Lâm Đồng: Qua căn nhà hoang vô tình nhặt tổ côn trùng lạ mang về nuôi, ai ngờ nên cơ nghiệp "cũng ra gì đấy"

Văn Long Thứ hai, ngày 31/05/2021 13:05 PM (GMT+7)
Sau 7 năm nuôi loài ong dú, anh Đỗ Văn Nghĩa (38 tuổi, ngụ tổ dân phố 15, thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) nay đã có 700 đàn ong dú. Mỗi năm bán thứ mật ong dú hảo hạng, anh Nghĩa có thêm hơn 100 triệu đồng ngoài thu nhập từ nghề cắt tóc.
Bình luận 0

Nhặt tổ ong dú trong nhà hoang

Được sự giới thiệu của một người bạn khi biết phóng viên muốn mua mật ong chất lượng, chúng tôi được dẫn đến nhà anh Đỗ Văn Nghĩa (tổ dân phố 15, thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng).

Nhà anh Nghĩa là đại bản doanh của khoảng 700 đàn ong dú. Anh Nghĩa đã nuôi ong dú được khoảng 7 năm. Trực tiếp cùng anh Nghĩa lấy những miếng mật ong dú đặc quánh, phóng viên mới biết được câu chuyện của 8X này với nghề nuôi ong dú.

Clip: Anh Đỗ Văn Nghĩa (tổ dân phố 15, thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ, giới thiệu về trại nuôi ong dú của mình tại huyện Cát Tiên.

Cách đây 7 năm, trong một lần tình cờ, anh Nghĩa thấy mấy người trong xóm bắt được một tổ ong dú ở trong một căn nhà hoang. Lúc đó cũng chưa biết loại ong này như thế nào, thấy đông người vào tập trung bắt nên anh cũng tò mò đến xem. 

"Những người phát hiện ra tổ ong đã lấy hết mật đi, khiến hàng ngàn con ong bay toán loạn trên bầu trời. Lúc họ lấy mật thấy rất thơm, lại được nhiều nên tôi đã đưa đàn ong về nhà nuôi thử", anh Nghĩa dẫn phóng viên tham quan hàng trăm tổ ong dú nuôi phía sau nhà của mình rồi kể lại.

Anh thợ cắt tóc nuôi 700 đàn ong dú, mỗi năm “tay trái” thu trăm triệu - Ảnh 2.

Anh Đỗ Văn Nghĩa (đội mũ đỏ) dẫn phóng viên và những người bạn đi tham quan trại nuôi ong dú của mình.

 Anh Nghĩa cho biết, ban đầu anh chỉ mang đàn ong về nuôi thử chứ không có ý định làm kinh tế từ loài côn trùng lạ này bởi nghề chính của anh là cắt tóc. Thế nhưng, sau khi đưa về nhà nuôi, những lúc rảnh rỗi anh thường lên mạng, youtube để xem kỹ thuật nuôi dú, chăm sóc ong dú.

Anh tìm hiểu quy trình nuôi ong dú, cách lấy mật ong dú sao cho hợp lý và bảo quản sản phẩm mật như thế nào để đảm bảo chất lượng.

Sau đó khoảng 2 năm, khi đàn ong dú đã ổn định, áp dụng những cách làm trên mạng, anh Nghĩa đã tiến hành tách đàn ong ban đầu. Thời điểm đầu tiên tách đàn, do anh Nghĩa chưa có kinh nghiệm nên ong thường quay về tổ cũ, không hiệu quả như ý muốn.

Anh thợ cắt tóc nuôi 700 đàn ong dú, mỗi năm “tay trái” thu trăm triệu - Ảnh 3.

Một tổ ong dú anh Nghĩa mới tách được khoảng 15 ngày nhưng phát triển khá tốt.

Mở một tổ ong dú cho phóng viên xem, anh Nghĩa chia sẻ: "Ong dú thường phù hợp tách đàn, nhân giống vào mùa xuân. Nuôi ong dú mỗi năm thu hoạch mật 1 lần vào khoảng dịp 30/4. Tuy nhiên, thời gian đầu tôi chưa nắm vững kỹ thuật, đặc tính của ong, tôi đi tách đàn mỗi khi thấy quân đông nên không hiệu quả...".

Sau nhiều lần rút kinh nghiệm, anh Nghĩa hiểu được quy trình nên việc tách đàn trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả hơn. Đàn ong dú mới tách anh sẽ đưa đến một nơi khác và xa với đàn cũ sẽ tránh việc đàn ong quay trở về tổ cũ...

Anh thợ cắt tóc nuôi 700 đàn ong dú, mỗi năm “tay trái” thu trăm triệu - Ảnh 4.

Theo anh Nghĩa, việc lấy mật ong dú thường được thực hiện vào cuối tháng 4, khi mật đã "chín" và có độ đường chất lượng nhất định.

Thực tế quan sát cách nuôi ong dú của anh Nghĩa, phóng viên nhận thấy, những tổ ong dú của anh Nghĩa được đặt ở một không gian thoáng đãng. 

Toàn bộ những tổ ong dú được đặt ngăn nắp trên các kệ sắt cách mặt đất khoảng 1 mét. Được biết, trong quá trình nuôi ong dú, anh Nghĩa dần thay thế những ống tre, thân cây gỗ thô sơ ban đầu thành những hộp gỗ nhỏ, trong hộp gỗ phân thành nhiều ngăn, một mặt ốp nhựa trắng để dễ quan sát phân loại các tầng trứng, số lượng quân và mật.

Bán mật ong dú thu hơn 100 triệu mỗi năm

"Qua 7 năm nuôi loài ong này, tôi nhận thấy ong dú không giống như ong ruồi, ong khoái-chúng thường bỏ đi. Đặc biệt, chúng cũng có ong chúa như những loại ong khác. Nuôi ong dú cũng rất dễ, người nuôi có thể đặt dưới hiên nhà, tán cây, tận dụng nhiều nơi trong vườn nhà rất dễ dàng...".

Đặc biệt, theo anh Nghĩa ong dú rất thân thiện với con người. Trại ong của của anh cũng thường xuyên có người dân từ tỉnh Bình Phước, Đồng Nai tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, mua mật và mua ong dú giống về nuôi phát triển kinh tế...

Anh thợ cắt tóc nuôi 700 đàn ong dú, mỗi năm “tay trái” thu trăm triệu - Ảnh 5.

Những tổ ong dú của anh Nghĩa được đặt ngăn nắp trên những kệ sắt ở nơi thoáng mát trong vườn.

Đến nay, sau 7 năm nuôi đàn ong trong nhà hoang, anh Nghĩa đã nhân giống ra được khoảng 700 đàn ong dú. Đặc biệt, anh 8X này còn nhân giống được ong thương phẩm để bán ra thị trường cho những người có ý định nuôi ong dú.

Trung bình, từ 700 đàn ong dú của mình, mỗi năm anh Nghĩa thu hoạch được khoảng 100 lít mật ong. Với giá dao động từ 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng, mỗi năm anh Nghĩa có thêm thu nhập hơn 100 triệu đồng ngoài nghề cắt tóc.

Anh thợ cắt tóc nuôi 700 đàn ong dú, mỗi năm “tay trái” thu trăm triệu - Ảnh 6.

Ngoài nghề cắt tóc, mỗi năm 8X Cát Tiên còn có thêm khoảng thu nhập hơn 100 triệu đồng nhờ nuôi ong dú.

Không những thế, anh Đỗ Văn Nghĩa còn chế tác những tổ ong dú phong thủy để trang trí cho những người muốn nuôi ong lấy mật vừa trang trí trong không gian nhà, quán cà phê hay quán ăn. 

Hiện nay, mô hình ong dú của anh Nghĩa đang cung cấp nguồn giống, hướng dẫn kỹ thuật cho những ai muốn nuôi. Ong dú có hình dạng nhỏ bé, ong dú rất thân thiện, có khả năng thụ phấn cho cây trồng tốt và cho ra mật rất nhiều.

Anh thợ cắt tóc nuôi 700 đàn ong dú, mỗi năm “tay trái” thu trăm triệu - Ảnh 7.

Mỗi năm, anh Nghĩa thu hoạch được khoảng 100 lít mật từ trại ong dú của gia đình mình.

Ông Trần Quang Trừng - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Cát Tiên cho biết, mô hình nuôi ong dú của anh Nghĩa có hiệu quả rất tốt trong số khoảng 30 hộ gia đình nuôi ong dú tại địa phương. 

Sắp tới UBND huyện Cát Tiên sẽ lên kế hoạch thành lập Câu lạc bộ nuôi ong dú để hỗ trợ những hộ nuôi ong trao đổi về kỹ thuật, nâng cao chất lượng mật. Từ đó tranh thủ một số nguồn vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng ong dú thành sản phẩm OCOP, truy xuất nguồn gốc, đưa lên các trang thông tin điện tử của huyện, tạo đầu ra ổn định cho người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem