Trồng sa nhân bán quả giá cao, dân bản Phiêng Ban ngày ngày no ấm

Ngọc Mai Thứ ba, ngày 19/03/2019 12:52 PM (GMT+7)
Không cam chịu cái đói, cái nghèo, chị Sùng Thị Sua, bản Phiêng Ban (xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) đã đưa gia đình vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình trồng sa nhân dưới tán rừng.
Bình luận 0

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng sa nhân của chị Sua vào một ngày đầu tháng 3. Khi đến, chị Sua đang cắt tỉa cây sa nhân già. Ngưng tay, chị chia sẻ: “Rừng sa nhân này là nơi làm ra miếng cơm cho cả gia đình tôi đấy. Từ khi học theo cách làm của một số bà con trong bản đưa cây sa nhân về trồng dưới tán rừng, kinh tế gia đình ngày một khá lên, đến nay đã thoát được nghèo”.

img

Chị Sùng Thị Sua (phải) cùng gia đình lên rừng chăm sóc cây sa nhân. ảnh: Ngọc Mai

Khi lập gia đình, cuộc sống của hai vợ chồng trẻ gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Về nhà chồng, bố mẹ cho ra ở riêng và chia cho một ít đất sản xuất nên cả nhà chỉ dựa vào nương ngô, nương lúa. Khó khăn nối tiếp khó khăn khi hai đứa con của chị lần lượt ra đời. Do đó, 2 vợ chồng chị Sua luôn trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình, sung túc, ấm no.

Năm 2016, một số bà con trong bản lấy giống cây sa nhân về trồng dưới tán rừng, quả mọc tua tỏa dưới đất, loại quả này bán được giá cao. Thấy vậy, chị Sua liền bàn với chồng dùng số tiền tích góp và vay thêm của anh em hàng xóm, đầu tư mua cây giống sa nhân về trồng trên khu rừng khoanh nuôi được dân bản chia cho để bảo vệ.

Thời điểm đó, ngày nào hai vợ chồng chị Sua cũng trên rừng phát quang bụi rậm, cỏ dại, đào hố trồng sa nhân. Ngày qua ngày, diện tích dần dần được mở rộng, đến nay vợ chồng chị đã trồng được gần 2ha cây sa nhân.

img

Trồng sa nhân dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình chị Sùng Thị Sua.

Do khí hậu ở Phiêng Ban mát mẻ, đất ẩm quanh năm nên chỉ sau vài tháng trồng, sa nhân đã đâm chồi xanh tốt, dưới đất rễ mọc tua tủa, năm thứ 2 cây đã bắt đầu ra quả. Đất không phụ người chịu khó, vụ đầu tiên gia đình chị Sua thu được 3 – 4 tạ quả, thương lái mua giá 70.000 – 80.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi được vài chục triệu đồng.

So với trồng ngô thì trồng sa nhân cho thu nhập cao hơn nhiều lần, mà chi phí đầu tư bỏ ra ít, chủ yếu là công chăm sóc. Giờ đây thu nhập của gia đình chị Sua ngày càng tăng lên, có của ăn của để.

Chị Sua chia sẻ: “Khác với những cây trồng khác, cây sa nhân rất hợp khi trồng dưới tán rừng. Thời gian trồng thích hợp nhất vào tháng 3 – 4, sau những trận mưa đầu mùa, đất ẩm cây nhanh phục hồi. Khi trồng dưới tán rừng phải phát dọn thực bì, sa nhân giống nên cắt hết lá chỉ để lại thân, rễ, khoảng cách trồng gốc cách gốc là 1m. Để cây phát triển tốt, thời gian đầu nên thường xuyên làm cỏ, phát quang xung quanh cây. Khi cây phát triển thành rừng nên cắt tỉa bỏ các cây già, không để mật độ quá dày, làm ảnh hưởng đến quá trình cây ra quả”.

Sa nhân là loại cây mọc hoang rất nhiều ở vùng rừng núi, dưới tán cây râm mát, tiếng Tày còn gọi là mác nẻng, tiếng Thái là co nénh. Bộ phận dùng làm thuốc là hạt quả. Thu hái quả thường vào mùa hè, bóc vỏ quả lấy hạt bên trong, phơi hay sấy khô dùng dần.

Theo y học cổ truyền, sa nhân có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng hành khí, hóa thấp, kiện tỳ, kháng khuẩn, kích thích tiêu hóa. Thường dùng chữa ăn không tiêu, đau bụng, đầy trướng, tiêu chảy, nôn mửa, an thai,...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem