dd/mm/yyyy

Trồng măng tây xanh, một ông nông dân Lâm Đồng thu lợi nhuận gấp 4-5 lần trồng cà phê

Chuyển đổi diện tích từ trồng cà phê sang trồng măng tây xanh, ông Nguyễn Văn Đóa (51 tuổi, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, lợi nhuận gấp 4-5 lần trồng cà phê.

Phá cà phê trồng măng tây

Được Hội Nông dân huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) giới thiệu, phóng viên đã liên hệ và tìm được đến nhà ông Nguyễn Văn Đóa. 

Chúng tôi đến trước cổng nhà ông Đóa khi ông vẫn đang loay hoay cùng thợ sửa chiếc máy nổ mới bị hỏng. Tay vẫn đầy nhớt đen sì, ông Đóa hồ hởi mời chúng tôi vào nhà uống nước chè.

Xung quanh nhà ông Đóa, chúng tôi nhận ra ngay những dãy nhà kính bên trong trồng những luống măng tây xanh mướt. Hỏi ra mới biết, ông mới chỉ dám đầu tư một phần nhà kính bởi chi phí đầu tư khá cao.

Trồng măng tây xanh, lão nông này có lợi nhuận gấp 4-5 lần cà phê - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Đóa bên trong vườn măng tây mang lại giá trị kinh tế cao của gia đình mình.

"Trước đây, cây trồng chủ lực của người dân xã Nam Hà chủ yếu là cà phê. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, giá cà phê xuống thấp bất thường, ảnh hưởng lớn đến nhiều gia đình tại địa phương. 

Người ta đã chuyển dần sang trồng bơ, mít, thanh long rồi các loại rau củ khác. Tôi thì lại có duyên với cây măng tây xanh một cách trùng hợp.

Tình cờ xem tivi thì tôi thấy phát chương trình mô hình trồng măng tây mang lại hiệu quả kinh tế cao. 3 năm trước đây thì ở Lâm Đồng rất ít người trồng. Trong khi đó, thời tiết, nhiệt độ ở huyện Lâm Hà khá phù hợp nên tôi đã lên mạng tìm hiểu. Đây cũng là loại cây đa niên, trồng 1 lần có thể thu hoạch đến gần 10 năm nếu chăm sóc tốt. Vì vậy, tôi đã quyết định trồng cây măng tây xem hiệu quả kinh tế xem sao", ông Đóa vừa pha chè vừa kể.

Năm đầu tiên, ông Đóa cùng hai người nữa hùn vốn đầu tư trồng 1ha măng tây. Khi đặt giống cây măng tây qua mạng, công ty giao đến tận nhà và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Để măng tây cho thu hoạch, người trồng phải vun trồng trong 1 năm đầu tiên.

Trồng măng tây xanh, lão nông này có lợi nhuận gấp 4-5 lần cà phê - Ảnh 2.

Bà Đồng Thị Hằng (vợ ông Đóa) vui mừng khi cây măng tây đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình bà.

Bà Đồng Thị Hằng (vợ ông Đóa) đang phân loại măng tây chia sẻ: "Vợ chồng bàn bạc, chúng tôi mới chỉ dám làm một nửa diện tích, còn lại một nửa cà phê để lại còn lấy cái thu. Măng tây là cây trồng mới, chưa biết hiệu quả thế nào, giá cả, thị trường tra sao nên chúng tôi chưa dám "làm liều". Đến nay, sau hơn 2 năm tiến hành trồng thì mới yên tâm phần nào".

Sau khi trồng hiệu quả, giá bán khá cao nên vào tháng 4/2020, ông Nguyễn Văn Đóa đã cùng 8 thành viên khác thành lập Hợp tác xã măng tây xanh Langbiang với diện tích khoảng 5ha. 

Đến nay, mỗi ngày hợp tác xã do ông Đóa là giám đốc thu hoạch mỗi ngày khoảng 400kg măng tây xanh, bán cho thương lái với giá 60.000 đồng/kg, cung cấp chủ yếu cho thị trường tại TP. Hồ Chí Minh. 

Trong thời gian sắp tới, hợp tác xã của ông Đóa sẽ hoàn thiện hồ sơ để được cấp chứng nhận VietGAP trong một phần diện tích. Từ đó, một phần sản phẩm măng tây xanh sẽ có cơ hội để đưa vào các siêu thị lớn.

Trồng măng tây thu lợi nhuận 50%

Theo tính toán của ông Đóa, lợi nhuận cây măng tây mang lại có giá trị cao gấp 4-5 lần so với cây cà phê và các loại hoa màu khác trồng tại địa phương. 

Với giá cả đầu từ hiện nay, người trồng măng tây sẽ có lợi nhuận 50% tổng doanh thu. Nếu thời tiết ấm như hiện tại thì sản lượng măng tây đạt 7-8kg/ngày/sào. Tuy nhiên, nhiệt độ lý tưởng để cây măng tây phát triển và có sản lượng cao nhất đạt từ 14-16kg/ngày/sào là 20-25 độ C.

 Với giá 60.000 đồng/kg như hiện nay, doanh thu măng tây mang lại có thể đạt 1 đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Sau khi trừ chi phí, ông Đóa có lợi nhuận trên nửa tỷ đồng/năm.

Trồng măng tây xanh, lão nông này có lợi nhuận gấp 4-5 lần cà phê - Ảnh 3.

Cách làm của HTX măng tây xanh Langbiang đang là hướng đi triển vọng tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Bình, một thành viên của Hợp tác xã măng tây xanh Langbiang cho hay: "Hiện nay, chi phí đầu tư 1.000m2 đất trồng măng tây ngoài trời là khoảng 70-80 triệu đồng. Việc đầu tư trồng măng tây trong nhà kính sẽ giảm bớt được sâu bệnh hại nhưng chi phí tăng lên khoảng 200-250 triệu đồng.

 Đến nay, HTX măng tây xanh Langbiang mới chỉ có khoảng 2ha diện tích nhà kính. Tuy việc trồng măng tây có nhiều công việc, bận rộn, phải thu hoạch măng từ sáng sớm nhưng lại có giá bán cao, ổn định hơn so với cây trồng khác. Theo tôi đánh giá, đây là cây trồng khá triển vọng tại địa phương trong thời gian sắp tới".

Trồng măng tây xanh, lão nông này có lợi nhuận gấp 4-5 lần cà phê - Ảnh 4.

Với chế phẩm sinh học Smart Mother EM, ông Nguyễn Văn Đóa đã khống chế được 90% nấm bệnh phytophthora trong vườn măng tây của gia đình mình.

Tuy nhiên, qua quá trình canh tác, ông Đóa và ông Bình cũng cho biết, cây trồng này thường bị nấm phytophthora sau một thời gian trồng đại trà. 

Khi trồng, ông Đóa đã thử nghiệm khá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật nhưng không trị được dứt điểm. Sau đó, ông Đóa tìm hiểu trên mạng Internet thì biết đến bài báo nói về chế phẩm sinh học Smart Mother EM của thạc sĩ Nguyễn Phước do báo điện tử Dân Việt đăng tải. 

Lão nông này đã liên hệ và được thạc sĩ Nguyễn Phước trực tiếp đến vườn kiểm tra. Qua lấy mẫu đất kiểm tra và xác định loại nấm, ông Đóa được dùng thử nghiệm sản phẩm chế phẩm sinh học Smart Mother EM. Đến nay, nấm bệnh phytophthora đã bị "tiêu diệt" khoảng 90%. 

Văn Long