Tiếp tục đề xuất kỳ nghỉ đông cho học sinh ở Việt Nam vì trời rét: Nhiều ý kiến trái chiều

Tào Nga Thứ tư, ngày 24/01/2024 06:23 AM (GMT+7)
Nhiều phụ huynh và giáo viên đồng tình trước đề xuất kỳ nghỉ đông cho học sinh ở Việt Nam vì trời rét. Theo đó, học sinh sẽ được nghỉ hè vào tháng 6-7 và nghỉ đông vào tháng 1.
Bình luận 0

Đề xuất kỳ nghỉ đông cho học sinh ở Việt Nam vì trời rét

Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang chìm trong đợt rét kỷ lục từ đầu mùa đông đến nay. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 7-10 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ từ 3-6 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ. Ngày 23/1, nhiều trường học ở các tỉnh thành đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo sức khỏe. Dịp này, nhiều phụ huynh lại tiếp tục nêu ý kiến đề xuất kỳ nghỉ đông cho học sinh ở Việt Nam vì trời rét trước đó. 

Chị Nguyễn Nhật Hà, phụ huynh có 2 con học lớp 2 và 7 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội nêu ý kiến: "Nghỉ đông tôi nghĩ rất cần thiết bởi đây là thời gian sát Tết, học sinh có thêm thời gian tham gia các hoạt động ngoại khoá như các hoạt động thể dục thể thao, vẽ tranh thư pháp, làm hoa giấy, hoa vải... hoặc dành nhiều thời gian hơn cho ông bà, khi ông bà ở quê xa. Tôi thấy, giờ đây các gia đình hạt nhân thường chỉ có bố mẹ và các con. Các con ít khi có sự thân thiết, gần gũi với ông bà như các gia đình truyền thống tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường trước kia. Đó là một sự thiệt thòi không nhỏ của thế hệ trẻ bây giờ. Gần gũi ông bà các con học được nhiều điều từ nếp sống, cho tới lễ nghĩa, những người có nhiều kinh nghiệm, nhiều vốn sống. 

Tiếp tục đề xuất kỳ nghỉ đông cho học sinh ở Việt Nam vì trời rét: Nhiều ý kiến trái chiều- Ảnh 1.

Nhiều tranh cãi xung quanh đề xuất kỳ nghỉ đông cho học sinh ở Việt Nam vì trời rét. Ảnh minh họa: Tào Nga

Nghỉ đông, đồng nghĩa với nghỉ hè được rút đi, bởi 3 tháng hè có lẽ sẽ là nhiều với những gia đình hiện đại khi không có ai trông con mà để con ở nhà một mình tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn. Vì thế, tôi khuyến khích việc cho học sinh kỳ nghỉ đông để thời gian nghỉ Tết của các con được kéo dài thêm và nghỉ hè rút bớt lại. Những ưu điểm sẽ nhiều hơn nhược điểm, là phụ huynh, tôi tin như vậy".

Tuy nhiên, cũng có phụ huynh không đồng tình trước đề xuất kỳ nghỉ đông cho học sinh ở Việt Nam vì trời rét. Anh Trần Quang Hiếu, phụ huynh ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng: "Tôi thấy Việt Nam không cần thiết nghỉ đông vì nước ta không lạnh lắm. Vài năm gần đây cũng hiếm hoi mới có đợt lạnh. Nếu nghỉ các con ở nhà cũng không có hoạt động gì và không có người trông coi. Chỉ cần nghỉ khi trời quá lạnh như hiện nay là được. 

Có thể điều chỉnh nhiệt độ từ 8 độ C với học sinh cấp 2. Vì nhiều bạn đi học xa ảnh hưởng sức khỏe hoặc nếu lạnh và mưa dưới 10 độ C có thể nghỉ toàn bộ 3 cấp. Nghĩa là lạnh nhưng kèm mưa thì nên nghỉ ngày đó, dù chỉ dưới 10 độ".

Giáo viên nói gì trước đề xuất kỳ nghỉ đông cho học sinh ở Việt Nam vì trời rét?

Liên quan đến đề xuất kỳ nghỉ đông cho học sinh ở Việt Nam vì trời rét, trao đổi với PV báo Dân Việt, một số giáo viên nêu ý kiến. Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Trường THPT Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM bày tỏ: "Tôi rất đồng ý với quan điểm này. Do đặc thù khí hậu vùng miền nên việc ngành Giáo dục nên nghiên cứu cho học sinh nghỉ đông là rất cần thiết. Về hành lang pháp lí, một năm học có 37 tuần và 2 tuần dự trữ. Cùng với đó học sinh có thời gian nghỉ hè dài nên việc nghỉ đông không ảnh hưởng đến khung thời gian năm học của địa phương. Hơn nữa, cho học sinh nghỉ đông là quy định nhân văn, vì các em vùng cao đi lại còn khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc. Nhất là bậc tiểu học, sức đề kháng yếu dễ nhiễm bệnh về đường hô hấp và các bệnh khác do thời tiết gây ra.

Riêng học sinh bậc THPT, việc cho nghỉ đông có thể ảnh hưởng đến thời gian thi tốt nghiệp THPT nên Bộ GDĐT cần có phương án tổ chức phù hợp".

Cô Vân Anh, giáo viên mầm non ở Hà Nội cho hay: "Tôi đồng ý với đề xuất này vì nghỉ hè 3 tháng là quá dài trong khi nước ta luôn có những đợt rét sâu vào tầm tháng 1. Chúng ta có thể tách ra 2 kỳ nghỉ là tháng 6-7 và tháng 1 thời điểm lạnh nhất để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Quy định nào cũng sẽ có nhiều ý kiến trái chiều nhưng rồi vẫn sẽ thực hiện được dù phụ huynh thì có thể lựa chọn cho con đi học hoặc không còn con giáo viên thì không bao giờ được lựa chọn".

Theo cô Vân Anh: "Kỳ nghỉ này thực hiện ở tất cả các cấp. Trên thế giới cũng như nhiều trường đại học ở Việt Nam đã áp dụng giao cho học sinh những hoạt động khác như tự nghiên cứu, tìm hiểu, viết luận, đề tài... để các con vẫn có hoạt động bổ ích và không quên kiến thức ở nhà. Đấy cũng là cách giúp các con biết tự học, tự tìm hiểu chứ không học thụ động như hiện nay".

Thạc sĩ Giáo dục Ngô Thanh Huyền, từng tốt nghiệp tại Trường Đại học Sư phạm Bansomdej Chaopraya, Bangkok, Thái Lan, nêu quan điểm: "Việc nghỉ đông sẽ gây ý kiến trái chiều bởi bố mẹ phải đi làm, không ai trông con. Nếu có chế độ cho bố mẹ được linh động đi làm khi trời rét để trông con mà vẫn được hưởng nguyên lương thì sẽ không có ai phản đối. Thực tế đợt rét này dù dưới 10 độ, các trường thông báo nghỉ nhưng còn rất nhiều trường nhận học sinh, tạo điều kiện cho bố mẹ đi làm cũng như bảo đảm an toàn cho học sinh thay vì ở nhà một mình không ai quản lý".

Theo Thạc sĩ Huyền: "Ở nhiều nước và Thái Lan cũng cho học sinh nghỉ 1 năm 2 lần. Một lần 1 tháng và 1 lần hơn 1 tháng chứ không nghỉ liền dài ngày 3 tháng như chúng ta. Tôi nghĩ đây là đề xuất phù hợp".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem