Tiền Giang: 40 con 'thủy quái", mỗi con nặng 40-50 ký nuôi ở đây "ăn chay", ăn từ tốn kiểu "yểu điệu thục nữ"

Thứ năm, ngày 18/02/2021 09:52 AM (GMT+7)
Nhưng ít ai biết rằng trên thực tế, cá hô là loài thủy sản “ăn chay”...
Bình luận 0

Có lẽ choáng ngợp trước hình dáng khổng lồ và đặc tính sống ở vị trí đáy sâu của sông lớn nên nhiều người đã “sắc phong” cho cá hô nhiều danh hiệu mang màu sắc hung hãn như thủy quái, kình ngư...

Tiền Giang: 40 con 'thủy quái", mỗi con nặng 40-50 ký nuôi ở đây "ăn chay", ăn từ tốn kiểu "yểu điệu thục nữ" - Ảnh 1.

Cá hô đang nuôi tại Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ, xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: LT

Nhưng ít ai biết rằng trên thực tế, cá hô là loài thủy sản “ăn chay”...

Lâu nay, khi nói về cá hô, nhiều người hay dùng kèm những cụm từ: Thủy quái, kình ngư... vì tin rằng loài cá có thân hình khổng lồ, sống ở vị trí đáy sâu của sông lớn có tính cách hung hãn như quái vật của dòng sông với nhiều hoạt động săn đuổi các loài cá, tôm nhỏ để “ăn tươi, nuốt sống”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thủy sản, mặc dù có hình dáng khổng lồ, nhưng thực tế cho thấy trong tự nhiên cá hô chỉ thích “ăn chay”.

Thạc sĩ Đặng Công Trường - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Quốc gia giống Thủy sản nước ngọt Nam Bộ (xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) - người có gần 20 năm gắn bó, nghiên cứu cá hô, cho biết: Cá hô không hề dữ dằn như một số lời đồn.

Tiền Giang: 40 con 'thủy quái", mỗi con nặng 40-50 ký nuôi ở đây "ăn chay", ăn từ tốn kiểu "yểu điệu thục nữ" - Ảnh 2.

Thạc sĩ Đặng Công Trường. Ảnh: LT

Theo thạc sĩ Trường, trái với sự khổng lồ của thân mình, cá hô ăn rất nhẹ nhàng. Chúng chỉ lặng lẽ dùng miệng hớp thức ăn vào bụng một cách trật tự, nhẹ nhàng, không hề có sự tranh giành, tạo ra âm thanh ồn ào như cá tra, cá lóc...

Qua gần 20 năm nghiên cứu, thuần dưỡng cá hô, chúng tôi nhận thấy trong tự nhiên cá hô chỉ thuần ăn thực vật, các loại trái cây như mận, chuối... Không chỉ thích ăn chay, cá hô còn ăn rất từ tốn và yểu điệu như thục nữ...

“Cá hô chỉ ăn động vật trong tình trạng bị động” - ông Trường nhấn mạnh. Quá trình nghiên cứu cho thấy, cá hô chỉ ăn các loài thủy sản thông qua quá trình “lọc” nước, chứ không hề chủ động tấn công con mồi là loài thủy sản.

Cụ thể, các loại cá tôm có kích thước nhỏ có thể bị hút vào miệng, vào mang khi cá hô “lọc” nước qua mang, hay thông qua quá trình hớp mồi (tức hành động dùng miệng để đưa thức ăn có sẵn trong nước). Hoặc chỉ ăn đạm động vật sau khi được chế biến dạng thức ăn viên.

Ngay cả khi ăn động vật, cá hô cũng rất từ tốn. Khác với hình dáng “hầm hố”, miệng của cá hô rất “hiền” và không hề có răng. Vì thế cá hô không hề chủ động tấn công rồi cắn xé con mồi, mà chỉ dùng miệng để “hút” thức ăn vào bụng. 

Tiền Giang: 40 con 'thủy quái", mỗi con nặng 40-50 ký nuôi ở đây "ăn chay", ăn từ tốn kiểu "yểu điệu thục nữ" - Ảnh 4.

Cá hô trong ao đang ăn thức ăn công nghiệp chung với cá rô phi. Ảnh: LT

Để chứng minh cho chuyện cá hô không chủ động ăn các loại thủy sản trong môi trường tự nhiên, thạc sĩ Trường đưa chúng tôi ra tham quan ao của Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ (xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đang nuôi dưỡng 40 cá hô bố mẹ, có trọng lượng 40-50kg/con.

Theo chỉ dẫn của ông Trường, hiện dưới ao có rất nhiều cá rô phi đủ các kích cỡ. “Đây là cá được sinh ra từ số rất ít con giống bị sót lại sau quá trình vệ sinh ao. Nhưng do cá hô không chủ động ăn thịt nên từ vài con ban đầu, giờ đã hình thành nhiều bầy đàn” - ông Trường cho biết thêm.


Lục Tùng (Báo Lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem