Trời rét đậm, bệnh nhân gút lao đao

Thứ năm, ngày 20/02/2014 11:33 AM (GMT+7)
Thời tiết lạnh dưới 10 độ C, không khí ẩm ướt khiến cho bệnh nhân gút (gout, hay còn gọi là bệnh thống phong) cảm nhận rõ rệt hơn tình trạng đau nhức, tê cứng, khó cử động, đi lại.
Bình luận 0
Bệnh “đo thời tiết”

Ngày 19.2, khoa Khớp, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân gút tới khám, cao gấp rưỡi ngày thường. Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Vĩnh Ngọc (khoa Khớp Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, vào các ngày lạnh, số bệnh nhân thường gia tăng so với khi nóng ấm. Đặc biệt, các bệnh nhân gút thường bị tái phát viêm khớp cấp do axit uric trong máu bị kết tủa lắng đọng khiến bệnh nhân rất đau đớn.

Người già có nguy cơ cao bị gút và chịu nhiều đau đớn trong thời tiết lạnh khi trở bệnh.
Người già có nguy cơ cao bị gút và chịu nhiều đau đớn trong thời tiết lạnh khi trở bệnh.

Một trong những bệnh nhân của khoa, ông Lê Canh Thân (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) mắc bệnh gút đã 3 năm nay. Sau những ngày tết chén chú chén anh, cộng với thời tiết trở lạnh đột ngột, bệnh của ông càng đau nhức, hầu như phải ngồi một chỗ. Lúc đầu, ông nhờ người nhà đi mua thuốc về tự tiêm, nhưng càng tiêm càng thấy đau đớn, tay chân không thể vận động được, ông đành phải nhập viện.

Tại khoa Cơ xương khớp BV E Hà Nội, số bệnh nhân chờ nhập viện cũng đông bất thường. Thạc sĩ- bác sĩ Đặng Hồng Hoa – Trưởng khoa Cơ xương khớp cho biết: “Thời tiết lạnh liên tục trước và sau tết khiến bệnh nhân gút rất khổ sở bởi thời điểm tết, bệnh nhân ăn nhiều chất đạm, uống nhiều rượu bia nên bệnh tái phát nhanh chóng. Trong khi đó, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh buốt khiến tình trạng bệnh lại càng xấu hơn”.

Theo bác sĩ Hoa, gần đây nhóm bệnh nhân bị gút ngày càng trẻ hóa. Chiếm đa số lượng bệnh nhân vào khám là nhóm thanh niên từ 25- 30 tuổi. Tỷ lệ người bệnh ở nông thôn mắc bệnh tới khám tăng nhiều hơn so với khu vực thành thị. Đa phần họ đều là những người có tiền sử hút thuốc, uống nhiều rượu bia, lười luyện tập thể thao.

Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, trời lạnh gây bệnh phong hàn thấp làm cho việc vận hành khí huyết bị cản trở, gây đau đớn xương khớp. Còn đối với người già, khi chức năng hoạt động cơ thể bị suy yếu thì các chức năng xương khớp cũng giảm, khí huyết giảm sút, không thể nuôi dưỡng được gân mạch.

Tuân thủ chế độ luyện tập


Lương y Vũ Quốc Trung khuyên: “Người bị bệnh về khớp, đặc biệt là bệnh gút có thể giảm đau bằng cách lấy lá ngải cứu trắng, rửa sạch, cuộn ít muối ở giữa rồi nướng nóng lên, đắp vào khớp.

Ngải cứu muối nóng sẽ làm giảm đau, giảm sưng. Ngoài ra, người bệnh có thể ngâm chân hàng ngày bằng nước muối ấm pha gừng, mỗi lần 15-30 phút để làm dịu cơn đau và phòng bệnh”.

Theo các chuyên gia xương khớp, thời tiết thay đổi đột ngột, nóng lạnh thất thường, lúc khô hanh, lúc ẩm ướt, kéo theo những biến đổi bên trong cơ thể như độ nhớt của máu, của dịch khớp… góp phần làm xuất hiện các cơn đau khớp.

Trời rét cũng khiến các gân cơ bị co rút lại, dịch khớp đông quánh hơn, dẫn đến các khớp trở nên khô cứng, đau mỏi, khó cử động. Trời lạnh, mọi người cũng ít vận động, các khớp càng xơ cứng hơn.

Để phòng bệnh, bác sĩ Hoa tư vấn, cho dù trời lạnh, các bệnh nhân bị gút hoặc mắc các bệnh xương khớp khác vẫn nên duy trì chế độ luyện tập trong nhà, giữ ấm cơ thể. Khi ra đường, bệnh nhân gút nên giữ ấm toàn thân, đi găng tay, tất chân, đội mũ, quàng khăn ấm, đảm bảo chân tay không bị lạnh.

Buổi tối, người bệnh có thể ngâm chân tay vào nước muối ấm hoặc sử dụng túi chườm để chân tay được ấm hơn. Không làm việc quá sức, không nên bê vác các vật nặng. Khi nghỉ ngơi cũng nên nằm thoải mái, không nên gối đầu quá cao. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, người bị bệnh gút cũng cần có chế độ ăn hợp lý, tránh các chất nhiều đạm, khiến bệnh nặng hơn.
Minh Nguyệt - Tuấn Kiệt (Minh Nguyệt - Tuấn Kiệt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem