Trò chuyện với Chí Mười Lộ: "Làm sao để hòa trộn hai nền văn hóa Việt Nam và người Mỹ gốc Phi?"

Chí Mười Lộ là nhà biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất kiêm diễn viên phim "Catfish in Black Bean Sauce (Cá trê sốt đậu đen)", một bộ phim hài kịch kể về hai đứa trẻ mồ côi Việt Nam được một cặp vợ chồng người Mỹ gốc Phi nhận nuôi và đoàn tụ với mẹ ruột của mình sau 20 năm xa cách.

Trò chuyện với Chí Mười Lộ: "Làm sao để hòa trộn hai nền văn hóa Việt Nam và người Mỹ gốc Phi"  - Ảnh 1.

Bộ phim "Cá trê sốt đậu đen" của đạo diễn Chí Mười Lộ. Ảnh: Asiasociety

Chí Mười Lộ sinh ra ở Phan Rang, Việt Nam và tới Mỹ khi mới 6 tuổi. Anh cùng 12 anh chị em của mình bắt đầu cuộc sống mới tại Philadelphia, nơi Chí được tham gia vào các vở kịch ở trường. Anh tiếp tục học diễn xuất, cuối cùng nhận học bổng tại Nhà hát Nhạc viện Mỹ ở San Francisco.

Câu chuyện "Cá trê sốt đậu đen" dựa trên cuộc đời của chính anh, có đúng như vậy không?

Đó không phải là câu chuyện của tôi, nhưng có nhiều điểm giống nhau ở chỗ gia đình tôi là những người Mỹ gốc Việt. Vì một lý do nào đó, chính phủ Mỹ đã đưa chúng tôi đến phía Tây Philadelphia. Nơi chủ yếu là người Mỹ gốc Phi, và tôi lớn lên với những người bạn đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Có thể nói, bộ phim này là một sự kết hợp của nhiều câu chuyện.

Anh hãy chia sẻ về cách mà anh xây dựng cuộc gặp gỡ của hai nền văn hóa - Việt Nam và Mỹ gốc Phi? Đó có phải kinh nghiệm của anh ngoài đời thực?

Trò chuyện với Chí Mười Lộ: "Làm sao để hòa trộn hai nền văn hóa Việt Nam và người Mỹ gốc Phi"  - Ảnh 2.

Đạo diễn Chí Mười Lộ. Ảnh: Wikipedia

Khi bạn lớn lên trong một môi trường chủ yếu là người Mỹ gốc Phi, bạn sẽ trở thành một phần của nền văn hóa đó. Tuy nhiên, phần cốt lõi trong con người bạn không bao giờ mất đi. Vì vậy sớm muộn, trong con người bạn sẽ xảy ra một cuộc xung đột. Khi nhận thức lớn dần, tôi bắt đầu thừa nhận nền văn hóa đang chảy trong máu của mình và tôi tìm thấy mình là ai. Một số người sẽ đưa ra những lựa chọn rất tiêu cực trong hoàn cảnh đó, một số người lại không. Tôi chọn cách hòa nhập và thích nghi, hay nói cách khác là kết hợp các nền văn hóa tôi đang có. Đó là một trong những điều mà tôi cảm thấy rất thú vị khi quyết định đóng vai này. Nhân vật cũng có cách lựa chọn rất giống với tôi ngoài đời.

Anh có thể giải thích đôi chút về tên của bộ phim?

Tôi đi ăn và gọi món cá trê sốt đậu đen, vì lý do gì, tôi thực sự cũng không biết nữa. Khi quay trở lại làm việc, tôi nói với trợ lý của mình rằng tôi đã nghĩ ra tiêu đề cho bộ phim, đó chính là "Cá trê sốt đậu đen", tôi tự nhủ đó là một câu nói đùa thú vị, nhưng bạn biết gì không? Trợ lý của tôi đã nghĩ đó là ý tưởng tuyệt vời! Và vì vậy, chúng tôi đã đi đến thống nhất chung và tiến hành xây dựng nó.

Anh hãy bật mí đôi chút về khoản tài trợ cho bộ phim?

Tôi gặp rất nhiều khó khăn khi làm bộ phim này. Thành thực mà nói không một hãng phim nào nhận lời hợp tác với chúng tôi. Cuối cùng tôi và hai nhà đầu tư khác đã chạy vạy hết những người họ hàng và tự bỏ tiền túi ra làm phim. Điều đó thật điên rồ phải không?

Trò chuyện với Chí Mười Lộ: "Làm sao để hòa trộn hai nền văn hóa Việt Nam và người Mỹ gốc Phi"  - Ảnh 4.

Đạo diễn Chí Mười Lộ chia sẻ về bộ phim Cá trê sốt đậu đen. Ảnh: Fandango

Đối tượng của bộ phim là những ai? Tại sao người Mỹ gốc Á nên xem phim này?

Bộ phim này dành cho tất cả mọi người. Tôi chỉ muốn khuyến khích người Mỹ gốc Á nên xem bộ phim này. Có một nhóm dành cho người Mỹ gốc Phi và những bộ phim của họ có tỷ lệ người xem rất cao. Và tôi cũng muốn người Mỹ gốc Á làm điều tương tự.

Tại sao hiện nay lại có rất ít vai dành cho người Mỹ gốc Á?

Tôi phải công nhận là như vậy. Ở một thị trường lớn, cơ hội nhiều tuy nhiên những yêu cầu cũng đòi hỏi rất cao. Bạn cần làm gì đó thật riêng biệt, thật đột phá để cho mọi người biết đến hoặc ít nhất là để tiếp tục hoạt động nghệ thuật.

Anh có nghĩ rằng điều này sẽ thay đổi? Liệu chúng ta có thể thấy ngày càng nhiều người Mỹ gốc Á xuất hiện trên phim ảnh không?

Một chút, nhưng không nhiều. Những gì bạn đang thấy là các hãng phim đang mời các ngôi sao quốc tế như Lý Liên Kiệt, Châu Nhuận Phát hay Thành Long. Chúng tôi rất vui khi thế giới nhắc tên họ nhưng không muốn họ làm đại diện cho châu Á. Họ chỉ là tiếng nói về võ thuật, chúng ta như đang mắc kẹt ở những năm 70 vậy. Sẽ thực sự đáng buồn nếu như trong thời gian tới tình trạng này vẫn giữ nguyên như vậy. Tôi thực sự khát khao sẽ có một dàn những gương mặt mới đến từ châu Á trong tương lai.

Người dịch: Hà Trang; Nguồn: Asia Society


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem