dd/mm/yyyy

Trồng cây ăn quả trên đất dốc, lão nông lãi trên 200 triệu mỗi năm

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, từ hộ gia đình còn nhiều khó khăn, ông Chấn đã phất lên thành hộ khá giàu.

Từ mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc như nhãn, xoài, mỗi năm, lão nông Đinh Văn Chấn, bản Pe, xã Song Pe, huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La) có thu nhập 400 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, ông Chấn lãi trên 200 trệu mỗi năm.

Trồng cây ăn quả trên đất dốc, lão nông lãi trên 200 triệu mỗi năm - Ảnh 1.

Mô hình cây ăn quả trên đất dốc cho hiệu quả kinh tế cao của ông Chấn ở bản Pe, xã Song Pe.

Nhấc chén trà mới pha mùi thơm ngào ngạt mời chúng tôi, ông Chấn kể: Gia đinh tôi trồng 4ha nhãn cỏ từ năm 1996. Vì là giống nhãn địa phương nên cho hiệu quả kinh tế rất thấp. Năm 2010, qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã tìm đến một số mô hình trồng nhãn ghép tại huyện Sông Mã, Mai Sơn của tỉnh Sơn La để học tập kinh nghiệm. Tại đây, tôi được các hộ trồng nhãn tận tình hướng dẫn kỹ thuật ghép mắt nhãn, bón phân, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sau nhiều tháng được "cầm tay chỉ việc", tôi đem kiến thức học được về áp dụng trên diện tích nhãn của gia đình.

Trồng cây ăn quả trên đất dốc, lão nông lãi trên 200 triệu mỗi năm - Ảnh 2.

Theo ông Chấn, để nhãn phát triển tốt phải cho bón phân đầy đủ cho cây. Khi thu hoạch xong, cần cắt tỉa những cành già.

Ban đầu, do chưa tin tưởng vào kiến thức của mình, ông Chấn chỉ ghép thử cho một vài cây. Mãi đến năm 2012, khi huyện Bắc Yên có chương trình hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên đất dốc cho năng xuất, hiệu quả kinh tế cao, ông Chấn đã mạnh dạn ghép mắt 1ha giống nhãn giống mới.

Theo ông Chấn, giống nhãn mới ghép vào nhãn cỏ chỉ sau một năm đã cho bói quả. Năm đó, gia đình thu được hơn 5 tấn quả. Bán với giá 18.000 đồng/kg, gia đình thu được gần 100 triệu đồng.

Trồng cây ăn quả trên đất dốc, lão nông lãi trên 200 triệu mỗi năm - Ảnh 3.

Ông Chấn áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho diện tích cây ăn quả trên đất dốc của mình.

"Thấy nhãn ghép cho hiệu quả kinh tế cao, tôi dùng số tiền có được từ bán nhãn tiếp tục ghép thêm 1ha. Vài năm trở lại đây, 2ha nhãn ghép của tôi đã cho thu hoạch. Năm 2019, tôi xuất bán được gần 30 tấn nhãn ra thị trường. Với giá bán dao động từ 15.000 - 18.000 đồng/kg, tôi thu được 400 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 200 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình tôi đã từng bước tháo gỡ được những khó khăn và tích lũy được vốn liếng để tái đầu tư", ông Chấn vui mừng bảo vậy.

Với bản tính cần cù, chịu khó và khao khát làm giàu, từ nguồn vốn tích lũy được, ông Chấn tiếp tục đầu tư trồng mới 4ha xoài ghép trên đất đốc. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, năm 2020, diện tích xoài của gia đình ông đã bắt đầu cho thu hoạch. Từ sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, ông Chấn xuất khẩu và bán ra thị trường gần 8 tấn xoài.

Trồng cây ăn quả trên đất dốc, lão nông lãi trên 200 triệu mỗi năm - Ảnh 4.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, diện tích nhãn của ông Chấn cho quả sai trĩu cành.

"Vụ xoài năm nay giá khá ổn định nên gia đình tôi thu gần 100 triệu đồng. Với diện tích xoài như bây giờ, từ vụ năm 2021 và năm 2022 trở đi, sản lượng xoài mỗi năm chắc cũng đạt từ 40 - 50 tấn. Nếu giá vẫn ổn định như mấy năm gần đây và tham gia xuất khẩu được thì sẽ thu được từ 400 triệu đến 500 triệu đồng mỗi năm", ông Chấn tự tin bảo vậy.

Theo lãnh đạo UBND xã Song Pe, ông Chấn không những là tấm gương điển hình trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của xã mà còn còn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả cho bà con nhân dân trong bản, xã. Từ đó, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cây lương thực ngắn ngày sang trồng cây ăn quả trên đất dốc.

Với những nỗ lực, quyết tâm không biết mệt mỏi của mình, nhiều năm liền, ông Chấn được UBND huyện, Hội Nông dân huyện Bắc Yên tặng Giấy khen; UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen là "hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi". Ông xứng đáng là tấm gương điển hình để các hộ dân khác học tập và làm theo.

Tuệ Linh