Tiếp cận được nguồn vốn, nhiều hộ nông dân Khánh Hòa đổi đời

24/11/2020 08:25 GMT+7
Trong những năm qua, từ nguồn vốn của Agribank chi nhánh huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đã giúp cho nhiều hộ dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đây, hàng ngàn nông dân đổi đời và vươn lên làm giàu chính đáng.

Với vai trò chủ lực phát triển nông nghiệp nông thôn, giúp nông dân vượt qua khó khăn, giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng. Nhiều năm qua, những chính sách tín dụng của Agribank chi nhánh huyện Cam Lâm đã tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận nguồn vốn, phát trển sản xuất và mở rộng quy mô trang trại.

Cùng với cán bộ Agribank chi nhánh huyện Cam Lâm, chúng tôi đến thăm trang trại nuôi lợn của hộ chị Nguyễn Thị Hồng Phương, xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), toàn bộ diện tích chuồng trại phân chia thành phân khu rộng rãi, được xử lý vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát.

Khánh Hòa: Nguồn vốn Agribank giúp nông dân đổi đời  - Ảnh 1.

Nhờ vào nguồn vốn kịp thời của Agribank chi nhánh huyện Cam Lâm đã giúp cho người dân phát triển được mô hình trồng gấc và nuôi bò

Chị Nguyễn Thị Hồng Phương tâm sự, lúc khởi nghiệp năm 1992 gia đình chỉ nuôi 2 con lợn nái sinh sản. Do làm ăn không dư dả nên vợ chồng chị bàn bạc rồi quyết định mở trang trại nuôi lợn thịt và đầu tư mua máy ép mía. Trong quá trình làm ăn, ngoài phần vốn của gia đình, phần vốn còn lại là vay của Agribank chi nhánh huyện Cam Lâm.

Với việc đầu tư bài bản và chịu khó làm ăn nên quy mô trang trại lợn của chị Phương ngày một tăng lên. Đến nay, gia đình chị đã xây dựng được 2 khu trang trại nuôi lợn, với tổng số trên 1.200 con lợn thịt và lợn nái sinh sản. Sản phẩm thường xuyên cung cấp ra thị trường thu về lợi nhuận đáng kể. Trung bình mỗi năm chị Hồng xuất bán 3 đợt lợn thịt, bình quân mỗi đợt sau khi trừ chi phí lãi trên 1,5 tỷ đồng.

Khánh Hòa: Nguồn vốn Agribank giúp nông dân đổi đời  - Ảnh 2.

Trang trại nuôi lợn của hộ Nguyễn Thị Hồng Phương, xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm đang cho thu nhập tăng lên đáng kể

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, xã Cam An Bắc (Cam Lâm), một hộ nông dân nhờ vào nguồn vốn Agribank Cam Lâm đã nâng cấp từ chăn nuôi, trồng gấc nhỏ lẻ thành trang trại và vươn lên làm giàu.

Bà Loan chia sẻ: "Nhờ tiếp cận nguồn vốn vay phát trển nông nghiệp với nhiều ưu đãi của Agribank, từ vốn vay ban đầu số tiền 200 triệu đồng, tôi đã đầu tư vào vườn gấc với diện tích 1,5ha và sau đó đã tăng dần lên 2ha. Bên cạnh đó tôi tận dụng nguồn thức ăn nên thả nuôi 5 con bò sinh sản và giờ đã tăng lên 20 con. Nếu không có nguồn vốn của ngân hàng thì gia đình tôi không dám mở rộng đầu tư".

Theo bà Loan, với giá gấc bán ra tại vườn dao động từ 12.000 – 15.000 đồng/kg, mỗi quả nặng từ 2 -3 kg, mỗi tháng cho thu nhập trên 20 triệu đồng. Với mô hình trồng gấc và nuôi bò, trung bình mỗi năm gia đình bà Loan cho thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng.

Theo lãnh đạo Agribank huyện Cam Lâm, trong thời gian tới chi nhánh sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện tốt chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhất là các gói cho vay theo chương trình ưu tiên của Chính phủ, chương trình ưu đãi lãi suất cho vay của Agribank, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương.

Khánh Hòa: Nguồn vốn Agribank giúp nông dân đổi đời  - Ảnh 3.

Cán bộ ngân hàng chi nhánh Agribank huyện Cam Lâm thăm mô hình trồng gấc của người dân.

Đồng thời, ngân hàng sẽ chú trọng công tác phát triển các sản phẩm dịch vụ tiện ích trên địa bàn nông thôn, hướng dẫn dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử kết hợp triển khai POS (đơn vị chấp nhận thẻ). Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thanh toán vật tư, hàng hóa, dịch vụ... nhanh chóng, an toàn, tiện lợi.

Đại diện lãnh đạo Agribank huyện Cam Lâm cho biết, trong thời gian qua hoạt động kinh doanh ngân hàng cũng gặp không ít những khó khăn do tình hình thiên tai, dịch bệnh, giá cả nông sản không ổn định. Tuy nhiên, ngân hàng đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và tổ chức Hội các cấp để triển khai nhiều giải pháp đã và đang mang lại hiệu quả. Dư nợ đến nay đạt 590 tỷ đồng, tỷ lệ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt trên 97% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay qua tổ vay vốn Hội Nông dân, Phụ Nữ đạt 181,6 tỷ đồng/2270 hộ gia đình, cá nhân vay vốn.

Công Tâm
Cùng chuyên mục