Thủy điện tích nước vô lối ở tỉnh Kon Tum: "Tuýt mấy hồi còi" rồi mà vẫn ngang nhiên tích nước, không ngán ai

Lê Kiến Chủ nhật, ngày 25/10/2020 06:31 AM (GMT+7)
Sự việc nhà máy thủy điện Plei Kần tự ý tích nước gây hoang mang và thiệt hại nặng nề cho hàng chục hộ nông dân tại tỉnh Kon Tum bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng ngay để khắc phục. Thế nhưng, đơn vị này vẫn làm ngơ, tiếp tục cho tích nước trở lại.
Bình luận 0

Chiều 24/10, trao đổi với Dân Việt, ông Lâm Thế Hiển – Chủ tịch UBND xã Đắk Rơ Nga (huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) cho biết, ngày hôm qua 23/10, sau khi dân phản ánh và báo chí đã đăng bài về thủy điện Plei Kần tích nước gây thiệt hại cho dân, đơn vị này vẫn cho tích nước trở lại sau khi cho xả rút nước. UBND xã đã cho cán bộ đi kiểm tra và lập biên bản, báo cáo gửi lên UBND huyện. Trước mắt, huyện chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, giám sát tình hình tại địa phương.

Thủy điện tích nước vô lối ở Kon Tum: Nhà máy vẫn tích nước, không ngán ai - Ảnh 1.

Thủy Điện Plei Kần vẫn phớt lờ quy định để tích nước vận hành nhà máy.

"Qua thông tin phản ánh của dân, ngày 23/10 xã đã cử cán bộ đi kiểm tra 2 lần vào lúc 11 giờ 30 và 4 giờ chiều. Ghi nhận nhà máy thủy điện vẫn tích nước, khiến mực nước dâng cao. Đến sáng nay thì mực nước mới giảm xuống. Mặc dù các cơ quan có yêu cầu, báo chí đã phản ánh nhưng nhà máy thủy điện không ngán gì ai, vẫn cố tình tích nước", ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, mực nước mà nhà máy thủy điện Plei Kần tích nước hôm 23/10 cao từ 1,5 đến 2 mét, ngập con đường dân sinh vào khu sản xuất của dân. Xã đã lập biên bản để làm cơ sở, báo cáo cấp trên. Mặc dù chưa được cơ quan chức năng cho phép tích nước vận hành nhà máy thủy điện nhưng đơn vị này vẫn phớt lờ mọi quy định, bất chấp nguy hại cho dân mà tiếp tục tích nước.

Thủy điện tích nước vô lối ở Kon Tum: Nhà máy vẫn tích nước, không ngán ai - Ảnh 2.

Người dân rất lo lắng vì khu sản xuất 350 ha bị cô lập, dân không thể vào thu hái và chăm bón cây trồng.

Ông Trần Hùng Tuấn (thôn Đắk Dế, xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô) cho biết: "Hôm 22/10, nhà máy thủy điện Plei Kần cho xả nước, mực nước đã rút xuống nhưng đến hôm sau (23/10) nhà máy tiếp tục tích nước trở lại, nước ngập vào sân của tôi. Ngay sau đó chúng tôi đã báo cáo với cơ quan chức năng".

Một thủy điện khác tự ý tích nước bị xử phạt: Đó là Thủy điện Đăk Lô 2 (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) có công suất lắp máy 6MW, tổng vốn đầu tư 108 tỷ đồng do Công ty TNHH GKC làm chủ đầu tư. Trước đó, ngày 22/4, UBND tỉnh Kon Tum kiểm tra hiện trường Nhà máy thủy điện Đắk Lô 2 đã phát hiện đơn vị này đã tích nước hồ chứa, đưa vào vận hành thương mại khi chưa có ý kiến của cấp có thẩm quyền. Tiếp đó, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với UBND huyện Kon Plông và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất xử lý đối với việc tích nước hồ chứa Thủy điện Đăk Lô 2.

Tháng 6/2020, UBND huyện Kon Plông ra quyết định xử phạt Công ty TNHH GKC 15 triệu đồng.

Ông Tuấn cho biết thêm, liên quan đến việc nhà máy thủy điện Plei Kần của Công ty Cổ phần Tấn phát tự ý tích nước, đại diện người dân ở đây cũng đã có dịp trình bày với lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum trong buổi tiếp công dân. Lãnh đạo tỉnh đã hứa sẽ có kết quả giải quyết việc đền bù, làm đường giúp dân ổn định cuộc sống vào tuần tới.

Như Dân Việt đã phản ánh, gần 1 tháng nay nhà máy thủy điện Plei Kần của Công ty Cổ phần Tấn Phát tự ý tích nước khiến nước ngập trên diện rộng. Đặc biệt, nhà máy tích nước ngay trong mùa mưa bão đã làm cho nước dâng cao khiến người dân trở tay không kịp, đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của dân.

Nghiêm trọng nhất là 350 ha đất sản xuất của dân tại thôn Kon Dế, xã Đắk Rơ Nga bị cô lập hoàn toàn… Trong khi cà phê, cao su đang vào mùa thu hoạch, nếu không xử lý kịp sẽ gây hư thối nông sản.

Ông Lê Như Nhất – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum khẳng định: "Nhà máy thủy điện Plei Kần chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép tích nước vận hành nhà máy".

Sở Công thương tỉnh Kon Tum đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước của Công ty Cổ phần Tấn Phát về hành vi tự ý tích nước.

Đồng thời Sở này đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở Xây dựng xem xét xử phạt đơn vị này liên quan đến việc đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem