Trong tâm dịch Covid-19, các huyện nông thôn mới TP.HCM vẫn tăng trưởng ấn tượng

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 17/09/2021 08:22 AM (GMT+7)
Do nằm ở những vị trí cửa ngõ của TP.HCM, với vai trò liên kết vùng, thời gian qua một số huyện nông thôn mới đã phát huy lợi thế này để phát triển kinh tế vượt bậc.
Bình luận 0

Chuyển dịch kinh tế đúng hướng

Huyện Bình Chánh nằm ở cửa ngõ phía Tây của TP.HCM, sở hữu vị trí đắc địa, cầu nối giữa thành phố với cả vùng ĐBSCL. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Bình Chánh đã duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt gần 21%/năm.

Cùng với việc hoàn chỉnh hệ thống giao thông, để nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc, nhiệm kỳ vừa qua, huyện Bình Chánh đã chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế đúng định hướng, tăng dần giá trị sản lượng ngành công nghiệp - xây dựng (hiện chiếm 80%), thương mại - dịch vụ (chiếm 17,6%) và giảm dần cơ cấu giá trị sản lượng ngành nông nghiệp. 

Trong tâm dịch, các huyện NTM vẫn tăng trưởng ấn tượng - Ảnh 1.

Người dân đi mua sắm thực phẩm tại Coopmart Vĩnh Lộc B (Bình Chánh). Ảnh: Trần Đáng

Theo UBND huyện Bình Chánh, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đối mặt với không ít thách thức khi dân số tăng cơ học hơn 30.000 người/năm. Trong khi đó, công tác quy hoạch và triển khai quy hoạch chưa phù hợp với nhu cầu phát triển của huyện, nhất là quy hoạch về đất ở.

Để khắc phục, ngoài đề án chuyển huyện Bình Chánh lên thành quận (giai đoạn 2021-2030), huyện cũng đề ra nhiều chương trình đột phá để phát triển hạ tầng, phát triển nhân lực và văn hóa, chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực huyện Bình Chánh...

Đặc biệt, huyện Bình Chánh đề ra chương trình phát triển nhà ở gắn với đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị, giải quyết nhu cầu nhà ở cho 30.000 người dân nhập cư mỗi năm. Chỉnh trang đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025 của huyện. Về Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Bình Chánh đã phê duyệt 4 đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500; 14/14 đồ án quy hoạch xây dựng NTM.

Dồn sức xây dựng nông thôn mới TP.HCM

Tại huyện Củ Chi, theo UBND huyện, trong quý I/2021, kinh tế huyện tiếp tục tăng trưởng ổn định. Giá trị sản xuất toàn ngành ước thực hiện hơn 24.245 tỷ đồng, tăng 19,78% so cùng kỳ. Trong đó, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt hơn 18.220 tỷ đồng, tăng 21,40% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ ước thực hiện hơn 4.149 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp ước thực hiện đạt hơn 1.875 tỷ đồng, tăng 5,6% so cùng kỳ.

Cũng theo UBND huyện Củ Chi, dù đang tập trung phòng, chống dịch Covid-19, nhưng Chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn được tập trung thực hiện. Đến nay, có 18/20 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Trong tâm dịch Covid-19, các huyện nông thôn mới TP.HCM vẫn tăng trưởng ấn tượng - Ảnh 3.

Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, Củ Chi. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo Ban chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM về Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong 10 năm xây dựng nông thôn mới (từ năm 2010 – 2020) thành phố đã đầu tư hơn 79.995 tỷ đồng cho 5 huyện xây dựng nông thôn mới. 

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự tham gia chủ động của người dân, bộ mặt nông thôn ngoại thành qua 10 năm xây dựng nông thôn mới đã thay đổi và đạt được những kết quả khá tích cực: Kinh tế nông nghiệp tăng trưởng khá qua các năm; nhận thức về kinh tế tập thể được củng cố, ứng dụng khoa học công nghệ có được những kết quả cụ thể, mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn. 

Nếu năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn TP.HCM bằng 55,5% so với thành thị; năm 2010 là 66,5%, thì năm 2019 là 72,57%. Hiện thu nhập của người dân vùng nông thôn TP.HCM đạt hơn 63 triệu đồng/người/năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem