Trồng bưởi thu nhập nửa tỷ đồng/ha, nhiều nơi “bùng nổ” diện tích nhưng hẹp đầu ra

Thiên Hương Thứ bảy, ngày 21/11/2020 19:00 PM (GMT+7)
Với gần 28.000ha bưởi, cùng gần 100.000ha cây có múi khác, vùng trung du miền núi phía Bắc đang đứng thứ 2 cả nước về diện tích. Sản lượng bưởi toàn vùng chiếm hơn 40% tổng sản lượng bưởi cả nước. Trước con số “khổng lồ” này, nỗi lo về vấn đề tiêu thụ bưởi ở các tỉnh miền Bắc cũng ngày càng lớn.
Bình luận 0

Đó cũng là những nội dung về phong trào trồng bưởi được bàn luận tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: "Giải pháp liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bưởi", do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NNPTNT Tuyên Quang tổ chức.

Diện tích, sản lượng bưởi tăng nhanh

Khoảng 10 năm gần đây, diện tích, sản lượng bưởi cả nước và các tỉnh phía Bắc liên tục tăng "nóng". Chỉ riêng các tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Yên Bái, Lạng Sơn, sản lượng bưởi đã đạt gần 165.000 tấn/năm, chiếm 40,6% sản lượng bưởi miền Bắc, chủ yếu là các giống bưởi da xanh, Năm Roi, bưởi Diễn.

Bưởi “bùng nổ” diện tích nhưng hẹp đầu ra  - Ảnh 1.

Vườn bưởi Diễn và bưởi đường 600 cây của gia đình ông Lý Phúc Hưng (ở thôn Soi Hà, xã Xuân Vân, Yên Sơn, Tuyên Quang). Ảnh: Minh Đoàn

"Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây bưởi, các tỉnh cần khuyến cáo bà con bám sát quy hoạch, tránh tình trạng cung vượt cầu; đẩy mạnh việc hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản; tăng cường sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP...".

Ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Nếu so với nhiều cây trồng khác, cây bưởi đang cho hiệu quả kinh tế khá cao. Tại Tuyên Quang, năm 2019, bà con thu hoạch khoảng trên 49 triệu quả, giá bán bình quân 10.000 đồng/quả, ước tổng giá trị thu nhập đạt trên 491 tỷ đồng. 

Trung bình mỗi ha trồng bưởi trong thời kỳ kinh doanh cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/vụ. Thậm chí có không ít hộ gia đình có thu nhập từ 400 - 600 triệu đồng/năm từ cây bưởi.

Tại Yên Bái, diện tích bưởi cho sản phẩm là 845ha, năng suất bình quân đạt 9,1 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 7.733 tấn. Tại Phú Thọ, diện tích bưởi cho sản phẩm 3.000ha, sản lượng ước đạt 35.640 tấn.

Đáng chú ý tại Bắc Giang, hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này cao gấp 7-10 lần so với trồng lúa, doanh thu trung bình trên 500 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí, lợi nhuận từ cây có thể đạt trên dưới 350 triệu/ha/năm.

Nhờ trồng bưởi, nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Tuy nhiên, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), hiện nay việc chế biến quả có múi nói chung và bưởi nói riêng còn rất hạn chế. Chưa có doanh nghiệp nào chuyên chế biến quả có múi, chỉ có một số doanh nghiệp kết hợp chế biến quả có múi với các sản phẩm khác.

Bưởi “bùng nổ” diện tích nhưng hẹp đầu ra  - Ảnh 2.

Cán bộ khuyến nông và nông dân thăm vườn bưởi đường đặc sản ở xã Xuân Vân (Yên Sơn, Tuyên Quang). Ảnh: Chi cục PTNT Tuyên Quang

Dòng sản phẩm chính trong chuỗi giá trị quả có múi chủ yếu là quả tươi, một phần nhỏ được chế biến thành nước cam cô đặc, mứt, cùi cam bưởi sấy, rượu vang... Trong khi đó, diện tích bưởi và các cây trồng có múi khác ngày càng phát triển nhanh, khó kiểm soát.

Ông Đỗ Đức Trường - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình cho biết, diện tích cây bưởi của tỉnh hiện khoảng trên 5.000ha, trong đó hơn 3.000ha đang cho thu hoạch. Trung bình mỗi ha bưởi đang cho người dân thu lãi từ 300 - 350 triệu đồng, song với đà phát triển nhanh như hiện nay, mức lợi nhuận trong thời gian tới sẽ không còn được như vậy.

Bám sát quy hoạch, quản lý tốt dịch bệnh

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, đến hết năm 2019, diện tích bưởi cả nước đạt gần 98.000ha, sản lượng hơn 818.000 tấn.

Hiện nay quả bưởi da xanh đang được nhiều thị trường nước ngoài ưa chuộng. Năm 2019, xuất khẩu bưởi đạt gần 4,8 triệu USD, 9 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu bưởi tăng mạnh, đạt 10,9 triệu USD, tăng 246,2% so cùng kỳ 2019. Trong đó các thị trường chính là Asean, Canada, EU và một số nước châu Á khác.

Tại diễn đàn, đa số các đại biểu đều cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất cây bưởi theo hướng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì các địa phương phải làm tốt công tác quy hoạch; hỗ trợ phát triển, thành lập các hợp tác xã trồng bưởi.

Chú trọng xây dựng các công trình, hạ tầng kinh tế phục vụ vùng sản xuất cây ăn quả có múi nói chung và vùng trồng bưởi nói riêng như: Đường giao thông; hệ thống thủy lợi; chợ, các điểm thu mua nông sản; nhà máy sản xuất phân bón; nhà máy chế biến nông sản tại chỗ…

Theo ông Lê Hồng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang, để nâng cao giá trị của cây bưởi, các địa phương phải chỉ đạo sản xuất bám sát quy hoạch, phát triển thành vùng tập trung để thuận lợi cho việc trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm; thực hiện tốt công tác quản lý về giống cây trồng, bảo đảm chất lượng, sạch bệnh. 

Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác; sử dụng thuốc trừ sâu bệnh có nguồn gốc sinh học để quản lí dịch hại…

TS Nguyễn Thị Bích Ngọc (Viện BVTV) nhận định, do nhiều diện tích bưởi phát triển "nóng", người dân sử dụng cây giống không rõ nguồn gốc, lạm dụng phân bón, thuốc BVTV…, hệ lụy là một số dịch hại, đặc biệt là bệnh vàng lá đang lan rộng, khó chữa. Để duy trì và phát triển bền vững cây bưởi, các nghiên cứu trên thế giới đều tiến hành trồng mới bằng giống sạch bệnh, áp dụng các biện pháp thâm canh tổng hợp và chống tái nhiễm bệnh trên đồng ruộng.

Đánh giá về tiềm năng phát triển, ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết cây bưởi Việt Nam có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu bởi giá thành thấp; cho thu hoạch quanh năm, chất lượng cao, nhiều vùng sản xuất bưởi đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lí… 

“Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây bưởi, các tỉnh trong khu vực cần khuyến cáo bà con bám sát quy hoạch, tránh tình trạng cung vượt cầu; đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch; tăng cường sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu; đặc biệt chú trọng việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; tăng cường tiếp cận với các kênh phân phối hiện đại, các siêu thị lớn…” – ông Duy nhấn mạnh. 

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, thị trường Trung Quốc cũng có nhu cầu cao về quả bưởi, kim ngạch xuất khẩu bưởi của Việt Nam năm 2017 – 2018 đạt khoảng 2 triệu USD. Tuy nhiên, từ 2019 do Trung Quốc kiểm soát chặt chỉ cho phép 9 loại trái cây được phép nhập khẩu chính ngạch nên không xuất được bưởi sang thị trường này do bưởi vẫn đang trong quá trình đàm phán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem