Chính phủ đề xuất những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do Covid-19?

PV Thứ năm, ngày 16/09/2021 15:58 PM (GMT+7)
Ngày 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Bình luận 0

Giảm thu ngân sách khoảng 21.300 tỉ đồng để hỗ trợ người dân, DN

Thừa Ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Theo đó, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội 4 giải pháp gồm:

Một là, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng và tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo đề xuất này là khoảng 2.200 tỉ đồng.

Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 - Ảnh 1.

, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, gói miễn, giảm thuế này có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21.300 tỷ đồng (Ảnh: PVQH)

Hai là, miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế. Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 8.800 tỉ đồng.

Ba là, giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1010-2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực, bao gồm: Vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí.

Cụ thể, doanh nghiệp, tổ chức có hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực này thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng; doanh nghiệp, tổ chức nào thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ phần trăm (%) trên doanh thu được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng. Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 5.000 tỉ đồng.

Bốn là, miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020, không áp dụng với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp. Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 5.300 tỉ đồng.

Như vậy, tính chung việc thực hiện 4 giải pháp như nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21.300 tỉ đồng.

Làm rõ đối tượng được thụ hưởng, tránh hỗ trợ tràn lan

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính làm rõ đối tượng được thụ hưởng, tránh tình trạng "không bị tác động của đại dịch vẫn được thụ hưởng từ chính sách".

"Trên thực tế có những vùng, lĩnh vực không bị tác động bởi đại dịch Covid-19, thậm chí được hưởng lợi, có điều kiện phát triển hơn như sản xuất khẩu trang, thiết bị vật tư y tế, ngành nghề thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến... Trong khi đó, nguyên tắc thuế là tiền khai, hậu kiểm; chúng ta chỉ hỗ trợ đúng, trúng những đối tượng bị tác động. Sau khi kê khai, cơ quan thuế sẽ cho các doanh nghiệp hưởng và sẽ hậu kiểm lại", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp (Ảnh: PVQH)

Biểu dương những chia sẻ, hỗ trợ của ngành Ngân hàng cho nền kinh tế đất nước trong thời gian vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát xem chính sách tín dụng lãi suất tiếp tục cho một số ngành, lĩnh vực bị tác động lớn nhưng chưa nằm trong danh sách ưu tiên như hàng không, vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường bộ, các công ty lữ hàng, khách sạn, dịch vụ… đang gặp rất khó khăn về dòng tiền.

"Xem xét hỗ trợ, tiếp tục giảm lãi suất cho một số lĩnh vực trên tinh thần "có chọn lọc, có mục tiêu, không đưa ra tràn lan các đối tượng", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính cho biết, số tiền trong gói miễn, giảm thuế này trong điều kiện thông thường chỉ bằng TP.HCM thu 20 ngày nhưng hiện đang khó khăn, được Thường vụ Quốc hội ủng hộ, Chính phủ trợ giúp cho DN như là "một miếng khi đói bằng một gói khi no".

"Đương nhiên việc thiết kế chính sách dựa trên đại lượng trung bình tiên tiến, chứ không thể đạt công bằng 100%. Hiện nay ngân sách đang rất khó khăn. Hàng chục ngàn chiến sĩ công an, quân đội đang tham gia chống dịch ở phía Nam nhưng không có ngân sách để cấp", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với 4 nhóm chính sách theo tờ trình của Chính phủ; đề nghị Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến được trao đổi để hoàn chỉnh các nội dung trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem