TP.HCM: Kỳ vọng trung tâm tài chính quốc tế

Hồng Phúc Thứ sáu, ngày 30/04/2021 07:30 AM (GMT+7)
Sau gần hơn 45 năm kể từ ngày chiến thắng lịch sử 30/4/1975 và gần 20 năm manh nha ý tưởng, TP.HCM đang thể hiện rõ quyết tâm trở thành trung tâm tài chính (TTTC) mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Bình luận 0

Nỗ lực xây dựng trung tâm tài chính quốc tế

Năm 2002, trước bối cảnh phát triển của TP.HCM và ngành tài chính - chứng khoán nhiều điểm sáng, Bộ Chính trị có Nghị quyết 20/BCT xác định xây dựng và phát triển TP.HCM thành TTTC của cả nước và từng bước thành TTTC khu vực Đông Nam Á. 10 năm sau, nội dung này được tái khẳng định trong Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ý tưởng này sau đó ít được nhắc lại. Mãi đến giữa năm 2019, TP.HCM mới tái khởi động bằng hội thảo lớn với sự đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia. Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2019 cũng tập trung hoàn toàn vào chủ đề: "Phát triển TP.HCM thành TTTC khu vực và quốc tế".

Tháng 3/2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có văn bản trình và kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương để thành phố xây dựng đề án phát triển TP.HCM thành TTTC khu vực và quốc tế. Lãnh đạo thành phố xác nhận ý tưởng đã có nhiều năm trước nhưng do điều kiện chưa chín muồi nên chưa trở thành hiện thực.

Kỳ vọng trung tâm tài chính quốc tế - Ảnh 1.

Tòa nhà trụ sở một công ty trong Khu Công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Bùi Phụ

"Các tập đoàn quốc tế lớn đều có văn phòng ở Trung Quốc. Trong tình hình căng thẳng giữa các nước với Trung Quốc dẫn tới làn sóng dịch chuyển khỏi nước này, đây là cơ hội cho Việt Nam".

KTS Ngô Viết Nam Sơn

GS-TS Sử Đình Thành nhận định với quy mô kinh tế - tài chính hiện nay, TP.HCM rất thuận lợi để trở thành một TTTC lớn. Hiện TP.HCM là đầu tàu tăng trưởng kinh tế cả nước. Dù chỉ chiếm chưa đến 10% dân số và chưa đến 1% diện tích cả nước nhưng những năm qua, TP.HCM đóng góp khoảng 23% GDP, 27% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 33% số dự án FDI cả nước. Số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao và mật độ tập trung các định chế tài chính tại TP.HCM hiện vào loại cao nhất cả nước.

Ông Thành cho rằng vị trí địa lý cũng ủng hộ TP.HCM bởi nằm trong lõi của vùng kinh tế giàu tiềm năng, có cảng biển quốc tế nối tiếp các nước trong khu vực. Đặc biệt, TP.HCM từng được mệnh danh là "hòn ngọc Viễn Đông", điều này sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư, thu hút nguồn vốn quốc tế.

Hình mẫu Phố Đông Thượng Hải

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng thành phố đang đứng trước cơ hội hiện thực hoá khát vọng đã có gần 20 năm qua. Trở thành TTTC quốc tế, TP.HCM sẽ thu hút được định chế tài chính nước ngoài, đón đầu cơ hội dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư quốc tế đến Việt Nam.

Chia sẻ với Dân Việt, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia quy hoạch, cho biết khi đang làm việc tại Mỹ những năm 90, ông có tham gia làm quy hoạch dự án phát triển khu Phố Đông (Thượng Hải, Trung Quốc). Thời điểm đó, Thượng Hải muốn xây dựng Phố Đông thành TTTC tầm cỡ tương đương hoặc hơn cả Hongkong, đây vừa là nhiệm vụ kinh tế vừa là nhiệm vụ chính trị.

"Trở lại TP.HCM, muốn phát triển thành TTTC khu vực và quốc tế, có thể học từ nhiều điển cứu nhưng tôi vẫn cho Phố Đông (Thượng Hải) là gần nhất, do điều kiện phát triển của Việt Nam và Trung Quốc khá tương đồng từ thể chế đến địa lý. Họ đã thành công trong 15 năm, Thủ Thiêm sau 20 năm vẫn khá là chậm, cần phải học hỏi kinh nghiệm từ trường hợp Phố Đông" - chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn nói.

Theo ông, việc Thủ Thiêm được quy hoạch là TTTC quốc tế không còn mới bởi các kế hoạch xây dựng TTTC trước đây đều gắn liền với quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nhưng gần 20 năm qua, Thủ Thiêm vẫn chưa có cao ốc tài chính nào. Ông cho rằng, cần có sự khuyến khích đầu tư của các tập đoàn hàng đầu vào khu đô thị mới Thủ Thiêm, và đẩy mạnh kết nối hạ tầng với khu vực trung tâm quận 1 hiện hữu. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem