Tỉnh nợ đất, dân ồ ạt lấn chiếm rừng phòng hộ

An Sơn Thứ sáu, ngày 25/11/2016 06:40 AM (GMT+7)
Đã 13 năm chuyển đến khu tái định cư nhưng vẫn không được tỉnh cấp đất sản xuất như đã hứa, hàng chục hộ dân bị di dời bởi dự án hồ Tả Trạch ở Thừa Thiên- Huế phải lấn chiếm đất rừng phòng hộ trái phép để kiếm sống.
Bình luận 0

Lấn chiếm gần 50ha đất rừng

Thời gian gần đây, hàng chục hộ dân ở xã Bình Thành, thị xã Hương Trà kéo nhau vào các tiểu khu rừng phòng hộ 166 và 167 do Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy quản lý để lấn chiếm đất rừng. Đây là khu vực Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy vừa khai thác hơn 120ha rừng trồng và đang chuẩn bị trồng lại. Tại đây, người dân đã chiếm đất, phát thực bì, rồi vận chuyển cây giống vào trồng rừng trái phép.

img

Hàng chục hộ dân lấn chiếm rừng phòng hộ ở các tiểu khu 166 và 167 để lấy đất sản xuất. Ảnh: A.S

Đây là vùng miền núi, phải có đất, có rừng mới sống được, nhận tiền đền bù nhưng không có nghề nghiệp, rồi cũng trắng tay. Chúng tôi chỉ có thể thoát đói nghèo bằng tiền đền bù đất nếu được dạy nghề, hướng nghiệp bài bản”.

Ông Nguyễn Đình Đèn
 (thôn tái định cư Hòa Bình)

Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy, hoạt động lấn chiếm đất rừng phòng hộ trái phép của người dân diễn ra vào ban đêm. Qua thống kê, đã có 49,5ha đất rừng bị người dân lấn chiếm, trong đó có hơn 39ha người dân đã tiến hành trồng keo. Ngoài lấn chiếm đất rừng, nhiều người dân còn phá gác chắn của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khe Đầy đặt tại tiểu khu 166. 

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo Sở NNPTNT tỉnh và chính quyền các thị xã Hương Thủy, Hương Trà khẩn trương khoanh vùng, ngăn chặn việc người dân mở rộng vùng lấn chiếm. Chính quyền tỉnh yêu cầu những cơ quan trên nhận dạng đối tượng, ghi nhận hành vi vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật. Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo công an tỉnh tăng cường lực lượng, hỗ trợ các địa phương trên ngăn chặn, xử lý hoạt động lấn chiếm đất rừng, bảo đảm an ninh trật tự.

Làm liều lấn chiếm đất rừng

Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, những hộ dân tham gia vụ lấn chiếm đất rừng phòng hộ nói trên đều sinh sống tại các thôn Hòa Thành, Hòa Bình và Bình Dương của xã Bình Thành. Đây là các thôn tái định cư của hơn 200 hộ dân trong tổng số 855 hộ ở xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy) bị di dời bởi dự án xây dựng hồ Tả Trạch. Năm 2003, khi thu hồi đất của dân để triển khai dự án, tỉnh Thừa Thiên- Huế quy định những hộ phải di dời sau khi đến nơi ở mới sẽ được cấp tối thiểu 1ha đất trồng hoa màu, riêng đất rừng thực hiện “đất đổi đất”. 

Tuy nhiên, đến nay, sau 13 năm về các khu tái định cư, dân vẫn chưa được cấp đất, và tỉnh còn nợ dân hơn 1.042ha đất. Cuộc sống khổ cực vì thiếu đất sản xuất trầm trọng là nguyên nhân khiến hàng chục hộ dân ở các thôn tái định cư Hòa Thành, Hòa Bình và Bình Dương lấn chiếm đất rừng phòng hộ để phát triển kinh tế. “Khi chưa bị di dời bởi dự án Tả Trạch, gia đình tôi có 5ha đất trồng rừng tràm. Về khu tái định cư đã 13 năm, chúng tôi vẫn chưa được tỉnh cấp đất sản xuất như đã hứa nên mới làm liều lấn chiếm đất rừng”- một người dân ở thôn Bình Dương nói.

Theo ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, để đảm bảo quyền lợi cho người dân bị mất đất bởi dự án hồ Tả Trạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thu hồi hơn 77 tỷ đồng từ hợp phần xây dựng cơ bản của dự án này để bổ sung cho hợp phần đền bù di dân tái định cư từ nguồn dự phòng 150 tỷ đồng đã cấp bổ sung cho dự án. Hiện nguồn kinh phí này đã được cấp cho tỉnh và tỉnh đang yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thành bản đồ đền bù để kịp thời xây dựng phương án chi trả cho dân.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem