TP.HCM thiếu nguồn giống hoa lan nghiêm trọng

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 26/11/2020 16:27 PM (GMT+7)
TP.HCM sẽ cần 30-40 triệu cây lan giống mỗi năm. Thế nhưng khả năng cung cấp từ các trung tâm nghiên cứu chỉ khoảng 1,5 triệu cây. Số còn lại, rất cần sự hợp tác các tỉnh thành.
Bình luận 0

Ông Đỗ Việt Hà - Phó trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cho biết như vậy tại Hội nghị hợp tác đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) tổ chức tại TP.HCM ngày 26/11.

TP.HCM thiếu nguồn giống hoa lan nghiêm trọng - Ảnh 1.

Hội nghị hợp tác đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo ông Hà, qua hơn 10 năm đi vào hoạt động, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đã khẳng định vai trò hạt nhân và là hình mẫu trong việc lan tỏa ứng dụng NNCNC trong sản xuất nông nghiệp.

Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đã cung cấp 15 triệu hạt giống dưa lưới cho thị trường. 

Nếu tính ra giá trị thì 15 triệu hạt giống này làm giảm đi trên 30 tỷ đồng tiền nhập khẩu hạt giống và tạo ra lợi nhuận trên 20ha khoảng 100 tỷ đồng nữa. 

Một ví dụ để chứng minh hoạt động NNCNC tương đối hiệu quả và khẳng định sự làm chủ hoàn toàn công nghệ lai tạo hạt giống có chất lượng.

Tuy nhiên nỗ lực đóng góp vào lĩnh vực giống và ứng dụng công nghệ cao thì một mình Khu Nông nghiệp công nghệ cao là chưa đủ. Điển hình là cây hoa lan trên địa bàn thành phố. 

TP.HCM thiếu nguồn giống hoa lan nghiêm trọng - Ảnh 3.

Giống dưa lưới do AHTP nghiên cứu phát triển

Nhu cầu hoa lan trên địa bàn thành phố là rất lớn. Mục tiêu phát triển đến năm 2030 của ngành nông nghiệp thành phố phấn đấu mỗi năm cung cấp 30-40 triệu cây lan.

Thế nhưng thực tế đến nay, Khu Nông nghiệp công nghệ cao chỉ cung cấp được khoảng 1,2 triệu cây lan từ cấy mô. Một đơn vị khác là Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM cũng chỉ cung cấp được 200.000 cây lan.

TP.HCM thiếu nguồn giống hoa lan nghiêm trọng - Ảnh 4.

TP.HCM cung cấp chưa tới 1,5 triệu cây lan cây mô trong khi nhu cầu thị trường sẽ cần 30-40 triệu cây.

Khu Nông nghiệp công nghệ cao và Trung tâm Công nghệ sinh học được xem là hai đơn vị đầu tàu trong triển khai ứng dụng NNCNC của TP.HCM. Tổng khả năng cung cấp hoa lan cấy mô chưa tới 1,5 triệu cây. Con số thiếu hụt còn lại là rất lớn.  

"Không chỉ riêng hoa lan, ở các lĩnh vực giống cây, con khác, Khu Nông nghiệp công nghệ cao rất cần sự liên kết đầu tư từ các tỉnh thành khác, cũng như hợp tác để phân công lại thế mạnh sản xuất nông sản vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường vừa mang lại lợi nhuận cho nông dân", ông Hà nói.

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, thành phố hiện có 34 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Từ năm 2010-2020, các đơn vị đã cung ứng 212.000 tấn hạt (khoảng 90% phục vụ sản xuất nông nghiệp các tỉnh và xuất khẩu) và khoảng 90-95 triệu cây giống.

TP.HCM thiếu nguồn giống hoa lan nghiêm trọng - Ảnh 6.

Một vườn lan ở huyện Củ Chi (TP.HCM) tự làm giống lan để cung cấp cho các tỉnh thành

Riêng về giống nuôi cấy mô, các đơn vị cung cấp khoảng 16 triệu cây/năm (chủ yếu là các giống hoa lan, hoa nền), chỉ mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của thành phố.

Mục tiêu đến năm 2030, trong lĩnh vực giống hoa cây kiểng, hàng năm đưa vào sản xuất 5-7 giống mới, hoàn thiện 7-10 quy trình nhân giống, cung cấp 30-40 triệu cây giống. Trong đó, phấn đấu cung cấp 80-90% nhu cầu giống lan.

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM đánh giá, 80-90% là con số rất lớn, đòi hỏi nỗ lực hợp tác triển khai từ nhiều phía.

Đối với giống lan, việc nhập về phải được nuôi cấy mô sao cho giá thành rẻ hơn thì mới thắng được. Tất nhiên TP.HCM cần thêm các tỉnh hỗ trợ.

TP.HCM thiếu nguồn giống hoa lan nghiêm trọng - Ảnh 8.

TP.HCM xác định hạt giống là một sản phẩm nông nghiệp chứ không đơn thuần là vật tư đầu vào

Ngoài ra, việc đặt con số mục tiêu 80-90% như thế cũng nhằm hạn chế việc nhập khẩu giống từ nước ngoài. Muốn vậy, không chỉ các trung tâm nghiên cứu mà doanh nghiệp cũng cần tập trung đầu tư mảng này.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn thích mua đi bán lại hạt giống vì khâu thương mại có lời hơn. Nhưng như thế, ngành giống dễ đi vào mai một.

"Doanh nghiệp nên lấy lợi nhuận từ thương mại để đầu tư ngược lại cho công tác giống để làm mạnh nội lực, phòng trường hợp bất trắc trong kinh doanh", ông Hiệp gợi ý.

TP.HCM thiếu nguồn giống hoa lan nghiêm trọng - Ảnh 9.

Sở NNPTNT đề nghị đẩy mạnh hợp tác đầu tư vào nghiên cứu phát triển giống

Ước tính mỗi năm, Việt Nam tốn khoảng 1 tỷ USD nhập giống cây trồng các loại. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2019, Việt Nam đã nhập gần 200.000 tấn giống cây trồng. Riêng TP.HCM trong 4 năm trở lại đây đã nhập khẩu 13.220 tấn hạt giống các loại.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, thực hiện chương trình phát triển giống gắn với công nghệ cao đồng nghĩa việc coi nguồn giống là một sản phẩm của nông nghiệp, chứ không còn là đầu vào vật tư đơn thuần.  

NNCNC có vai trò đóng góp lớn cho nông nghiệp thành phố. Trong đó Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM là hạt nhân cung cấp giống cây, con.

"Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP cần đẩy mạnh kết nối với các khu NNCNC trong cả nước cũng như có hướng tháo gỡ vướng mắc, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC", ông Hiệp đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem