Thủy điện nhỏ tiềm ẩn hiểm họa lớn: Dự án tràn lan, xả nước lấy tiền!

Hoàng Chiên Chủ nhật, ngày 15/11/2020 08:55 AM (GMT+7)
Sau khi đăng tải loạt bài phản ánh "Thủy điện nhỏ tiềm ẩn hiểm họa lớn", Báo Điện tử Dân Việt đã nhận được nhiều ý kiến của chuyên gia.
Bình luận 0

Trước đó, trao đổi với PV báo NTNN/Dân Việt bên hành lang Quốc hội Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng: "Không nên tiếp tục bằng mọi giá phát triển thủy điện nhỏ".

Còn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói: "Bộ Công Thương sẽ tăng cường quản lý hiệu quả thủy điện, giảm bớt tác động thiên tai. Tiếp tục siết chặt quản lý phát triển thủy điện, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường".

Thủy điện nhỏ tiềm ẩn hiểm họa lớn: Chuyên gia chỉ ra nhiều hệ lụy - Ảnh 1.

Thủy điện nhỏ thường không có hồ chứa nên không có khả năng cắt giảm lũ về hạ du khi mưa lớn

Trên thế giới không có thông tin thủy điện nhỏ cắt lũ

Chia sẻ với PV Báo NTNN/Dân Việt, PGS. TS Vũ Thanh Ca, Đại học Tài nguyên và Môi trường nhận xét: "Về phát triển thủy điện nói chung, Việt Nam chưa có tên trên bản đồ thế giới.

Một đất nước muốn phát triển bền vững phải giảm được thiên tai. Nhưng chưa nước nghèo nào giảm được. Các hồ lớn giảm lũ lụt. Các hồ nhỏ trên thế giới không có bất cứ thông tin nào cắt giảm lũ".

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca: "Hiện nay vẫn còn thủy điện nhỏ chưa có quy trình vận hành. Cần kiểm tra, giám sát, hiện đa phần do chủ các hồ chứa tự phê duyệt, rồi vận hành". PGS Vũ Thanh Ca cũng cho rằng việc tích và vận hành nếu không thực hiện đúng quy định sẽ có tác động lớn.

Thủy điện nhỏ tiềm ẩn hiểm họa lớn: Chuyên gia chỉ ra nhiều hệ lụy - Ảnh 2.

Hạ du thủy điện Sông Bạc (tỉnh Hà Giang) gần như cạn trơ đáy khi không phát điện

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho rằng: "Các công trình thủy điện nhỏ nhưng lại là vấn đề lớn trong quản lý an toàn về phòng chống thiên tai. Nhiều thủy điện nhỏ đã gây hậu quả đáng tiếc, làm thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng con người".

PGS.TS Vũ Thanh Ca cho biết thêm về những tác động của thủy điện nhỏ: "Dọn sạch lòng hồ trước khi tích nước sẽ không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra hồ chứa làm ngập các khu rừng, nắn dòng chảy dẫn đến hạn hán hạ du. 

Việc không xả nước đúng giấy phép khai thác nước mặt làm ảnh hưởng đến môi trường và đa dạng sinh học. Tích, xả nước ảnh hưởng địa chất gây sạt lở do ngấm nước xung quanh đó, một số hồ thủy điện ở trên Hà Giang có hiện tượng này".

Đưa ra giải pháp để các chủ đầu tư thủy điện nhỏ tuân thủ các quy định của pháp luật, cũng như giảm thiếu tác động đến môi trường PGS.TS Vũ Thanh Ca nói: "Để giảm thiểu các tác động của thủy điện nhỏ cần lập Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và thực hiện nghiêm túc để giảm thiếu tác động môi trường. Việc công bố ĐTM cực kỳ quan trọng".

Thủy điện nhỏ tiềm ẩn hiểm họa lớn: Chuyên gia chỉ ra nhiều hệ lụy - Ảnh 4.

Xây dựng thủy điện nhỏ tại huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn gây sạt lở đến rừng

Trong khi đó, ông Nguyễn Tài Sơn, người từng tham gia xây dựng khoảng 30 thủy điện lớn, nhỏ, trong đó có thủy điện lớn như Sơn La - cho rằng: "Theo tôi bất kỳ công trình nào không đạt được hiệu quả kinh tế ta loại. Tôi được biết vừa rồi nói thủy điện nhỏ bất kể hết bao nhiêu ha rừng đều loại không cấp. Tôi thấy hơi cực đoan nhưng có lẽ nên thế".

Thủy điện nhỏ tràn lan vì không có quy chuẩn về mật độ

Hiệu quả của thủy điện nhỏ được đánh giá có óng góp vào ngân sách địa phương, phát triển kinh tế xã hội… Nhưng nhiều chuyên gia cũng như người dân cho rằng mật độ thủy điện nhỏ hiện này quá nhiều. Đặc biệt là ở một số khu vực như sông Gâm, sông Lô, sông Nho Quế, sông Miện, sông Chảy…

Ông Đỗ Đức Quân- Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: "Theo quy định các dự án thủy điện nhỏ có công suất nằm trong phạm vi dưới 30 MW thì được xếp vào thủy điện nhỏ. Hiện nay trên cả nước có khoảng 800 dự án, trong đó khoảng 500 - 600 dự án đã và đang triển khai, còn lại đã đi vào vận hành.

Trong thời gian tới thực hiện theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng có đề cập đến phát triển thủy điện nhỏ. Bản thân Chính phủ cũng không có yêu cầu dừng thủy điện nhỏ. Chúng tôi chỉ dừng các dự án dưới 3MW, năm 2017 đã loại khỏi quy hoạch 468 dự án.

Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi từ trước đến nay là làm thế nào cho hợp lý, làm thế nào cho hài hòa được. Còn nói hoàn hảo thì không có vì còn có việc này việc khác".

PV Báo NTNN/Dân Việt đến hầu hết các nhà máy thủy điện như Nho Quế 1, Nho Quế 2, Nho Quế 3 trên sông Nho Quế; Bát Đại Sơn, Thái An, Thuận Hòa, Sông Miện 5, Sông Miện 5A, Sông Miện 6 xây dựng trên Sông Miện ở Hà Giang; Bảo Lâm 3, Bảo Lâm 3A, Bảo Lâm 1, Mông Ân, Bảo Lạc B trên sông Gâm thuộc tỉnh Cao Bằng.

Hay thủy điện Sông Chảy 1; 2; 3; 6, Vĩnh Hà, Phúc Long trên sông Chảy thuộc hai tỉnh Lào Cai và Hà Giang; Sông Lô 2; 4; 6; 8 ở Hà Giang và Tuyên Quang… Có thể nhận thấy thấy mật độ xây dựng thủy điện nhỏ quá nhiều, khiến dòng sông không còn đoạn chảy tự nhiên.

Ông Nguyễn Nhân Quảng, chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về thủy điện trong và ngoài nước cho hay: "Hiện không có quy chuẩn về mật độ thủy điện, chỗ nào điều kiện làm được thì làm. Nhưng trên cùng một con sông có thủy điện bậc thang thì vận hành từ liên hồ, chứ không phải mạnh ai nấy xả nước phát điện, như thế sẽ không hiệu quả".

Thủy điện nhỏ tiềm ẩn hiểm họa lớn: Chuyên gia chỉ ra nhiều hệ lụy - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Nhân Quảng (ngoài cùng bên trái) trong một chuyến công tác cùng PV báo NTNN/Dân Việt khảo sát và nghiên cứu về thủy điện tại Campuchia

Xả nước lấy tiền

PGS.TS Đào Trọng Tứ, Trung tâm Phát triển bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu – Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam - cho rằng: "Vào khoảng năm 2013 là thời gian thủy điện phát triển rất ồ ạt, ghê gớm. Hiện nay nếu tiếp tục làm sẽ tác động đến môi trường rất lớn".

"Thủy điện ở Việt Nam khai thác khoảng 85-90% rồi. Giờ người ta đang tập trung vào vấn đề khai thác các thủy điện nhỏ. Ở Lào Cai vừa rồi trình lên 2 dự án thủy điện trên dòng chính của sông Hồng. Đấy là chuyện rất vô lý và nguy hiểm" - ông Tứ khẳng định.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay ở Lào Cai chỉ Sông Hồng là chưa có thủy điện. Tuy nhiên ngày 14/11/2018 UBND tỉnh Lào Cai đã đồng ý chủ trương cho một công ty lập hồ sơ, đề xuất bổ sung dự án thủy điện Thái Niên và thủy điện Bảo Hà trên sông Hồng vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai tại văn bản số 5445/UBND-KT. 

Thủy điện nhỏ tiềm ẩn hiểm họa lớn: Chuyên gia chỉ ra nhiều hệ lụy - Ảnh 7.

Khi các nhà máy thủy điện đi vào vận hành và hòa lưới điện quốc gia thì chủ đầu tư chỉ cần "xả nước lấy tiền"

Được biết, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 99 công trình thủy điện vừa và nhỏ đã được phê duyệt trong qui hoạch với tổng công suất gần 1.300MW. Trong đó, có 51 dự án đã hoàn thành.

"Để làm thủy điện ở vùng cao phải vạt núi làm đường dọc ven núi. Và khi mưa lũ nguy cơ sạt, ở đâu cũng thế. Khi làm thủy điện phải chặn sông suối, có thể làm hồ hoặc không. Tuy nhiên, thủy điện nhỏ đóng góp cực kỳ nhỏ cho nền năng lượng của quốc gia" - Trưởng Ban mạng lưới sông ngòi Việt Nam nói.

PGS.TS Đào Trọng Tứ khẳng định: "Có những anh làm thủy điện coi tài nguyên đất nước này là cái để kiếm tiền, gọi là cứ xả nước lấy tiền!".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem