dd/mm/yyyy

Triển vọng phát triển cây chanh leo ở Chiềng Sung

Từ hiệu quả kinh tế bước đầu của cây chanh leo đem lại, mấy năm trở lại đây, người nông dân xã Chiềng Sung (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây chanh leo với diện tích lên đến hàng trăm ha.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt/Điện tử Trang Trại Việt, ông Nguyễn Duy Khoản – Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Sung, cho biết: Từ đầu năm đến nay, thông qua việc hợp tác với Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Công ty Đồng Giao) - Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung – HTX Quỳnh Nghĩa ở trên địa bàn xã, nhiều hộ dân đã chuyển đổi khoảng 80ha diện tích cây trồng không hiệu quả như ngô, sắn sang trồng cây chanh leo.

Triển vọng phát triển cây chanh leo ở Chiềng Sung - Ảnh 1.

Việc liên kết trồng chanh leo ở xã Chiềng Sung đang mở ra triển vọng mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Theo lãnh đạo UBND xã Chiềng Sung, ban đầu diện tích trồng chanh leo ở Chiềng Sung chỉ có vài ha. Sau khi trồng thử nghiệm, nhận thấy cây chanh leo phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Chiềng Sung nên xã đã định hướng người dân chuyển đổi một số diện tích cây lương thực kém hiệu quả sang trồng chanh leo.

Đến nay, tổng diện tích chanh leo toàn xã đạt trên 160ha. So với các loại cây trồng khác, chanh leo đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân. 1ha chanh leo cho năng suất được 40 tấn. So với trồng ngô, 1ha chỉ thu được 8 tấn. Với mức giá thấp nhất là 5.000đ/kg, 1ha chanh leo sau 4 tháng trồng thu được 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, người dân lãi khoảng 100 triệu đồng. Rõ ràng trồng chanh leo hiệu quả hơn rất nhiều so với ngô.

Triển vọng phát triển cây chanh leo ở Chiềng Sung - Ảnh 2.

Ông Dư Văn Hoàng (phải) – Trưởng phòng nguyên liệu, Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết: "Công ty cam kết bao tiêu đầu ra cho người nông dân nên bà con yên tâm phát triển cây chanh leo theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật".

"Hiện nay, cây chanh leo trồng ở xã Chiềng Sung được Công ty Đồng Giao đầu tư giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cam kết bao tiêu sản phẩm với mức giá thấp nhất là 5.000đ/kg nên người dân rất phấn khởi" – ông Khoản thông tin.

Chị Lò Thị Thanh, bản Búc A, xã Chiềng Sung, bảo: Trước đây, mảnh nương này được gia đình tôi trồng ngô. Mặc dù, vợ chồng tôi bỏ ra nhiều công sức chăm bón nhưng mỗi năm chỉ thu được 24 triệu đồng. Hiệu quả rất thấp. Sau khi được chính quyền tuyên truyền, vận động có công ty hỗ trợ giống và bao tiêu sản phẩm nên cuối năm 2019, gia đình tôi chuyển hơn 8.000 m2 đất trồng ngô sang trồng cây chanh leo".

Triển vọng phát triển cây chanh leo ở Chiềng Sung - Ảnh 3.

Hết năm 2020, xã Chiềng Sung phấn đấu trồng thêm 50ha chanh leo.

Thông qua hợp tác của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung với Công ty Đồng Giao, chị Thanh được lấy giống chanh leo có chất lượng tốt trực tiếp từ Công ty Đồng Giao với mức giá 18.000 đồng/cây.

"Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Công ty Đồng Giao tạo điều kiện cho gia đình tôi trả trước 50% số tiền mua giống, 50% còn lại sẽ thanh toán cho công ty khi chanh leo cho thu hoạch. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật của Công ty Đồng Giao còn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho gia đình. Đến nay, cây chanh leo phát triển rất tốt, một số cây đã bắt đầu bói quả", chị Thanh cho biết thêm.

Triển vọng phát triển cây chanh leo ở Chiềng Sung - Ảnh 4.

Ông Dương Gia Định - Chị cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La hướng dẫn người nông dân kỹ thuật chăm sóc chanh leo.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lộc Mậu Triển – Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung, cho hay: "Ngoài việc duy trì khoảng 350ha sản xuất ngô giống, năm nay, từ việc hợp tác với Công ty Đồng Giao để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến chanh leo, Công ty Cổ phần Nông nghiêp Chiềng Sung đã chuyển đổi một số diện tích trồng ngô sang trồng chanh leo".

Theo ông Triển, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung sẽ có trách nhiệm là đơn vị thu mua sản phẩm chanh leo cho Công ty Đồng giao trên địa bàn xã Chiềng Sung. Đặc biệt, diện tích chanh leo người nông dân đã trồng từ những năm trước đây, năm nay 2 công ty sẽ tiếp tục đầu tư cây giống, hỗ trợ kỹ thuật và tổ chức thu mua cho bà con.

Triển vọng phát triển cây chanh leo ở Chiềng Sung - Ảnh 5.

Chanh leo của gia đình chị Lò Thị Thanh ở bản Búc A, xã Chiềng Sung, sau 4 tháng trồng đã bắt đầu cho bói quả.

"Công ty Đồng Giao là một doanh nghiệp lớn và rất có uy tín trong lĩnh vực chế biến. Việc hợp tác phát triển cây chanh leo với Công ty Đồng Giao có một điều chắc chắn là bà con nông dân và Công ty Cổ phần Nông nghiệp chiềng sung đều có lợi", ông Triển nói.

Ông Dư Văn Hoàng – Trưởng phòng nguyên liệu, Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao – đơn vị cam kết thu mua sản phẩm cho người nông dân trồng chanh leo ở Chiềng Sung, cho biết: Đến nay, trên địa bàn huyện Mai Sơn, Công ty Đồng Giao đang liên kết phát triển sản xuất chanh leo với các xã Chiềng Sung, Chiềng Ve, Nà Bó. Tại huyện Thuận Châu là các xã Mường É, Phổng Lái, Phổng Lập và Tông Cọ. Tổng diện tích cả 2 huyện là 108ha chanh leo

Triển vọng phát triển cây chanh leo ở Chiềng Sung - Ảnh 6.

Diện tích cây lương thực kém hiệu quả trên địa bàn xã Chiềng Sung đã được thay thế bằng những vườn chanh leo xanh ngút tầm mắt.

"Bên cạnh việc bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người nông dân nhận trực tiếp cây giống từ công ty, đối với các hộ dân đã trồng chanh leo trước đây hoặc lấy giống ở nơi khác về trồng, nếu đầu ra không ổn định, chúng tôi sẵn sàng thu mua với mức giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg. Nếu giá thị trường tăng, giá thu mua của công ty cũng sẽ tăng theo cho bà con", ông Hoàng khẳng định.

Ông Dương Gia Định - Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La, thông tin thêm: "Xã Chiềng Sung có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển cây chanh leo. Tuy nhiên, để cây chanh leo sinh trưởng và phát triển tốt, người nông dân nên chọn những giống ở những địa chỉ uy tín; thường xuyên thăm vườn, giữ cho vườn sạch cỏ, thông thoáng. Bởi vì, nếu vườn rậm, chanh leo dễ bị mắc nấm loang dầu, phấn trắng, nhện, rệp nên rất khó chữa. Bà con cần làm vườn thông thoáng; khi cây bói quả, đừng có để quả nọ chạm vào quả kia; định kỳ phun đúng các loại thuốc chi cục đã hướng dẫn sẽ hạn chế thấp nhất được sâu bệnh và virus".

Từ mối liên kết trồng chanh leo của các hộ nông dân ở xã Chiềng Sung với Công ty Đồng Giao thông qua Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung và HTX Quỳnh Nghĩa, hy vọng sẽ mở ra một hướng đi mới cho các hộ dân nơi đây trong việc phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn Sơn La.

Tuệ Linh