dd/mm/yyyy

Trồng khoai sọ tím to bằng cái ấm, ăn chất lừ, nông dân Tủa Chùa thu nhập khá

Cây khoai sọ tím đã gắn liền với đời sống người dân vùng cao Tủa Chùa (Điện Biên). Khoai ngon, dẻo, nhưng trước đây chỉ được trồng quanh nhà, người dân chưa trồng làm hàng hóa. Năm 2019, khi Hợp tác xã H'Mông được thành lập, khoai sọ tím Tủa Chùa mới thực sự được nhiều người biết đến.

Khoai sọ tím cho thu nhập khủng

Mở đầu câu chuyện về cây khoai sọ tím, ông Vừ A Phía, Chủ tịch UBND xã Trung Thu cười sảng khoái: "Chẳng biết từ bao giờ, cây khoai sọ tím đã gắn liền với đời sống người Mông chúng tôi. Khoai sọ được người dân trồng quang nhà, vừa lấy lá cho lợn ăn, củ thì vừa ăn vừa bán. Trước đây những năm mất mùa ngô, người dân phải ăn khoai sọ thay mèn mén. Những năm được mùa, người dân đem bán ở chợ phiên, mỗi vụ hộ nào cũng trồng nhiều và cho thu kha khá hơn trồng lúa, ngô". 

Khoai sọ Tủa Chùa được đánh giá chất lượng ngon nhất của tỉnh Điện Biên. Khoai thơm, dẻo, được người sử dụng rất ưa chuộng. Khoai sọ bán tại các chợ phiên Tủa Chùa có giá từ 10 nghìn đến 15 nghìn đồng/kg. Những lái buôn mang về thành phố Điện Biên Phủ thì giá rất cao, không đủ để cung cấp cho thị trường.

Trồng khoai sọ tím to bằng cái ấm, ăn chất lừ, nông dân Tủa Chùa thu nhập khá - Ảnh 1.

Hiện tại người dân không phải lo đầu ra cho khoai sọ tím, vì sản phẩm sẽ được HTX Mông tại xã Trung Thu bao tiêu sản phẩm.

Là người có thâm niên lâu năm công tác trong ngành nông nghiệp Tủa Chùa, ông Tô Văn Tuân, nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tủa Chùa khẳng định: "Về chất lượng khoai sọ tím Tủa Chùa thơm, ngon, chất lượng không thua kém gì khoai sọ Lệ phố. Tôi đã nhiều lầm mua khoai sọ Tủa Chùa làm quà được mọi người đánh giá chất lượng rất cao. Thời gian còn công tác trong lĩnh vực nông nghiệp tôi đã khuyến khích bà con trồng giống khoai này. Hiện nay khoai sọ tím được tập trung trồng nhiều ở các xã: Trung Thu, Huổi Só, Tả Phình, Tủa Thàng..." 

Theo như ông Tuân thì giống khoai sọ tím rất phù hợp với chất đất, điều kiện tự nhiên ở Tủa Chùa. "Nếu người dân trồng với diện tích lớn, biết đầu tư chăm sóc thì sẽ nâng cao được chất lượng, sản lượng. Tuy nhiên hiện nay người dân vẫn chủ yếu trồng tự phát, ít đầu tư, vì thế sản lượng trung bình đạt khoảng 13 tấn - 17 tấn/ha. Nhưng với giá bán trung bình khoảng 10 nghìn - 15 nghìn đồng/kg thì cho thu nhập vẫn cao hơn so với trồng lúa, ngô", ông Tuân cho biết thêm.

Trồng khoai sọ tím to bằng cái ấm, ăn chất lừ, nông dân Tủa Chùa thu nhập khá - Ảnh 2.

Theo ông Tô Văn Tuân, nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp huyện thì chất lượng khoai sọ tím Tủa Chùa, thơm ngon, dẻo, chất lượng không thua kém khoai sọ Lệ phố.

Nói về cây khoai sọ tím, theo ông Tẩn A Đạt, Chủ tịch UBND xã Huổi Só thì chất lượng khoai thơm ngon nhất phải là vùng đất Huổi Só: "Ở đây gần sông Đà, độ ẩm cao, người dân trồng khoai sọ yên tâm bởi đầu ra chủ yếu bán cho thương lái ở bên Lai Châu. Đến vụ thu hoạch, họ đi xuồng sang thu mua, còn lại thì người dân bán cho các thương lái ở dưới thành phố Điện Biên Phủ. Trung bình 1ha cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Nhiều hộ dân ở Huổi Só sống nhờ vào thu nhập từ cây khoai sọ tím này", ông Đạt chia sẻ.

Bỏ phố lên rừng làm nông nghiệp

Sau nhiều lần thăm quan tại Tủa Chùa, nhận thấy đây là vùng đất có tiềm năng phát triển nông nghiệp, nhất là với cây khoai sọ tím. Năm 2019, anh Dương Anh Văn, tạm chia tay thành phố Điện Biên Phủ, lên xã Trung Thu thành lập Hợp tác xã Mông. Anh Văn tâm sự: "Khoai sọ Tủa Chùa, thơm ngon, nhưng nhiều người chưa biết đến. Vì thế tôi quyết định lên đây, thành lập hợp tác xã, gúp người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm cho họ. Đến nay Hợp tác xã đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ dân ở xã Trung Thu. Sản phẩm khoai sọ tím Tủa Chùa đã được người tiêu dùng biết đến bởi chất lượng".

Trồng khoai sọ tím to bằng cái ấm, ăn chất lừ, nông dân Tủa Chùa thu nhập khá - Ảnh 3.

Khoai sọ tím Tủa Chùa có trọng lượng khoảng 4 lạng - 7 lạng/củ. Trung bình 1ha cho thu hoạch khoảng 15 tấn, với giá trung bình bình khoảng 15 nghìn đồng/kg, sẽ cho người dân thu nhập cao.

Là chủ thể đã đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP cho khoai sọ tím, anh Dương Anh Văn, Giám đốc HTX H'Mông Tủa Chùa, cho biết: "Được các phòng, ban chuyên môn tạo điều kiện thuận lợi, được cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Tủa Chùa hỗ trợ nhiều mặt về chuyên môn sản xuất, kĩ thuật trồng, chăm sóc khoai sọ tím theo quy trình sản xuất hữu cơ, năm 2020 HTX đã liên kết với bà con dân tộc Mông tại các bản: Đề Bâu, Trung Vàng Khổ, Pô Ca Dao, Háng Cu Tâu thuộc xã Trung Thu trồng 4,7ha khoai sọ tím". 

Theo quy trình sản xuất này, 100% gia đình tham gia liên kết phải tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc, bón phân đúng hướng dẫn của cán bộ kĩ thuật, đảm bảo sản phẩm khi thu hoạch là sản phẩm sạch, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay bất kỳ loại thuốc nào khác. Tại thời điểm này, 100% diện tích khoai sọ tím trồng theo liên kết ở xã Trung Thu đều phát triển tốt, không sâu bệnh, năng suất dự ước trên 100 tấn.

Trồng khoai sọ tím to bằng cái ấm, ăn chất lừ, nông dân Tủa Chùa thu nhập khá - Ảnh 4.

Hiện nay nhiều nhà hàng tại thành phố Điện Biên Phủ ưa chuộng loại khoai sọ tím Tủa Chùa vì chất lượng được người sử dụng đánh giá cao.

Nói về chất lượng, hương vị đặc trưng của khoai sọ tím Tủa Chùa, Giám đốc Dương Anh Văn, cho biết: "Khoai sọ tím Tủa Chùa khác hẳn một số loại khoai sọ tím hiện có trên thị trường vì củ nào củ nấy to như quả dừa. Trung bình một củ khoảng 4 lạng đến 5 lạng, to hơn có thể trên 1kg. Trong ruột khoai màu tím, nấu lên thơm, bở, dẻo nên nấu canh hay nấu chè đều rất ngon, màu tím cũng rất đẹp. Thời điểm thích hợp xuống giống từ mùa xuân (là khoảng tháng 2 hoặc chậm nhất là tháng 3) và phải cuối tháng 10 đầu tháng 11 mới cho thu hoạch. Như vậy thời gian sinh trưởng của khoai sọ tím Tủa Chùa dài hơn các giống khoai sọ nơi khác nên lượng đường, tinh bột trong khoai cũng đậm đà hơn.

Đến thời điểm này một bộ phận nhân dân trên địa bàn huyện đã bước đầu ý thức tầm quan trọng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, có liên kết với HTX, doanh nghiệp để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Với việc phát triển sản phẩm OCOP mới là khoai sọ tím, hiện nay huyện Tủa Chùa đã cơ bản hoàn thiện các bước để tới đây tổ chức hội nghị đánh giá, chấm điểm công nhận thêm sản phẩm OCOP mang đặc trưng của huyện vùng cao Tủa Chùa.

Vinh Duy