Tin vui: Cuối quý III/2021 sẽ công bố vaccine dịch tả lợn châu Phi "made in" Việt Nam?

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 12/06/2021 11:05 AM (GMT+7)
Thông tin tại Hội nghị trực tuyến "Tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, giai đoạn 2015-2020 và đề xuất giai đoạn 2021-2025", Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cuối quý III/2021 có thể công bố vaccine dịch tả lợn châu Phi.
Bình luận 0

832 tỷ đồng hỗ trợ chăn nuôi nông hộ

Tại hội nghị trực tuyến "Tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, giai đoạn 2015-2020 và đề xuất giai đoạn 2021-2025" ngày 11/6, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ thời gian tới phải hướng đến sản xuất chuyên nghiệp hơn theo hướng hàng hóa, an toàn sinh học, tạo sản phẩm có lợi thế...

Phát triển chăn nuôi nông hộ hướng tới chuyên nghiệp - Ảnh 1.

Mô hình nuôi gà của anh Hoàng Mạnh Ngọc, xã Liên Hà, Đông Anh (Hà Nội) cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. (Ảnh: Minh Ngọc).

Tổng kinh phí hỗ trợ cho nông hộ chăn nuôi trên toàn quốc giai đoạn 2015 - 2020 là 832,781 tỷ đồng, qua đó giúp thu nhập của các hộ tăng 5-10%.

Thực hiện Quyết định số 50/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020, theo báo cáo của các tỉnh, thành, tổng kinh phí hỗ trợ cho nông hộ chăn nuôi là 832,7 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ tinh phối giống nhân tạo cho lợn 218,4 tỷ đồng; hỗ trợ tinh phối giống nhân tạo cho trâu, bò 258,5 tỷ đồng; hỗ trợ mua con giống gia súc, gia cầm 25,1 tỷ đồng; hỗ trợ xử lý chất thải 159,6 tỷ đồng; hỗ trợ đệm lót sinh học 17,519 tỷ đồng.

Thực hiện chính sách theo Quyết định 50 đã tác động tích cực đến phát triển chăn nuôi, thu nhập của các hộ chăn nuôi tăng 5-10%. Với nguồn kinh phí không lớn nhưng chính sách đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp cải tạo và nâng cao năng suất đàn lợn, trâu, bò bằng việc hỗ trợ miễn phí tinh bò đực giống chất lượng cao, hỗ trợ tinh lợn chất lượng cao nhằm cải tạo đàn giống trên địa bàn, nâng cao năng suất, chất lượng đàn lợn thương phẩm cung cấp cho thị trường; hỗ trợ các công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi...

Sớm có vaccine dịch tả lợn châu Phi?

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chăn nuôi nông hộ hiện vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và mưu sinh của hàng triệu hộ nông dân trong cả nước. Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, song song với đẩy mạnh chăn nuôi trang trại quy mô lớn vẫn cần quan tâm đến chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi truyền thống.

Tin vui: Cuối quý III/2021 sẽ công bố vaccine dịch tả lợn châu Phi "made in" Việt Nam? - Ảnh 3.

Người chăn nuôi lợn có thể yên tâm vì sắp có vaccine dịch tả lợn châu Phi. Trong ảnh: Người dân huyện Lạng Giang, Bắc Giang cân lợn cho thương lái (ảnh chụp trước 27/4/2021). (Ảnh: Minh Ngọc).

Hiện nay, chăn nuôi nông hộ chủ yếu tự phát theo nhu cầu của thị trường dẫn đến thiếu sự ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc tái đàn lợn do người chăn nuôi hạn chế phối giống. Một số ý kiến cho rằng, với khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay cũng là nơi tập trung sản xuất gần một nửa sản lượng thực phẩm, thì bài toán an toàn dịch bệnh và môi trường đang là vấn đề cấp bách. Do vậy, để phát triển chăn nuôi nông hộ về lâu dài cần nhân rộng các mô hình an toàn sinh học để giải quyết được vấn đề môi trường và phòng chống dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, phải hướng tới hình thành các HTX, chăn nuôi an toàn sinh học để tạo ra chuỗi khép kín. Cùng với đó, kết hợp chính sách tạo điều kiện về đất đai cho các doanh nghiệp phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn và xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung và công nghệ cao.

Bên cạnh các cơ chế chính sách cũ, bà Hoàng Thị Tố Nga - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục bổ sung một số cơ chế, chính sách mới để phù hợp với Luật Chăn nuôi, với thực tế thị trường và nhu cầu của về an toàn thực phẩm của người dân. Chẳng hạn như thực tế mức hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ sử dụng đệm lót sinh học là chưa phù hợp.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, trong điều kiện chăn nuôi nông hộ như hiện nay, đảm bảo an toàn dịch bệnh với dịch tả lợn châu Phi phải giải quyết đồng bộ về cơ chế chính sách hỗ trợ, áp dụng an toàn sinh học sẽ huy động được các nguồn lực vào phát triển chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung.

"Để giải quyết căn cơ vấn đề này, ngoài cơ chế chính sách thì phải có vaccine tiêm phòng. Cuối quý 3 năm nay sẽ công bố vaccine dịch tả lợn Châu Phi. Sau 5 đợt nghiên cứu, đánh giá vaccine đạt mức độ bảo hộ rất cao.

Ngoài việc giải quyết an toàn sinh học bằng chế phẩm sinh học, bằng vacine chúng ta cũng đã chọn tạo có sức đề kháng đối với dịch tả lợn châu Phi. Như vậy, phải giải quyết đồng bộ cả cơ chế chính sách, biện pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân vào cuộc để có hệ sinh thái chuẩn bị cho bước phát triển trong giai đoạn mới" – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem