Trắng đêm chịu cái rét tím tái, lật thuyền suýt bỏ mạng để kiếm vài trăm ngàn giữa lòng hồ

12/04/2021 13:52 GMT+7
Mỗi ngày, những ngư dân trên lòng hồ thủy lợi Ia Mơr, huyện Chư Prông (Gia Lai) kiếm từ 200.000-300.000 nghìn đồng, nếu trúng được mẻ cá lớn họ có thể thu về tiền triệu. Nhưng để có được số tiền này, họ phải thức trắng nhiều đêm thả lưới, thậm chí lật thuyền suýt bỏ mạng...

Ngoài việc cung cấp nước tưới sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân 2 tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk, hồ thủy lợi Ia Mơr, huyện Chư Prông còn tạo điều kiện cho nguồn thủy sản sinh sôi, phát triển. Cũng từ đó, nhiều người dân ở các tỉnh miền Tây, miền Trung đổ về đại công trình thủy lợi lập xóm chài, cùng nhau dàn thuyền ra giữa lòng hồ đánh bắt cá mưu sinh, mong cuộc sống bớt khó khăn.

Những nông dân xa xứ, vất vả mưu sinh bên lòng hồ thủy điện - Ảnh 1.

Những ngôi nhà tạm bợ bên lòng hồ thủy lợi Ia Mơr của những nông dân xa xứ

Cụ thể, trên mặt hồ Ia Mơr có hơn 10 căn lều tạm bợ sát mép nước. Đây là những ngư dân họ hàng với nhau ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước. Từ trên bờ đập, đưa mắt về phía lòng hồ Ia Mơr là một khung cảnh thật đẹp. Hàng loạt bóng đèn điện bẫy cá phát tạo một khung cảnh thơ mộng. Phía trong lòng hồ, những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân chầm chậm trôi.

Cách đây hơn 5 năm, nghe đứa cháu nói trên này nhiều cá nên ông Nguyễn Quang Bình (quê ở Tây Ninh) chuyển cả nhà lên lòng hồ sinh sống. "Mỗi chiếc thuyền ở đây có giá 9-10 triệu đồng. Chúng tôi về dưới quê mua thuyền rồi thuê một chiếc xe tải chở lên. Loại thuyền này phù hợp với việc đánh cá ở hồ. Việc đánh cá trên lòng hồ khá nguy hiểm nhưng khi trúng được mẻ cá lớn thì thủ về tiền triệu đấy. Ai chịu khó thức trắng đêm đi kéo lưới cũng kiếm được 300.000 – 400.000 đồng/đêm", ông Bình bộc bạch.

Những nông dân xa xứ, vất vả mưu sinh bên lòng hồ thủy điện - Ảnh 2.

Với nguồn lợi hải sản phong phú, nhiều ngư dân ở các tỉnh miền Tây và miền Trung đã đổ về dựng nhà tạm, đánh bắt cá trên lòng hồ

Rời ngôi nhà của ông Bình, xuôi theo những chiếc thuyền đánh cá, chúng tôi có mặt ở ngôi nhà của một ngư dân khác trên lòng hồ. Vừa kéo xong mẻ cá chiều, vợ chồng anh Nguyễn Văn Ninh (quê Bình Phước) vội vàng thả thêm một mẻ khác để sáng sớm mai kéo lên. Vợ chồng anh đã có 10 năm đánh bắt cá trên lòng hồ. Cuộc sống mưu sinh, vất vả nhưng trong ngồi nhà tạm của vợ chồng anh luôn đầy ắp tiếng cười.

"Thường thì 13h chiều, tôi ra thả lưới rồi về nhà nghỉ ngơi. Đến 1h sáng, tôi ra kiểm tra lưới, gỡ cá cho đến 6 giờ sáng thì vô bờ. Các loài cá ở hồ chủ yếu là cá mè, rô phi, trê, lóc, cá lăng và cá cơm. Khi thuyền đưa cá về bờ, tiểu thương đã chờ sẵn để cân cá và trả tiền. Bình quân mỗi ngày, những thợ đánh cá như chúng tôi có thu nhập từ 200.000 – 300.000 đồng. Hôm nào gặp được mẻ cá lớn thì được khoảng 1 triệu đồng. Ngoài việc thả lưới trên lòng hồ, tôi còn tranh thủ cắm cần câu ở hai bên bờ hồ, hy vọng bắt được những con cá lớn như cá lăng, cá trắm để kiếm thêm thu nhập...", anh Ninh chia sẻ.

Những nông dân xa xứ, vất vả mưu sinh bên lòng hồ thủy điện - Ảnh 3.

Bình quân mỗi ngày, những ngư dân trên lòng hồ có thu nhập từ 200.000 – 300.000 đồng. Hôm nào gặp được mẻ cá lớn thì được khoảng 1 triệu đồng.

Cũng theo anh Ninh, nghề này cực nhất là mùa mưa. Mỗi lần đi đánh cá mặc 2-3 cái áo bông to bự mà không đủ ấm, thường xuyên bị ướt và lạnh tím tái người. Có nhiều lần bị lật thuyền trong đêm, may mắn được các bạn thuyền kịp thời phát hiện cứu giúp. Cách đây mấy hôm, có người bị lật thuyền, người được cứu nhưng thuyền thì chìm xuống đáy hồ. Nhiều anh em lặn tìm giúp bị ốm nhiều ngày chưa khỏi mà cũng chẳng tìm thấy thuyền.

Những nông dân xa xứ, vất vả mưu sinh bên lòng hồ thủy điện - Ảnh 4.

Mưu sinh bằng nghề chài lưới trên lòng hồ, nhiều nông dân thường xuyên bị lật thuyền, suýt chết đuối

Ngoài việc khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên, nhiều hộ dân xóm chài đã liên kết với nhau để nuôi cá trong hồ thủy lợi Ia Mơr. Anh Lê Văn Dô (quê ở Tây Ninh) cùng với 2 hộ dân đã lập nghiệp ở Ia Mơr từ năm 2010 là Phạm Văn Quân (quê Thanh Hóa) và Trần Thành Phát (quê Cao Bằng) nuôi cá trê.

"Chúng tôi mượn nhà bè của Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 thử nghiệm nuôi cá trê. Đợt trước, chúng tôi mua 15 kg cá giống về thả nuôi và tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên. Chúng tôi đã xuất bán đợt đầu tiên và đang nuôi đợt mới. Dù đợt đầu chưa lời nhiều nhưng anh em thấy nuôi loại cá này rất có tiềm năng", anh Quân nhận định.

Những nông dân xa xứ, vất vả mưu sinh bên lòng hồ thủy điện - Ảnh 5.

Hiện UBND xã Ia Mơr đang có hướng phát triển nuôi thủy sản trong hồ thủy lợi cho người dân

 Trao đổi với chúng tôi, ông Rơ Lan Chim, Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơr cho biết: "Từ khi chặn dòng hồ thủy lợi Ia Mơr, nguồn thủy sản khá phong phú nên dân các nơi về đây đánh bắt cá. Theo đó, có khoảng hơn 10 hộ đã sống ổn định trên lòng hồ và một số là tận dụng thời gian thiếu việc thì lên lòng hồ đánh bắt cá mưu sinh. Nhờ nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ đã nuôi sống hàng trăm bà con đồng bào ở địa phương. Chúng tôi đang có hướng phát triển nghề mới là nuôi thủy sản trong lòng hồ để tạo hướng đi bền vững cho bà con".


Trần Hiền
Cùng chuyên mục