TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Tuyên án phúc thẩm vụ Nhật Cường; phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn nghìn tỷ

A.Đ (t/h) Thứ ba, ngày 30/11/2021 19:00 PM (GMT+7)
Tuyên án phúc thẩm vụ Nhật Cường; Công an Hà Nội phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn nghìn tỷ; sắp xét xử cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Tuyên án phúc thẩm vụ Nhật Cường

Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 30/11, sau 1 ngày xét xử, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm với 11 bị cáo trong đại án Nhật Cường.

Cụ thể, trong đại án Nhật Cường, có 11 bị cáo kháng cáo sau phiên sơ thẩm. Gồm: Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường; Trần Ngọc Ánh, Phó Tổng Giám đốc; Đỗ Quốc Huy, Giám đốc bán hàng; Nông Văn Lư, nhân viên; Hoàng Văn Phong, Trưởng ngành hàng Apple; Nguyễn Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng; Lê Hoài Phương, nhân viên Công ty Nhật Cường tại Quảng Châu (Trung Quốc); Nguyễn Bảo Trung (quận Đống Đa, Hà Nội); Ngô Đức Tùng (quận Long Biên, Hà Nội), Phạm Văn Hiệp (quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng); Ngô Tuấn Sửu, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thanh Sơn.

Ở phiên sơ thẩm, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc 10 năm tù về tội "Buôn lậu", 4 năm tù về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Ngọc là 14 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng bị phạt 3 năm 6 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

9 bị cáo phạm tội "Buôn lậu" bị tuyên phạt mức án như sau: Trần Ngọc Ánh 13 năm tù, Đỗ Quốc Huy 9 năm tù, Nguyễn Bảo Trung 8 năm tù, Nông Văn Lư 7 năm tù, Hoàng Văn Phong 6 năm tù, Ngô Đức Tùng 6 năm tù, Ngô Tuấn Sửu 5 năm tù, Lê Hoài Phương 4 năm tù.

Riêng bị cáo Phạm Văn Hiệp, ngoài bị tuyên phạt 7 năm tù về tội "Buôn lậu", HĐXX còn tổng hợp với bản án cũ 3 năm tù nên bị cáo này phải thi hành hình phạt chung là 10 năm tù.

3 bị cáo bị buộc tội "Buôn lậu" trong vụ án còn phải liên đới nộp khoản tiền thu lợi bất chính hơn 221 tỷ đồng, trong đó bị cáo Trần Ngọc Ánh phải nộp gần 70 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc 40 tỷ đồng, Đỗ Quốc Huy 30 tỷ đồng, Trần Tất Khoa và Ngô Tuấn Sửu cùng phải nộp 15 tỷ đồng.

Phúc thẩm đại án Nhật Cường: Không giảm án cho bị cáo nói được giấy khen thời đi học - Ảnh 5.

HĐXX phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội cũng như đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội về trách nhiệm dân sự với các bị cáo, vẫn buộc các bị cáo liên đới bồi thường 221 tỷ đồng. Ảnh: PH

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội chỉ chấp nhận giảm án từ 8 năm tù xuống 7 năm tù cho bị cáo Nguyễn Bảo Chung (do bị cáo này đã nộp lại 2 tỷ đồng).

Với 10 người còn lại, đại diện Viện Kiểm sát xác định mức án sơ thẩm là phù hợp, không chấp nhận giảm án. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo Ngọc; tội danh Ngọc bị truy tố, xét xử là đúng quy định của pháp luật. Hình phạt mà tòa sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo là tương xứng với vai trò, mức độ hành vi của từng người.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường như sau: Ánh 69,5 tỷ đồng; Ngọc 40 tỷ; Huy 30 tỷ; Phong 10 tỷ; Lư 10 tỷ; Khoa 15 tỷ; Phương 5 tỷ; Sửu 15 tỷ; Tùng 10 tỷ; Hiệp 3 tỷ; Việt 2 tỷ; Dũng 1,5 tỷ; Trung 10 tỷ, cộng với 13 tỷ phải nộp khác, tổng phải nộp hơn 23 tỷ đồng.

HĐXX phúc thẩm cũng buộc 2 bị cáo Hằng, Ngọc liên đới bồi thường gần 30 tỷ thiệt hại cho Nhà nước, trong đó Ngọc 16 tỷ đồng.

Tòa phúc thẩm dành quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường của các bị cáo với Bùi Quang Huy ở vụ án khác.

Công an Hà Nội bắt 13 đối tượng trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn nghìn tỷ

Như Dân Việt đã thông tin: Công an TP.Hà Nội cho biết, ngày 17/11, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP.Hà Nội tiếp nhận tin báo về tội phạm từ Báo Công lý về việc một số đối tượng có hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng xảy ra trên địa bàn TP.Hà Nội.

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP, Cơ quan An ninh điều tra – CAPT Hà Nội đã phối hợp Phòng An ninh kinh tế, các phòng nghiệp vụ CATP và Cục Thuế TP.Hà Nội, khẩn trương thu thập tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm của các đối tượng.

Cơ quan An ninh Hà Nội bắt 13 đối tượng trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn nghìn tỷ - Ảnh 1.

Đối tượng Nguyễn Văn Cường (trái) và Nguyễn Văn Hào. Ảnh: CACC

Kết quả đã xác định đường dây có 14 đối tượng gồm: Tô Sỹ Lực (SN 1982), Nguyễn Văn Hào (SN 1983), Nguyễn Văn Hồng (SN 1983), Nguyễn Văn Cường (SN 1981), Nguyễn Văn Mạnh (SN 1992), Phạm Thị Thúy (SN 1992), Nguyễn Thị Mai Phương (SN 1986), Hoàng Thị Phượng (SN 1983), Cao Hà Giang (SN 1985), Cao Xuân Hải (SN 1994); Lương Thị Vui (SN 1995), Hoàng Văn Trường (SN 1987), Phạm Ngọc Sơn (SN 1984) và Cao Thành Đại (SN 1990) có hoạt động mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT).

Phương thức, thủ đoạn chúng thực hiện hành vi vi phạm như sau:

Từ khoảng năm 2017, các đối tượng mua lại pháp nhân nhiều công ty với giá từ 15.000.000 đồng - 20.000.000 đồng/1 công ty, sử dụng CCCD, CMND của người khác đứng tên Giám đốc, ký giả chữ ký Giám đốc để quản lý hồ sơ pháp nhân, con dấu Công ty, hóa đơn GTGT, biến các công ty này thành công ty "ma", sau đó không tổ chức hoạt động kinh doanh mà chỉ dùng để mua bán trái phép hóa đơn GTGT thu lời bất chính.

Hóa đơn GTGT các đối tượng sử dụng để bán chủ yếu là hóa đơn điện tử (có chế độ bảo mật cao), sử dụng những người có trình độ nghiệp vụ kế toán tốt để kê khai cân đối báo cáo tài chính các kỳ tính thuế; đồng thời các đối tượng sử dụng các ứng dụng mạng xã hội như Telegram, Viber, Zalo… để liên lạc với nhau, mục đích tránh sự phát hiện của Cơ quan Thuế và Cơ quan Công an.

Đối tượng cầm đầu phân công một số đối tượng cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ: soạn thảo hợp đồng, chứng từ, viết hóa đơn giấy, làm hóa đơn điện tử, báo cáo thuế, giao nhận với khách, giao dịch rút, chuyển tiền Ngân hàng… để hợp thức hoạt động mua bán trái phép hóa đơn. Số đối tượng này được trả lương từ 7.000.000 đồng – 8.000.000 đồng/tháng/ người.

Quá trình hoạt động mua bán trái phép hóa đơn, đối tượng cầm đầu thông qua số đối tượng môi giới để kết nối với các đơn vị có nhu cầu mua hóa đơn GTGT hợp thức hàng hóa đầu vào không có nguồn gốc hoặc hồ sơ vay vốn Ngân hàng... 

Các đối tượng môi giới mua hóa đơn với giá từ 2% đến 4% tổng giá trị tiền hàng trước thuế ghi trên hóa đơn, sau đó bán lại cho khách với giá 8%-8,5% tổng giá trị tiền hàng trước thuế ghi trên hóa đơn. Việc thanh toán bằng hình thức trả tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản cá nhân của các đối tượng.

Ngày 18/11, Cơ quan điều tra Công an TP.Hà Nội tiến hành đấu tranh đối với 14 đối tượng trên và khám xét nơi ở, nơi làm việc.

Kết quả thu giữ hơn 20 dấu tròn pháp nhân của các Công ty "ma" (Công ty được thành lập nhưng không tổ chức hoạt động kinh doanh) và nhiều quyển hóa đơn GTGT, các chứng từ liên quan cùng các đồ vật liên quan đến việc thực hiện hành vi phạm tội của các đối tượng như: máy vi tính, điện thoại di động, Token Key… và hàng trăm triệu đồng tiền phạm pháp.

Sơ bộ thống kê giá trị hàng hóa trước thuế ghi trên các hóa đơn mà các đối tượng bán ra cho khách hàng lên đến 1.000 tỷ đồng, các đối tượng hưởng lợi hàng chục tỷ đồng.

Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được, cuối tháng 11/2021, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP.Hà Nội ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định khởi tố bị can đối với 14 đối tượng về tội Mua bán trái phép hóa đơn, quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự; Tạm giam đối với 13/14 đối tượng (1 đối tượng nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi).

Sắp xét xử cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang

Như Dân Việt đã thông tin: Ông Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM) bị truy tố tội "Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", theo Điều 219 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 10 đến 20 năm tù. Dự kiến, phiên tòa xét xử sơ thẩm diễn ra từ ngày 27/12 đến ngày 10/1/2022 tại TAND TP.HCM.

Sắp xét xử cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM - Ảnh 1.

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang vào ngày 16/12/2020. (Ảnh: CACC)

Chủ tọa phiên tòa là Phó chánh Tòa hình sự TAND TP.HCM Nguyễn Thị Hà. Đại diện Viện KSND TP.HCM tham gia phiên tòa là ông Ngô Phạm Việt, ông Võ Đức Trí và bà Trần Thị Liên. Bị hại trong vụ án là Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco). UBND TP.HCM, Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) sẽ tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP.HCM ban hành ngày 10/9/2021, đã truy tố ông Tất Thành Cang về tội "Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", theo Điều 219 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 10 đến 20 năm tù.

11 bị cáo khác cũng bị truy tố cùng tội danh trên. Riêng ông Tề Trí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Sadeco, Tổng giám đốc IPC) và 6 bị can khác với vai trò đồng phạm bị truy tố thêm tội Tham ô tài sản theo Điều 353 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Văn Minh (nguyên Trưởng ban Kiểm soát Công ty Sadeco) bị truy tố về tội "Tham ô tài sản". Theo nội dung vụ án, Sadeco là công ty con của Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), với tỉ lệ góp vốn của IPC là 74,8%. Ngày 26.3.2015, IPC bán đấu giá vốn góp tại Sadeco.

Công ty Eximland là nhà đầu tư mua trúng đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần (chiếm 30,8% vốn điều lệ của Sadeco), với giá 26.100 đồng/cổ phần. Tháng 9.2016, Công ty Nguyễn Kim mua lại toàn bộ cổ phần của Eximland tại Sadeco với giá 55.000 đồng/cổ phần.

Vốn điều lệ của Sadeco tại thời điểm tháng 10/2016 là 170 tỷ đồng (tương ứng với 17 triệu cổ phần), trong đó vốn của IPC chiếm 44%, vốn của Thành ủy chiếm 16,7%, nhóm Nguyễn Kim chiếm 30,8% và các cổ đông khác chiếm 8,5%.

Theo quy định, khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của IPC, vốn Văn phòng Thành ủy tại Sadeco thì phải đấu giá. Tuy nhiên, các bị can có liên quan trên đã đồng ý bán 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định giá và đấu giá, gây thất thoát cho Sadeco hơn 1.100 tỷ đồng. Trong đó, UBND TP.HCM thiệt hại 485 tỷ đồng, vốn Thành ủy TP.HCM là 184 tỷ đồng, phần còn lại là thiệt hại của các cổ đông.

Diễn biến mới về đường dây đánh bạc "khủng" hơn 1.000 tỷ đồng ở Sóc Trăng

Như Dân Việt đã thông tin: Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đang tạm giữ hình sự 20 đối tượng có hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc và số tiền trên 1,3 tỷ đồng, 26.400 USD, 50 điện thoại, nhiều máy tính bàn, laptop là tang vật liên quan.

Diễn biến mới về đường dây đánh bạc "khủng" hơn 1.000 tỷ đồng ở Sóc Trăng - Ảnh 1.

Công an tỉnh Sóc Trăng khám xét tại một địa điểm liên quan đường dây đánh bạc này ở phường 3, TP.Sóc Trăng. Nguồn: CAND

Sáng 30/11, Đại tá Lâm Thành Sol, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, đường dây đánh bạc này hoạt động khoảng nửa năm, trước khi xảy ra đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Khi dịch bùng phát mạnh, các nghi can ngưng hoạt động vì những công ty xổ số kiến thiết phía Nam tạm dừng mở thưởng.

Theo cơ quan công an, cuối tháng 10, các công ty xổ số kiến thiết mở thưởng trở lại cũng là lúc đường dây đánh bạc hoạt động tiếp. Dữ liệu được cơ quan điều tra khôi phục cho thấy các nghi can đã giao dịch hơn 1.000 tỷ đồng.

Chiều 26/11, Công an Sóc Trăng quyết định phá chuyên án "1021C". Hai mũi trinh sát cùng lúc ập vào nhà hai "mắt xích" chính trong đường dây là Nguyễn Quốc Thái (32 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) và Từ Phi Hải (34 tuổi, ở phường 3, TP.Sóc Trăng).

Lúc này, Thái đang ở tại địa chỉ tạm trú trong hẻm 145, đường Lê Hồng Phong, phường 3 và Hải trú tại số 757/32, quốc lộ 1, phường 2, TP.Sóc Trăng.

Tại 2 điểm khám xét, cảnh sát phát hiện Hải và Thái có hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc với hình thức sử dụng phương tiện kỹ thuật có kết nối Internet để tiếp nhận thông tin đặt cược số lô, số đề (dựa trên kết quả xổ số kiến thiết các đài trên toàn quốc) từ các đối tượng khác, sau đó tổng hợp để chuyển đến nhà cái cấp trên tại TP.Cần Thơ, TP.HCM hoặc giữ lại một phần (tự làm thầu).

Từ lời khai của Hải và Thái, trong đêm 26 đến rạng sáng 27/11, cảnh sát khám xét hơn 10 địa điểm và bắt thêm 18 nghi can. Trong đó, người chủ mưu và cầm đầu tại Sóc Trăng được công an xác định là Nguyễn Thanh Nhàn (41 tuổi, ngụ đường số 8, khu đô thị 5A).

Các chân rết tại Sóc Trăng được cơ quan điều tra xác định là gom phơi đề của những người đánh bạc nhỏ lẻ để chuyển cho đại lý cấp trên. Nhàn và các nghi can tổng hợp để chuyển đến nhà cái tại Cần Thơ, TP.HCM hoặc giữ lại một phần để tự làm thầu.

Công an Sóc Trăng đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem