Trai Hà Nội nuôi toàn cá thuộc hàng "khủng" chuẩn VietGAP, lái buôn đến tận ao mua hết

Đức Thịnh Thứ tư, ngày 02/09/2020 13:30 PM (GMT+7)
Trang trại nuôi cá VietGAP của anh nông dân trẻ Lê Văn Lâm (SN 1986) ở xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội rộng tới 11 mẫu. Mỗi năm, trang trại nuôi cá VietGAP xuất bán trên 80 tấn cá trắm, trôi, chép mà con nào con nấy khi bắt lên đều thuộc hàng "khủng", thịt chắc nịch.
Bình luận 0

Mô hình nuôi cá VietGAP của anh Lê Văn Lâm ở xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Nhờ mô hình nuôi cá VietGAP, thu hoạch toàn cá "khủng", anh Lâm có doanh thu từ 3-3,5 tỷ đồng/năm, trừ hết chi phí đầu tư còn thu lãi trên 800 triệu đồng/năm. 

Trao đổi với phóng viên BÁO DANVIET.vn, anh Lê Văn Lâm cho biết: Đầu năm 2016, vợ chồng anh Lâm thuê 11 mẫu (hơn 4ha) đồng chiêm trũng kém hiệu quả của xã Quang Lãng để đào ao thả cá. 

Không chọn nuôi các loại cá đặc sản như bao nhiêu người khác, anh Lâm lại quyết định thả nuôi các loại cá truyền thống như: cá trắm, chép, trôi, rô phi...

Theo anh Lâm đây là những loại cá không bao giờ sợ bị ế, đầu ra ổn định, giá cả hầu như cả năm không xê dịch.

Hà Nội: Anh nông dân nuôi toàn con cá to bự chuẩn VietGAP, lái buôn đến tận ao mua hết - Ảnh 2.

Mô hình nuôi cá VietGAP của anh nông dân trẻ Lê Văn Lâm (SN 1986) ở xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội có diện tích 11 mẫu chia làm 5 ao nuôi, trong đó ao số 1,2,3 nuôi cá thịt; ao số 4,5 nuôi cá giống.

"Những loại cá mà tôi nuôi là mặt hàng phổ thông, xuất hiện ở nhiều bữa cơm gia đình, nhà hàng, quán ăn nên vô cùng dễ bán, giá cả lại ổn định. Mặt khác, đây là những loại cá dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, năng suất cao nên tôi bắt đầu khởi nghiệp với những loại cá này", anh Lâm tâm sự.

"Vạn sự khởi đầu nan", thời gian đầu do chưa có vốn và kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế mô hình nuôi cá nước ngọt của anh Lâm chưa cao. Con cá còi cọc, chậm lớn, thị trường đầu ra cũng vô cùng khó khăn. 

Đến năm 2018, anh Lâm quyết định "làm lớn" khi bỏ ra số tiền gần 3 tỷ đồng cải tạo lại diện tích ao nuôi và sắm sửa thêm máy móc thiết bị hiện đại để thực hiện mô hình nuôi cá VietGAP. 

Theo đó, với diện tích 11 mẫu ao, anh Lâm thiết kế làm 6 ao nuôi, trong đó có 4 ao cá thương phẩm và 2 ao cá giống. Trên ao nuôi có lắp đặt hệ thống sục khí, máy quạt nước và máy cho cá ăn. 

Hà Nội: Anh nông dân nuôi toàn con cá to bự chuẩn VietGAP, lái buôn đến tận ao mua hết - Ảnh 3.

Để giảm bớt công lao động, anh Lâm đã lắp đặt máy cho cá ăn tự động. Anh Lâm chỉ việc cho cám vào máy, điều chỉnh tốc độ cho ăn là máy nhả cám theo tỉ lệ đã cài đặt.

Dẫn PV Báo Dân Việt đi "mục sở thị" trang trại nuôi cá VietGAP, anh Lâm cho biết, nguồn cá giống được trang trại mua ở những cơ sở sản xuất con giống có uy tín. 

Về sau, để chủ động nguồn giống, anh Lâm đã dành riêng 2 ao số 4 và số 5 (trung bình mỗi ao có diện tích 2 mẫu) để ương cá. Ương khoảng 2-3 tháng thì chuyển sang ao nuôi cá thương phẩm.

Anh Lâm bộc bạch: "Ương cá giống rất vất vả, như chăm con mọn, đòi hỏi kĩ thuật cao, công chăm sóc nhiều. Ngày cho cá ăn 4 bữa. Có như vậy, cá giống mới khỏe mạnh, không bị bệnh".

Còn về kĩ thuật nuôi cá thương phẩm, trước khi vào vụ mới phải vệ sinh lại ao nuôi, làm sạch nguồn nước. Mặc dù, trong quá trình chăm sóc không đòi hỏi kĩ thuật cao như ương cá giống nhưng không thể chủ quan.

Hà Nội: Anh nông dân nuôi toàn con cá to bự chuẩn VietGAP, lái buôn đến tận ao mua hết - Ảnh 4.

Một ngày anh Lâm cho cá ăn 3 bữa vào các khung giờ cố định. Bình quân 1 tạ cá thương phẩm, anh Lâm chỉ cho ăn 1,5-2 kg cám/ngày.

Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi cá VietGAP, anh Lâm có nhật ký ghi chép đầy đủ quá trình nuôi cá từ vào giống đến chăm sóc, thu hoạch. Việc cho ăn đầy đủ và sử dụng hệ thống tạo oxy giúp cá trong ao khỏe mạnh, tốc độ lớn nhanh, ít bệnh hơn. 

"Cùng một diện tích ao nuôi 2 mẫu, trước đây tôi chỉ thu được 4 – 5 tấn cá/năm, nhưng khi nuôi theo hướng VietGAP và ứng dụng công nghệ, năng suất đã tăng lên gấp 3 lần, đạt 17 – 18 tấn/năm. Đặc biệt, sản phẩm làm ra có chất lượng thơm ngon, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm" – anh Lâm so sánh.

Anh Lâm phấn khởi khoe: "Cá sạch của gia đình khi xuất bán con nào con nấy đều to bự, chắc nình nịch, thịt cá dai, thơm ngon nên rất dễ bán, cá bắt lên đã có thương lái đến tận ao thu mua hết. 

Mỗi năm, gia đình tôi xuất bán từ 80-85 tấn cá, doanh thu đạt 3-3,5 tỷ đồng/năm, trừ hết chi phí gia đình còn thu lãi 800 triệu đồng. Riêng năm 2019, gia đình thu hoạch 85 tấn cá, trong đó cá trắm, cá chép đều bán được giá cao trên 60 nghìn đồng/kg".

Hà Nội: Anh nông dân nuôi toàn con cá to bự chuẩn VietGAP, lái buôn đến tận ao mua hết - Ảnh 5.

Mô hình nuôi cá VietGAP của anh Lê Văn Lâm là địa chỉ tham quan, học tập của nhiều nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá VietGAP anh Lâm cho biết: Nuôi cá theo quy trình VietGAP phải tuân thủ 4 "định": Vị trí ăn cố định, đúng định lượng thức ăn, giờ ăn cố định và chất lượng cám cố định (ổn định). Một ngày cho ăn 3 bữa vào các khung giờ cố định: Sáng 8-9h, trưa: 12-13h, chiều: 16-17h. 

Tùy theo thời tiết và sức ăn của con cá, người nuôi sẽ phải điều chỉnh chế độ ăn phù hợp. Bình quân 1 tạ cá thương phẩm chỉ cho ăn 1,5-2 kg cám/ngày.

Để phòng bệnh cho cá, đều đặn mỗi tháng từ 4-6 lần anh Lâm dùng các chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nuôi, làm sạch nguồn nước và chuyển hoá các chất thải, thức ăn thừa thành phù du có lợi cho con cá. 

Bên cạnh đó, anh Lâm còn thường xuyên bổ sung các loại vitamin, tỏi trộn lẫn với thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem