phục. Đây là những trở ngại mà đội ngũ của tôi từng gặp phải khi tiến hành thử nghiệm vắc xin Ebola ở Sierra Leone”, ông Zhu chia sẻ.

img

Tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên người tại Anh (ảnh: AP)

Richard Hatchett – Giám đốc điều hành của Liên minh Sáng kiến Phòng chống dịch bệnh (CEPI), cho rằng, Trung Quốc sẽ cần sự hợp tác quốc tế để đánh giá những thử nghiệm vắc xin.

“Những ứng cử viên vắc xin Covid-19 của Trung Quốc sẽ cần phải được thử nghiệm ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, nơi virus vẫn còn lây lan”, ông Richard Hatchett cho biết.

Ngoài những rào cản về kỹ thuật, việc thử nghiệm vắc xin ở nước ngoài của Trung Quốc còn có thể vấp phải trở ngại pháp lý.

Những thử nghiệm vắc xin không phải đối với người Trung Quốc thường không được cơ quan quản lý dược phẩm nước này công nhận. Theo các chuyên gia, nếu không có sự phối hợp và công nhận dữ liệu thử nghiệm vắc xin ở giai đoạn 3 đến từ cơ quan quản lý, những công ty dược phẩm tại Trung Quốc có thể chịu rủi ro lớn về mặt kinh phí.

Có rất nhiều đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc trong cuộc đua phát triển vắc xin Covid-19 toàn cầu, đặc biệt là Mỹ. Vì vậy, nếu không nhanh chóng tiến hành thử nghiệm vắc xin giai đoạn 3, nhiều tiến bộ mà các công ty Trung Quốc đạt được sẽ không còn giá trị.

img

Một em bé đeo khẩu trang vẽ hình mặt trời (ảnh: AP)

Ngoài Mỹ, một trong những đối thủ cạnh tranh mới nổi gần đây với Trung Quốc trong cuộc đua phát triển vắc xin Covid-19 là Viện Jenner tại Đại học Oxford (Anh). Vắc xin của Viện Jenner đã được thử nghiệm trên hàng ngàn tình nguyện viện tại Ấn Độ và đã được Serum Institute of India – công ty sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, lên kế hoạch sản xuất 60 triệu liều trong năm nay.

Trong khi đó tại Trung Quốc, chuyên gia Zhu và nhóm của mình vẫn đang nỗ lực tìm kiếm thêm những tình nguyện viên thử nghiệm vắc xin, thậm chí là phải tranh thủ cả các trường hợp người nhiễm Covid-19 nhập cảnh từ nước ngoài về. Tuy nhiên, việc tìm tình nguyện viên trong thời điểm này vẫn là rất khó khăn vì Trung Quốc áp dụng quy dịnh cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem