"Phù thủy" bộ gõ Trần Xuân Hòa và đôi bàn tay có một không hai

PV Thứ bảy, ngày 20/03/2021 10:59 AM (GMT+7)
Đôi bàn tay thô ráp như nghệ sỹ Trần Xuân Hòa không hiếm, nhưng đôi bàn tay thô ráp ấy tích tụ tài năng, thẩm thấu rồi phát tiết ra những âm thanh có sức mê hoặc kỳ diệu, khiến người nghe không thể rời tai.
Bình luận 0

Tác phẩm Mưa nhiệt đới qua sự thể hiện của "Phù thủy" bộ gõ Trần Xuân Hòa.

Trần Xuân Hòa là một nghệ sĩ trống, nghệ sĩ bộ gõ hàng đầu Việt Nam. Anh là một người đặc dị. Đặc dị nhưng rất dễ gần, dễ mến và hào sảng. Mái tóc dài, thay đổi màu theo sở thích từng giai đoạn. Nhưng đó chưa phải điều quan trọng, bởi với anh quan trọng là đôi tay. Lòng bàn tay anh thô sần giống các nghệ sĩ trống, nhưng rất khác bởi không phải cứ nghệ sĩ thô sần bàn tay nào cũng trở thành tài năng.

Trần Xuân Hòa: "Phù thủy" biến đôi tay thành bộ gõ - Ảnh 2.

Trần Xuân Hòa là một người đặc dị. Đặc dị nhưng rất dễ gần, dễ mến và hào sảng. Mái tóc dài, thay đổi màu theo sở thích từng giai đoạn.

Trần Xuân Hòa: "Phù thủy" biến đôi tay thành bộ gõ - Ảnh 3.

Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trần Xuân Hòa về Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam làm nghệ sĩ trống, rồi bè trưởng bộ gõ.

Đưa bộ gõ trở thành một nhạc cụ solo trong trình diễn – chỉ một câu nói nhưng hành trình của Trần Xuân Hòa, nếu tính từ ngày đầu anh vào khoa Trống của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tới nay đã kéo dài hơn 20 năm.

20 năm tìm tòi mọi âm thanh rơi rớt vang vọng xung quanh mình, rồi sắp xếp thành một màn trình diễn, đưa bộ gõ trở thành một nhạc cụ solo độc đáo. Từ cách tìm tòi những âm thanh rơi rớt, đến cách ghép chúng lại để thành những âm thanh quyến rũ đã khiến người ta phải gọi Trần Xuân Hòa là… phù thủy.

Trần Xuân Hòa: "Phù thủy" biến đôi tay thành bộ gõ - Ảnh 4.

10 năm, cũng có thể hơn 10 năm anh đã mầy mò, thử nghiệm và nhận ra tâm tư của bộ gõ.

Chúng ta thường nghe hát solo, độc tấu đàn bầu, ghita solo, hay các loại kèn như saxophone, trumpet, tampon… được biểu diễn độc lập. Thế nhưng, ít thậm chí cực ít người được thấy solo trống hay bất kỳ loại bộ gõ nào. Bởi vì, bộ gõ theo quan niệm âm nhạc cũng như âm luật chỉ là phụ trợ cho các nhạc cụ khác.

Không chịu gò mình trong một quan niệm cũ, Trần Xuân Hòa mầy mò với bộ gõ vốn là những tri âm với mình. 10 năm, cũng có thể hơn 10 năm anh đã mầy mò, thử nghiệm và nhận ra tâm tư của bộ gõ. Bộ gõ có thể đứng chung với các nhạc cụ, cũng có thể tách rời, đứng riêng biệt. Âm thanh bộ gõ nếu hòa tấu được, cũng độc tấu được.

Trần Xuân Hòa: "Phù thủy" biến đôi tay thành bộ gõ - Ảnh 5.

Với Trần Xuân Hòa, bất cứ thứ gì có thể tạo ra âm thanh đều có thể trở thành bộ gõ, kể cả nồi, thùng, xoong, chảo...

Trần Xuân Hòa: "Phù thủy" biến đôi tay thành bộ gõ - Ảnh 6.

Trần Xuân Hòa đã cùng nhóm của mình, các nghệ sĩ trong nhóm Go Group "đem chuông đi đánh xứ người".

"Tôi nhận ra là con đường solo của bộ gõ trên thế giới đã có nhiều người đi nhưng ở Việt Nam chưa có. Tôi tự hỏi sao thế giới làm được mà mình thì không? Mỗi người có một cách đi, cách thể hiện nhưng cái đích cuối cùng vẫn là làm sao để âm thanh của bộ gõ thể hiện được nhịp điệu, tâm tư", nghệ sĩ Trần Xuân Hòa bộc bạch.

Ra thế giới để xem cách người ta sử dụng bộ gõ, đem kỹ thuật ấy về và phát triển đến mức thượng thừa. Rồi từ đó, bộ gõ "xuất ngoại", Trần Xuân Hòa đã cùng nhóm của mình, các nghệ sĩ trong nhóm Go Group "đem chuông đi đánh xứ người".

Nhiều người yêu nhạc ban đầu đã "sốc" vì phong cách chơi nhạc độc lạ. Go Group sử dụng hơn 100 nhạc cụ gõ, trong đó chủ yếu là Marimba, Xylophone, Vibraphone, Campana, Gran casa, Timpani, thậm chí có cả đe, búa, lon bia, xoong, thùng nhôm...

Chuyến lưu diễn trên đất Mỹ theo lời mời của Trường Âm nhạc thuộc ĐH Tổng hợp Bringham Young (BYU) đã để lại những ấn tượng khó quên. Khi tác phẩm cuối cùng vang lên, cả nhà hát đứng bật dậy, vỗ tay từng tràng vang dội, yêu cầu các nghệ sĩ Go Group ra chào vài lần mới thôi. Các nghệ sĩ Go Group vừa ngạc nhiên với sự ngưỡng mộ mà khán giả dành cho mình, vừa sung sướng tự hào vì vừa thực hiện được ước mơ "mang chuông đi đánh xứ người".

Ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhiều người yêu nhạc đã được nghe những âm thanh từ đôi bàn tay của Trần Xuân Hòa. Mỗi tiết mục, mỗi đêm diễn lại thấy anh có một vài bộ gõ khác nhau.

Hỏi anh, trong bộ gõ có bao nhiêu nhạc cụ? Trần Xuân Hòa trả lời: Không đếm hết được. Trong cuộc sống có bao nhiêu âm thanh, bộ gõ có tương ứng bấy nhiêu thứ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem