Trong bầu cử thành viên của Uỷ ban Luật pháp Quốc tế (ILC) tuần qua, đại diện Việt Nam – Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên ILC nhiệm kỳ 2017 – 2021 tái đắc cử với số phiếu cao 145/193, đứng thứ tư ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Dân Việt phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Hồng Thao nhân dịp này.

Thưa Đại sứ, ông có thể nói rõ hơn về những cống hiến của thành viên Việt Nam ở ILC trong nhiệm kỳ qua?

Trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đã tham gia tích cực trong việc xây dựng các dự thảo văn bản quốc tế để giải quyết các vấn đề nóng của khu vực và thế giới, chẳng hạn như Dự thảo công ước về tội ác chống lại nhân loại, trong đó, chúng ta đưa được kinh nghiệm bài học của Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, điều này khẳng định bằng các bản án của Toà án Quốc tế số 002 năm 2019, ta kịp thời đưa vào văn bản như một lưu chứng cho thấy ta đã tích cực đấu tranh chống lại nạn diệt chủng. 

Thực tiễn của Việt Nam về vấn đề Campuchia, chất da cam đã được đưa vào văn bản luật quốc tế - Ảnh 1.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tại kỳ họp thứ nhất, khóa họp 71 của Ủy ban Luật pháp quốc tế, Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh tư liệu: Hoàng Hoa - Pv TTXVN tại Thụy Sĩ

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ, tháng 10/2020 thành viên Việt Nam  và một số nước khác như phái đoàn thường trực của Chile, Sierra Leone, Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha, tổ chức hội thảo bên lề của Uỷ ban 6 – Uỷ ban các vấn đề pháp lý của Đại hội đồng LHQ, đánh giá, đưa ra kinh nghiệm của Việt Nam, kêu gọi đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong việc chống đại dịch. Sau hội thảo, Đại sứ Đặng Đình Quý – Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã đề xuất Đại hội đồng LHQ ra được nghị quyết đầu tiên mà mà Việt Nam làm chủ tịch, đó là sáng kiến lấy ngày 27.11 làm Ngày quốc tế phòng chống đại dịch. Đó là một cống hiến hết sức quan trọng với thế giới.

Trong vấn đề khác như bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang, ta đưa những kết quả phối hợp với Mỹ giải quyết chất độc da cam. Chúng ta cũng đã có báo cáo về mực nước biển dâng năm  2020. Trong khu vực Tây Á – Thái Bình Dương hiện nay, nước biển dâng là một trong chủ đề hết sức quan tâm của quốc tế. Tháng 11 tại Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã đưa ra vấn đề trong thảo luận của Hội đồng Bảo an và được các nước quan tâm.

Việc đưa vào văn bản luật quốc tế vấn đề Việt Nam giúp Campuchia giải quyết nạn diệt chủng càng khẳng định tính chính nghĩa của Việt Nam phải không, thưa Đại sứ?

- Các dự thảo của ILC được xuất bản trong niên giám của Uỷ ban vào cuối năm. Cuốn niên giám được sử dụng rất nhiều, không chỉ bởi các nước, các toà án, trọng tài trong các phán quyết, mà cả trong các nghiên cứu của học giả, nên việc đưa những thực tiễn quốc gia được chấp nhận vào việc giải trình các điều khoản liên quan vấn đề chúng ta quan tâm có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo cơ sở lan toả. 

Trước kia Việt Nam đã cống hiến rất nhiều năm 1979, Việt Nam là nước đầu tiên theo lời kêu gọi của nhân dân Campuchiađưa bộ đội sang giúp CPC thoát khỏi diệt chủng, nhưng hành động của chúng ta thời gian đó bị các nước phương  tây thông tin sai lệch, bóp méo sự thật, mất 30 năm sau chúng ta mới được minh oan bởi Toà án quốc tế. Nhưng các thế lực phản động chống Việt Nam vẫn chưa công nhận điều đó, vì vậy việc đưa vào văn bản quốc tế rất quan trọng, khẳng định tính chính đáng của Việt Nam trong nhiệm vụ quốc tế cao cả giúp nhân dân Campuchia.

Việc tái cử có ý nghĩa quan trọng. Họ bỏ phiếu tái cử là khẳng định vị thế của Việt Nam, sự đóng góp của thành viên Việt Nam suốt 5 năm qua và thể hiện sự đi lên của nền của luật pháp quốc tế của Việt Nam.

(Đại sứ Nguyễn Hồng Thao)

Vậy còn vấn đề da cam được nêu trong văn bản quốc tế có giúp giải quyết vấn đề da cam, thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ hay đưa ra bài học cho các nước?

- Việc sử dụng chất da cam đưa lại hậu quả nặng nề và là điều không mong muốn từ cả hai phía. Giải quyết bằng kiện tụng cũng là một cách, nhưng chúng ta phải tham khảo đầy đủ các bằng chứng. Quá trình kiện tụng đó rất dài. Đó còn là vấn đề giữa 2 nhà nước trong quan hệ và trong luật quốc tế. Ngoài kiện tụng ra thì trách nhiệm quốc tế có thể được giải quyết bằng việc xin lỗi, bằng hành động cụ thể. Ta đang cùng Chính phủ Mỹ có những chương trình hợp tác tẩy rửa sân bay Biên Hoà, sân bay Đà Nẵng và có những thành công nhất định. Đó cũng là một điều chỉ ra rằng dân tộc Việt Nam dù đã chịu nhiều đau khổ của chiến tranh nhưng sẵn sàng khép lại quá khứ tiến tới tương lai, xây dựng quan hệ hữu nghị giữa các nước.

Đưa vấn đề ra sẽ giúp người ta thấy rõ tác động của chất da cam và các chất hoá học. Về bảo vệ mội trường trong xung đột vũ trang, quốc tế chưa đưa ra công ước cụ thể nào, kể cả văn bản của Uỷ ban luật QT mới có tính chất khuyến nghị, còn thực hiện thì phụ thuộc các quốc gia  có thiện chí không. Nhưng khi đưa vào văn bản của cơ quan soạn thảo dù là kiến nghị, không ràng buộc, thì vẫn tạo dư luận quốc để ta tiếp tục đấu tranh loại bỏ các vũ khí huỷ diệt con người như vũ khí hạt nhân, vũ khí hoá học, để Trái đất có hoà bình.

Trong nhiệm kỳ tới dự định của Đại sứ là gì?

- Nếu được thông qua, tôi và các thành viên ILC từ Chile, Sierra Leone, là những thành viên vừa tái cử, chúng tôi sẽ đưa Dự thảo công ước về bảo vệ con người trong các đại dịch vào  trong chương trình làm việc lâu dài của Uỷ ban.

Chúng tôi cũng tiếp tục phát triển đề tài về mực nước biển dâng cao, tác động của nó với các nước đảo nhỏ và nước đồng bằng thấp như Việt Nam, Bangladesh. Ngoài ra còn các vấn đề như an ninh mạng, bảo vệ đa dạng sinh học và các vấn đề khác mà quốc tế quan tâm.

Thực tiễn của Việt Nam về vấn đề Campuchia, chất da cam đã được đưa vào văn bản luật quốc tế - Ảnh 3.

Đại sứ Việt Nam Nguyễn Hồng Thao và Đại sứ Đặng Đình Quý chia sẻ niềm vui khi đại diện Việt Nam tái đắc cử vị trí thành viên Ủy ban Luật quốc tế của Liên hợp quốc (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027. Ảnh: TTXVN.

Thưa Đại sứ, việc đại diện Việt Nam 2 lần vào ILC có thúc đẩy giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông hay không?

- Uỷ ban Luật pháp Quốc tế là tổ chức của Đại hội đồng LHQ mang tiếng nói khách quan, không đại diện cho bất kỳ quốc gia nào. Uỷ ban không phải cơ quan giải quyết tranh chấp, không phải cơ quan làm ra luật, mà là cơ quan pháp điển hoá, phát triển luật quốc tế, dựa trên thực tiễn của các quốc gia để pháp điển hoá, soạn thảo các công ước quốc tế điều chỉnh tiếp các quan hệ tương tự như vậy…

Nhiều người Việt Nam kỳ vọng tham gia ILC sẽ thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông, nhưng Biển Đông phải giải quyết ở diễn đàn khác, diễn đàn cụ thể. Tuy nhiên việc tham gia các tổ chức quốc tế như ILC giúp Việt Nam mở rộng quan hệ với các nước, thúc đẩy quan tâm hơn đến luật quốc tế trong giới trẻ, giới nghiên cứu, thông qua đó tác động không trực tiếp đến những vấn đề khác ta quan tâm. Nếu ta làm tốt, có chính nghĩa thì việc đó ảnh hưởng đến bảo vệ chủ quyền của Việt Nam không chỉ trên Biển Đông mà trên các vấn đề khác.

Đại sứ có thể kể quá trình vận động vào ILC diễn ra như thế nào?

- Ta bắt đầu đăng ký tái cử tháng 2/2021. Từ đó đến nay, với sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, các cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước đã tích cực giới thiệu lý lịch của ứng viên Việt Nam, vận động các nước bầu cử. Trong nước, vụ Luật pháp Quốc tế BNG phối hợp các vụ khác làm các video, tờ rơi giúp các cơ quan đại diện giới thiệu với bạn bè quốc tế vào thời gian đại dịch Covid 19, chúng ta không thể đi vận động trực tiếp.

Thực tiễn của Việt Nam về vấn đề Campuchia, chất da cam đã được đưa vào văn bản luật quốc tế - Ảnh 4.

Việc vận động đã diễn ra tích cực chủ động cả từ phía phái đoàn Việt Nam tại LHQ với sự tham gia của Đại sứ Đặng Đình Quý, các cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước và sự giúp đỡ hậu thuẫn từ trong nước. Ảnh: TTXVN.

Đặc biệt Đại sứ Đặng Đình Quý đã tích cực, chủ động gặp các phái đoàn khác tại LHQ để vận động. Chúng ta có nhiều hướng triển khai. Chúng tôi sang đây thời gian eo hẹp nhưng có nhiều sáng kiến gặp gỡ các bạn, chẳng hạn như chúng tôi đến trước phòng họp Đại hội đồng chờ giải lao mời café trao đổi giới thiệu, vận động bằng mọi cách.

Đây là cuộc cạnh tranh hết sức sít sao. Lần này nhiều nước tham gia, khu vực Châu Á có 12 ứng viên, 1 ứng viên rút, còn 11 ứng viên đều là những ứng viên nặng ký như Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ, như Cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao Thái Lan - lại là nữ nên chắc chắn được ưu tiên. Nhưng qua bỏ phiếu ta có thêm số phiếu cao, vượt qua một số cường quốc luật pháp trong khu vực Châu Á.  

Qua quá trình vận động và đạt số phiếu như vậy, liệu có thể nói uy tín của Việt Nam được nhìn nhận và khẳng định mạnh mẽ?

- Điều đó là chắc chắn. Kết quả này khẳng định chính sách ngoại giao đa phương của Việt Nam tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, đưa người vào tổ chức quốc tế. Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa người thành công vào một tổ chức quan trọng của LHQ. Việc tái cử cho thấy đây không phải may rủi, mà nghĩa là  thế giới nhìn nhận và đánh giá đúng sự đóng góp của Việt Nam. Tôi hy vọng với đà này ta sẽ tiếp tục đưa những người tiêu biểu, xứng đáng của Việt Nam vào các tổ chức quốc tế.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ và chúc Đại sứ tiếp tục thành công trong nhiệm kỳ mới ở ILC. 

Với Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, việc tái cử tham gia Ủy ban Luật pháp quốc tế chính là sự ghi nhận xứng đáng của quốc tế đối với trình độ, năng lực và kinh nghiệm cũng như đóng góp tích cực của Đại sứ vào thúc đẩy các vấn đề pháp luật quốc tế quan trọng trong suốt nhiệm kỳ công tác tại Ủy ban Luật pháp quốc tế 2017-2022 vừa qua.

Tôi tin tưởng Đại sứ Nguyễn Hồng Thao sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, hiệu quả vào công việc của Ủy ban Luật pháp quốc tế, góp phần thúc đẩy bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam và tăng cường vai trò, tiếng nói của các nước đang phát triển, tiếp tục khẳng định rõ Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, xứng đáng với niềm tin của đất nước và sự tín nhiệm của quốc tế.

(Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn)

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem