Tổng cục Lâm nghiệp, Vifores ký quy chế phối hợp giúp ngành gỗ thu 20 tỷ USD trong năm 2025

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 01/09/2020 14:47 PM (GMT+7)
Hôm nay, 1/9, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) và Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) đã chính thức ký kết quy chế phối hợp trong lĩnh vực chế biến và thương mại lâm sản; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Bình luận 0

Chia sẻ về cơ chế phối hợp giữa hai bên tại Lễ ký kết quy chế phối hợp sáng nay, 1/9, tại Hà Nội, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, Tổng cục Lâm nghiệp và Viforest sẽ trực tiếp gặp gỡ để thông báo, trao đổi thông tin, tài liệu, trao đổi thông qua văn bản, điện thoại, hệ thống thư điện tử. 

Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn công tác và cử cán bộ phối hợp, tổ chức các cuộc họp hàng năm, hai bên sẽ luân phiên tổ chức họp để đánh giá việc thực hiện các hoạt động đề ra mà hai bên đã thống nhất trước đó; đồng thời xây dựng kế hoạch phối hợp cho thời gian tiếp theo hoặc có thể tổ chức họp bất thường nếu thấy cần thiết. 

Tổng cục Lâm nghiệp, Viforest "song kiếm hợp bích" giúp ngành gỗ thu 20 tỷ USD trong năm 2025 - Ảnh 1.

Tổng cục Lâm nghiệp và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam ký kết quy chế phối hợp với sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ NNPTNT.

Về nguyên tắc phối hợp, việc trao đổi thông tin và phối hợp công tác giữa hai bên phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bên; yêu cầu quản lý chế biến và thương mại lâm sản, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, phù hợp với quy định của pháp luật.

 "Nội dung thông tin trao đổi và phối hợp công tác giữa hai bên được thực hiện theo Luật Lâm nghiệp và quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước", ông Điển nói. 

Khi xây dựng và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến chế biến, thương mại lâm sản, Tổng cục Lâm nghiệp gửi văn bản đề nghị, căn cứ vào phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cung cấp tài liệu, báo cáo liên quan, cử cán bộ tham gia theo yêu cầu.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam gửi văn bản đề xuất, kiến nghị thì Tổng cục Lâm nghiệp tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý ngành ban hành những cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển chế biến, thương mại vì mục tiêu phát triển bền vững ngành.

Hai bên cũng sẽ phối hợp phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại. Theo đó, Viforest chủ động nắm bắt thông tin về các hành vi gian lận trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, thương mại lâm sản, chia sẻ thông tin với Tổng cục Lâm nghiệp cùng phối hợp xử lý theo chức năng và thẩm quyền.

Tổng cục Lâm nghiệp căn cứ vào chức năng, thẩm quyền của mình, trực tiếp xử lý hoặc đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi gian lận thương mại do Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam đề xuất.

Đối với công tác quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững, Tổng cục Lâm nghiệp là đơn vị chủ trì xây dựng và phát triển các tiêu chuẩn. Viforest cử người tham gia tổ soạn thảo xây dựng, cung cấp các tài liệu, thông tin liên quan. 

Tổng cục Lâm nghiệp, Viforest "song kiếm hợp bích" giúp ngành gỗ thu 20 tỷ USD trong năm 2025 - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, nhất là trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, đây là sự kiện hết sức quan trọng cho ngành lâm nghiệp. Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã hình thành được hệ sinh thái khá đầy đủ về ngành kinh tế lâm nghiệp. 

Năm 2019, xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản nói chung đạt trên 11 tỷ USD. Năm nay, con số xuất khẩu dự kiến sẽ vượt 12 tỷ USD. Việt Nam hiện đang đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 châu Á, thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản. 

"Bên cạnh đó, điểm rất đáng tự hào nữa là trước đây, Việt Nam "vừa chạy vừa xếp hàng", 80% nguyên liệu phải nhập khẩu, còn hiện nay cơ bản đã chủ động được nguồn nguyên liệu. Chúng ta hình thành được hệ thống doanh nghiệp cả trong nước và doanh nghiệp FDI, đủ sức phát triển sâu ngành công nghiệp chế biến lâm nghiệp", người đứng đầu ngành nông nghiệp nhận định.

 Cũng theo Bộ trưởng Cường, cách đây 10 năm không ai dám nghĩ Việt Nam xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản đạt 10 tỷ USD. Nhưng hiện nay, mục tiêu đến 2025 xuất khẩu đạt 20 tỷ USD gỗ, sản phẩm gỗ, lâm sản là trong tầm tay, thậm chí còn có thể cao hơn nữa. 

"Mong rằng sự phối hợp giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Vifores là nền tảng, là cơ sở giữa cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội, phối hợp chặt chẽ để 3 khu vực Chính phủ, hiệp hội doanh nghiệp và người dân cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất để từng bước giúp Việt Nam đạt được kết quả xứng đáng “rừng là vàng”, không chỉ kinh tế phát triển mà còn đảm bảo sự bền vững quốc gia, bền vững đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. 

Tổng cục Lâm nghiệp, Viforest "song kiếm hợp bích" giúp ngành gỗ thu 20 tỷ USD trong năm 2025 - Ảnh 3.

Ngành chế biến gỗ ngày càng phát triển với cộng đồng hơn 5.000 doanh nghiệp.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam hiện đã trở thành một ngành phát triển năng động nhất hiện nay. Sự năng động thể hiện qua các chỉ số như kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng hàng năm, thường ở mức 2 con số.

 Ngành ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia các khâu của chuỗi cung và một đội ngũ đông đảo các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.

 Sự năng động của ngành còn thể hiện qua khía cạnh các doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng được các yêu cầu ngành càng nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu, về các khía cạnh như tính hợp pháp của gỗ, các khía cạnh về môi trường, xã hội, đặc biệt từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, Australia.

 "Tôi đánh giá Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Vifores là một trong những bước đột phá trong việc hình thành các kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý lâm nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh ngành gỗ đang có nhiều thay đổi", ông Lập nói. 

Quy chế phối hợp sẽ tập trung vào trao đổi và phối hợp thông tin về chế biến thương mại lâm sản, quản lý rừng bền vững, chững chỉ rừng. 

Quy chế bao trùm toàn bộ các khía cạnh đang có sự phát triển năng động nhất và cũng bao gồm các khía cạnh hiện đang có nhiều rủi ro nhất, đòi hỏi cả cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách có sự quan tâm đặc biệt. 

Thực hiện quy chế có hiệu quả sẽ là hình mẫu trong việc xây dựng chính sách và thực thi chính sách, nhằm tăng cường cơ hội và giảm rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh cung – cầu thế giới đang có rất nhiều biến động như hiện nay. 

Theo số liệu thống kê từ các địa phương, tính đến nay, cả nước có 5.650 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ, lâm sản.

Ước giá trị xuất khẩu 8 tháng năm 2020 đạt 7,83 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 29,9 % giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,32 tỷ USD, tăng 9,6%, lâm sản ngoài gỗ 511 triệu USD, tăng 21,6%.

8 tháng đầu năm 2020, thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chủ yếu của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với tổng giá trị xuất khẩu 7 tỷ USD, chiếm 89,5% giá trị xuất khẩu lâm sản của Việt Nam.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, nhấn mạnh thị trường thương mại đồ nội thất và đồ gỗ của thế giới lớn (khoảng 430 tỉ USD giá trị thương mại đồ nội thất, trong đó khoảng 150 tỉ USD giá trị thương mại của đồ gỗ). 

Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu nên các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần.

Bên cạnh, các thị trường truyền thống có giá trị xuất khẩu cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc thì một số thị trường tiềm năng có cơ hội mở rộng phát triển mới trong xuất khẩu gỗ như Canada, Nga, Ấn Độ… “Năm 2020, phấn đấu đưa giá trị xuất khẩu lâm sản đạt từ 12,5 tỉ USD và đạt 18-20 tỉ USD vào năm 2025” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem