dd/mm/yyyy

TP.HCM: Người dân hài lòng với chương trình xây dựng nông thôn mới

TP.HCM tập trung nâng cao truyền thông để nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) trong giai đoạn 2021 - 2025.

Vừa qua, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã có cuộc khảo sát nhận thức cộng đồng về Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Củ Chi và Hóc Môn.

Người dân hài lòng với Chương trình xây dựng NTM

Theo ThS Trần Tân Anh Phương - Phó trưởng Phòng Đào tạo (Trường Đại học Kinh tế - Luật), tại huyện Hóc Môn, đã khảo sát 1.000 hộ về nhận thức cộng đồng của Chương trình xây dựng NTM.

ThS Phương cho biết, người dân được khảo sát nhận thức đầy đủ mục đích, vai trò của việc xây dựng NTM. 

Cụ thể, người dân đã thực hiện vai trò của mình trong Chương trình xây dựng NTM, như: Không xả rác nơi công cộng, tích cực giám sát cộng đồng các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn, tích cực tham gia các cuộc vận động do địa phương phát động, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập…

Nâng cao truyền thông để nâng chất nông thôn mới - Ảnh 1.

Tuyến đường hoa liên ấp 3 - 4 (xã Đa Phước, Bình Chánh) được nông dân hiến đất thực hiện. Ảnh: Trần Đáng

Theo Văn phòng Điều phối NTM thành phố, hiện TP. HCM có 4/5 huyện được công nhận là huyện NTM, 64/65 xã hoàn thành NTM nâng cao.

Trong khi đó tại huyện Củ Chi, đã khảo sát 2.000 hộ tại 20 xã. ThS Nguyễn Thế Hiển (Trường Đại học Kinh tế - Luật) cho biết, bảng khảo sát đưa ra 19 tiêu chí để đánh giá sự hài lòng của người dân đối với Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn. 

Kết quả cho thấy, trên 90% số người được hỏi đánh giá đồng ý 1/19 tiêu chí NTM cải thiện nhiều (giao thông); trên 80% đồng ý với 6/19 tiêu chí được cải thiện (quy hoạch, thủy lợi, điện, trường học, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng, an ninh)…

Cũng theo Ths Hiển, cuộc khảo sát nhận thức của người dân về mục đích xây dựng NTM cũng cho thấy, người dân cho rằng mục đích tiếp tục xây dựng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc với tỷ lệ cao nhất là 60,7%.

Cải thiện truyền thông nâng chất nông thôn mới

Về việc truyền thông xây dựng NTM trên địa bàn thành phố, theo ThS Hiển, địa phương đã triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền về Chương trình xây dựng NTM.

Tuy nhiên, ThS Hiển cũng cho rằng, nhìn chung các hình thức tuyên truyền NTM tại địa phương chưa nhận được sự đồng tình cao và chưa được đánh giá cao của người dân khi tỷ lệ khảo sát chỉ ở mức 50 - 60%. Điều này cho thấy sự thu hút và hiệu quả của các hình thức tuyên truyền vẫn chưa được như kỳ vọng.

Để nâng cao hiệu quả truyền thông cho mục tiêu NTM nâng cao, ThS Hiển cho rằng cần chuyển đổi dần hình thức tuyên truyền truyền thống sang phương thức hiện đại…

Cùng quan điểm này, ThS Phương cho rằng cần tích cực tuyên truyền, vận động các hội viên tham gia thực hiện xây dựng NTM thông qua việc lồng ghép các phong trào do tổ chức hội phát động thi đua, như: "Cả nước chung sức xây dựng NTM", "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM", "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giảm nghèo bền vững"…

Trần Đáng