Trồng rau màu theo cách này, nông dân chỉ lo làm, bán đã có người khác lo, kể cả khi dịch Covid-19 bùng phát

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 30/07/2021 05:45 AM (GMT+7)
Thời gian qua, trong khi nhiều nông dân đau đớn nhìn nông sản làm ra phải bán đổ, bán tháo, thậm chí vứt bỏ, thì có không ít nông dân khác trồng rau, quả thực phẩm thu hái đến đâu doanh nghiệp thu mua hết đến đó. Cụ thể là mô hình trồng chanh của nông dân xã Lương Hòa, huyện Bến Lức (Long An).
Bình luận 0

Hiện, tại vùng trồng chanh huyện Bến Lức (Long An), nhiều nông dân trồng chanh đang đứng ngồi không yên vì vào vụ thu hoạch giá bán rẻ "như cho". 

Nhưng, ông Lưu Khánh Cường (xã Lương Hòa), một nông dân trồng 3ha chanh, lúc nào cũng cười tươi rói. Làm nông sản lúc này đã khác.

Dịch bùng phát, nông dân làm nông sản theo cách này rộng đường lên kệ siêu thị - Ảnh 1.

Nông sản VietGAP luôn được thị trường đón nhận. Ảnh. Sơ chế chanh tại HTX Bến Lức. (Ảnh: Trần Đáng)

Có nơi tiêu thụ ổn định mới trồng nhiều

"Nếu không có công ty bao tiêu, vụ chanh này tôi cũng chết chắc như bao nông dân làm ngoài rồi", ông Cường chia sẻ.

7 năm nay, ông Cường "bắt tay" trồng chanh cho Công ty Fruit Repuplic Cần Thơ. Vụ chanh này, ông Cường dự tính thu hoạch 7 tấn.

Hiện, giá chanh trên thị trường thương lái thu mua 2.500 – 3.000 đồng/kg, Công ty Fruit Repuplic Cần Thơ mua giá 10.000 đồng/kg.

"Trong tình cảnh chanh đang thu hoạch khắp nơi, thương lái mua giá rất thấp, nên công ty mua giá 8.000 đồng/kg là quá tốt cho nông dân", ông Cường thổ lộ.

Theo ông Hồ Vũ Thanh, Giám sát khu vực Bến Lức của Công ty Fruit Repuplic Cần Thơ, hiện công ty đang thu mua 1.200ha chanh công nghệ cao tại địa bàn.

Nếu nông dân trồng chanh làm theo quy trình LobalGAP,  Công ty Fruit Repuplic Cần Thơ sẽ mua 8.000 đồng/kg. Cộng thêm tiền hỗ trợ theo tỷ lệ chanh xuất khẩu, hỗ trợ tiền thuốc BVTV và làm theo quy trình…, giá chanh tăng lên 10.000 đồng/kg.

"Do thấy thị trường tiêu thụ chanh đang khó bởi ảnh hưởng của dịch nên công ty mua giá hỗ trợ để bà con duy trì cây chanh", ông Thanh cho biết.

Tại xã Châu Pha (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu), nông dân trồng rau màu cho Công ty TNHH MTV 4K Farm cũng khá nhẹ thở trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Pha Dương Văn Trầm cho biết, hiện 22 hộ đang trồng rau VietGAP cho Công ty 4K không phải lo đầu ra.

"Nông dân trồng rau màu đến đâu công ty mua hết đến đó", ông Trầm cho biết.

Hiện, Công ty 4K đang mua đồng giá 10.000 đồng/kg cho tất cả loại rau màu bà con nông dân trồng. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ thêm cho nông dân khi sản xuất vượt năng suất…

Dịch bùng phát, nông dân làm nông sản theo cách này rộng đường lên kệ siêu thị - Ảnh 3.

Làm nông sản vietGAP giúp ông Lưu Khánh Cường yên tâm đầu ra. Ảnh. Ông Cường và vườn chanh đang cho thu hoạch. (Ảnh: Trần Đáng)

Theo ông Trầm, thời gian qua thị trường trồng rau, củ khá bấp bênh. Có khi giá rau chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/kg. Đôi khi, bà con trồng rau phải nhổ bỏ rau màu.

"Nhưng từ khi liên kết với công ty trồng rau, bà con khá yên tâm đầu ra. Ngay cả vào thời điểm dịch bùng phát như bây giờ", ông Trầm chia sẻ.

Nông sản phải đạt chuẩn chất lượng và có liên kết tiêu thụ

Ông Nguyễn Biện Trường Vinh, Phó Ban Kinh tế (Hội Nông dân TP.HCM) cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở TP.HCM, nhất là khi TP thực hiện giãn cách để phòng chống dịch, rau màu tại một số vùng trồng trên địa bàn dồn ứ.

Theo ông Vinh, nguyên nhân là do các chợ truyền thống, chợ đầu mối của TP buộc phải tạm dừng để giãn cách, chỉ còn lại hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ hoạt động.

"Rau màu bị dồn ứ hầu hết là không làm theo chuẩn an toàn. Hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ… không chấp nhận rau không đạt tiêu chuẩn", ông Vinh chia sẻ.

Ông Lê Văn Nam, Trưởng phòng NNPTNT huyện Bến Lức cho biết, những năm qua, huyện Bến Lức thực hiện nhiều chính sách để đẩy mạnh chương trình ứng dụng công nghệ cao trên cây chanh.

Hiện, huyện có 1.200ha chanh ứng dụng công nghệ cao, đủ tiêu chuẩn đáp ứng cho công ty thu mua xuất khẩu.

Dịch bùng phát, nông dân làm nông sản theo cách này rộng đường lên kệ siêu thị - Ảnh 4.

Nông sản ở TP.HCM đôi lúc dội ứ phải ủng hộ các đội thiện nguyện giúp người dân chống dịch. (Ảnh: Trần Đáng)

"Dịch bùng phát, bà con trồng chanh công nghệ cao mới thấy gía trị khi được công ty thu mua hết chanh. Tôi biết, nhiều vùng trồng chanh giờ thương lái mua giá rất thấp", ông Nam chia sẻ.

Bến Lức là địa phương có diện tích chanh lớn nhất tỉnh Long An, với hơn 7.100ha. Sản lượng trung bình hàng năm đạt khoảng 80.000 tấn, trong đó phần lớn chanh được xuất khẩu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem