Tôm hùm chết trắng, người nuôi bán đổ bán tháo

Thứ ba, ngày 28/02/2012 16:12 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau tình trạng tôm chết tràn lan ở ĐBSCL, đến lượt các tỉnh miền Trung trong đó có Phú Yên đang xuất hiện tình trạng này.
Bình luận 0

Tại Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu), vụ nuôi tôm năm nay, xã có khoảng 8.700 lồng với gần 610.000 con tôm hùm thương phẩm, tập trung ở 3 thôn Phú Dương, Vịnh Hòa và Từ Nham. Thế nhưng 2 tháng lại đây, tôm chết hàng loạt, số lượng ngày càng tăng. Theo UBND xã Xuân Thịnh, hiện mỗi ngày trên địa bàn có hơn 1 tấn tôm hùm cỡ 0,2-0,6kg/con chết.

img
Tôm chết, người nuôi vớt lên bán đổ bán tháo.

Ông Lê Minh Hưng - nuôi tôm hùm ở xã này, buồn rầu cho biết: “Tôi thả nuôi hơn 2.000 con tôm, đến nay trọng lượng 0,4-0,6kg/con. Ban đầu tôm chỉ chết ít nhưng gần đây thì chết nhiều, mỗi ngày chết vài chục con. Tôm chết thường có triệu chứng sưng đầu, đen mang, trắng sữa và hở khớp, nếu vớt không kịp thì chỉ sau một đêm sẽ bị sút đầu, bán không ai mua. Tình trạng này chắc đến vụ thu hoạch sẽ không còn con nào để bán”.

Những con tôm chết bị sút đầu bán với giá 30.000-50.000 đồng/con cỡ 0,6kg, còn tôm khi vớt vào đến bờ vẫn còn sống hoặc còn tươi thì bán với giá 200.000-270.000 đồng/kg. Ông Võ Quang Thống - một đại lý chuyên thu mua tôm hùm ở Sông Cầu, cho biết: “Hiện mỗi ngày có khoảng 30 người chuyên thu mua tôm hùm chết, sau đó chở đến TP.Quy Nhơn (Bình Định) bán cho các đầu nậu. Khoảng nửa tháng nay, bình quân mỗi ngày tôi mua 50kg tôm hùm chết”.

Ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh, cho biết đã có khoảng 30.000 con tôm hùm nuôi của người dân trong xã bị chết, tập trung ở thôn Phú Dương và Vịnh Hòa. Có hộ, tôm chết đến 70%. Trước thực trạng này, xã đã báo cáo lên UBND thị xã để cử người về hướng dẫn bà con cách xử lý và điều trị, nhưng chưa ngăn chặn được”.

Tại các xã Xuân Hòa, Xuân Lộc (thị xã Sông Cầu) người nuôi tôm cũng đứng ngồi không yên. Ông Nguyễn Văn Sáu (ở xã Xuân Hòa) thả nuôi 4.000 con, đến nay chết phân nửa.“Gia đình tôi đang lâm nợ vì tôm. Chúng tôi ở đây ai cũng vay ngân hàng nuôi tôm. Có người do còn dính nợ ngân hàng nên phải vay nóng bên ngoài từ 100- 200 triệu đồng để nuôi tôm, bây giờ tôm chết, chúng tôi nợ nần chồng chất” - lời ông Sáu.

Theo Phòng Kinh tế TX.Sông Cầu, hiện số lượng lồng nuôi tôm hùm ở khu vực này tăng lên 2-3 lần so với cách đây 5 năm. Mỗi ngày khu vực này tiêu thụ hàng tấn thức ăn cho tôm hùm, chưa kể thức ăn nuôi ốc hương. Do đó lượng thức ăn dư thừa lắng tụ xuống đáy đầm rất lớn. Đây là nguyên nhân gây ô nhiễm đầm nuôi, có thể tôm hùm chết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem