Tìm lại “vị ngọt” của hồ tiêu: Bài 2: Vì đâu nên nỗi “chết chìm”?

Anh Thơ Thứ sáu, ngày 10/01/2020 09:00 AM (GMT+7)
Giá tiêu đang ở đáy của hình sin và dự báo phải vài ba năm nữa mới có sự cải thiện. Nhưng người dân thì không chờ đợi nữa, họ lại vội vàng chặt bỏ tiêu chuyển sang trồng mít Thái, sầu riêng, bơ, chanh dây… mà không hề nghĩ đến việc rất có thể lại xảy ra những cuộc khủng hoảng thừa trong tương lai.
Bình luận 0

Cái giá của sự “phát triển ồ ạt”

Chư Sê là vùng trồng tiêu trọng điểm của huyện Gia Lai. Tiêu Chư Sê cũng đã được cấp chỉ dẫn địa lý, là một cái tên được bảo hộ. Những thăng trầm của cây hồ tiêu sau mấy chục năm gắn bó với vùng đất này cũng nhiều, giá cả nhiều phen lên xuống nhưng chắc chắn nó không khủng khiếp như đợt “bão giá” và dịch bệnh vừa qua, đủ khiến cả những nông dân giàu kinh nghiệm trồng tiêu nhất ở Chư Sê cũng không thể thoát khỏi vòng xoáy.

img

Những rẫy tiêu xơ xác hai bên đường ở Gia Lai. Ảnh: A.T

Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết, cây tiêu gắn bó với mảnh đất Chư Sê đã nhiều năm nay, đây cũng là một trong những vùng thâm canh hồ tiêu lớn ở Việt Nam, cũng là nơi đầu tiên sở hữu nhãn hiệu tập thể của cây tiêu. So với nhiều vùng trồng tiêu trên cả nước, tiêu Chư Sê cho năng suất, chất lượng cao nhất do hợp chất đất, khí hậu và kỹ thuật canh tác của nông dân.

img

Theo ông Bính, sau những mùa trái ngọt, bắt đầu từ năm 2015 đã xuất hiện những dấu hiệu bất ổn, đe dọa đến sự phát triển bền vững của cây tiêu trên mảnh đất này. Năm 2015, chưa bao giờ Tây Nguyên rơi vào tình trạng hạn hán khắc nghiệt như thế, thời điểm đó, trồng tiêu trên trụ cây sống còn có cơ may, nếu trồng trên trụ bêtông thì tiêu chết gần hết. Kế đến mùa mưa năm 2018, do mưa quá nhiều, nước ứ đọng ở gốc tiêu, tạo môi trường cho sâu bệnh phát triển khiến bệnh chết nhanh chết chậm lây lan nhanh, không có gì cứu vãn được.

“Sau đó là “bão giá”, nông dân Chư Sê, Chư Pưh giàu lên vì tiêu thì giờ mạt vận cũng vì tiêu” - ông Bính nói.

Theo ông Bính, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê có 1.682 hội viên, trong đó có 36 hội viên là các tổ chức và doanh nghiệp, còn lại là các nông hộ nhưng cho đến thời điểm này Hiệp hội cũng không thể thống kê hết được số lượng hội viên đã phá sản, vỡ nợ vì tiêu và phải bỏ xứ ra đi.

Ông Bính cho rằng, một nghịch lý là hồ tiêu Việt Nam chiếm 60% sản lượng xuất nhập khẩu của thế giới, chúng ta đã vươn lên là nước xuất khẩu số 1 về hồ tiêu nhưng lại không thể chi phối được thị trường.

“Giá hồ tiêu như những con sóng biển, có lúc cao thì cũng có lúc phải chạm đáy. Đây chính là lý do khiến diện tích tiêu của Ấn Độ hầu như không tăng dù họ đã có lịch sử trồng tiêu cả trăm năm. Nhưng chúng ta thì khác, việc đổ xô trồng quá nhiều, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã để lại những hệ lụy hôm nay” - ông Bính nêu một thực tế.

Lơ lửng nợ xấu

Với những người như anh Võ Hoài Nhơn ở thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa (Chư Pưh, Gia Lai), những tin nhắn, cuộc điện thoại của cán bộ ngân hàng nhắc về khoản nợ sẽ luôn là nỗi ám ảnh. Bởi, nhiều nông dân trồng tiêu đang trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Họ vừa ôm một khoản nợ lớn nhưng để có thêm vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi với hy vọng có tiền trả nợ thì không còn cơ hội tiếp cận với ngân hàng.

img

Những tấm biển rao bán đất được treo dọc đường vào thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa. Ảnh: P.V

Hồi giữa năm 2019, thông tin được cung cấp trong một cuộc hội thảo hẳn đã khiến nhiều người giật mình. Theo thống kê của UBND tỉnh Gia Lai thời điểm đó, trên địa bàn tỉnh có hơn 5.547ha hồ tiêu bị chết vì bệnh dịch với 32.278 hộ bị thiệt hại; tổng dư nợ mà người dân toàn tỉnh vay trồng tiêu là trên 4.300 tỷ đồng với hơn 26.000 hộ vay, trong đó có khoảng 2.600 tỷ đồng là nợ quá hạn, riêng nợ xấu là hơn 450 tỷ đồng.

Gia Lai cũng là tỉnh có diện tích hồ tiêu bị chết do dịch bệnh lớn nhất Tây Nguyên. Trong khi con số này ở Đăk Lăk là 2.210/38.616ha; tại Đăk Nông, diện tích tiêu bị chết là 1.827/34.113ha.

Theo ông Vũ Ngọc An - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai, một trong những nguyên nhân khiến bệnh chết nhanh, chết chậm lan nhanh ra nhiều diện tích hồ tiêu là do thời kỳ hoàng kim, người dân lạm dụng quá nhiều phân bón để đẩy năng suất tiêu lên quá cao đã sinh ra nấm bệnh, gây chết hàng loạt.

“Đối với những trường hợp vay ngân hàng trồng tiêu sau đó bị chết và đổ nợ, chúng tôi đề nghị phía ngân hàng khoanh nợ; chuyển đổi diện tích tiêu chết sang trồng cây ăn quả, đồng thời vận động bà con thực hiện các mô hình canh tác tiêu hữu cơ bền vững để đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị hạt tiêu” - ông An nói.

Ông Hoàng Phước Bính cũng cho biết, Hiệp hội cũng khuyến cáo bà con nên ngưng trồng tiêu, chuyển đổi mô hình sản xuất sao cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. “Ba năm tới hãy tính đến chuyện trồng mới vì khi đó giá tiêu mới cải thiện” - ông Bính dự báo.

Ông Bính mong muốn Nhà nước có những giải pháp hỗ trợ cho người dân vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay; cần nghiên cứu đến việc đa dạng hóa cây trồng để người dân có nhiều chọn lựa, yên tâm sản xuất.

Thời điểm này, trên nhiều rẫy tiêu, nông dân đã bắt đầu trồng cà phê, sắn, các loại cây ăn quả. Chỉ tính riêng diện tích cây ăn quả trên đất trồng tiêu chuyển đổi đã khoảng 5.000ha.

Với nhu cầu của thế giới và điều kiện của Việt Nam, nên duy trì diện tích trồng hồ tiêu khoảng 100.000 - 120.000ha, diện tích cho sản phẩm 95.000ha, năng suất bình quân 25 - 27 tạ/ha, sản lượng khoảng 237.000 - 256.000 tấn. Đến năm 2025, diện tích trồng hồ tiêu 110.000ha, diện tích cho sản phẩm 94.000ha, năng suất bình quân 26 tạ/ha, sản lượng khoảng 244.000 tấn. 

Đây cũng là điều khiến những nông dân như ông Võ Văn Ký ở thôn Phú An, xã Ia Hrú (Chư Pưh, Gia Lai) lo lắng. Bản thân gia đình ông, sau khi vỡ nợ, phá sản vì tiêu, may mắn còn giữ được đất đai, ông bèn chuyển sang trồng mít Thái. Nhưng sau mít Thái rồi bơ, sầu riêng liên tục lên giá, ông nhận thấy, diện tích những cây trồng này cứ lan dần ra những vườn tiêu ở địa phương.

“Nếu không có sự can thiệp kịp thời với những loại cây ăn quả này, tôi lo chỉ vài năm nữa lại có một cuộc khủng hoảng về giá như đã từng xảy ra với tiêu” - ông Ký lo lắng nói.

Trong khi đó, cây chanh dây cũng đang vươn nhanh trên mảnh đất này, Gia Lai quy hoạch diện tích trồng chanh dây khoảng 3.000ha nhưng hiện đã đạt 2.100ha và dự kiến sẽ còn tăng vì hiện tại thị trường đang rất tốt.

“Chúng tôi đã cảnh báo, khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích nhưng trước sức hấp dẫn của giá cả người ta vẫn bất chấp, phá bỏ tiêu, cà phê để trồng cây ăn quả” - ông An nêu một thực tế.

Bài học với cây hồ tiêu dường như vẫn còn quá mới và hệ lụy đến nay vẫn chưa giải quyết hết được nhưng dường như nông dân lại tiếp tục lao vào một vòng xoáy mới mà nếu không tỉnh táo rất có thể sẽ dẫm vào “vết xe đổ” của loại cây một thời được mệnh danh là “vàng đen”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem