Thức ăn chăn nuôi, con giống không phải mặt hàng "thiết yếu", nhiều trung tâm nghiên cứu... kêu cứu

Trần Quang Thứ ba, ngày 27/07/2021 15:35 PM (GMT+7)
TS.Phạm Công Thiếu - Viện trưởng Viện Chăn nuôi quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết, khoảng 7 ngày tới, nếu Hà Nội không cấp "luồng xanh" cho các trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống vật nuôi của Viện nhập thức ăn chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm thì các đơn vị này sẽ phá sản hàng loạt.
Bình luận 0
Không được cấp "luồng xanh", hàng loạt trung tâm sản xuất giống lợn, gà đứng trước nguy cơ phá sản - Ảnh 1.

Công nhân chăm sóc đàn vật nuôi tại Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi). Ảnh: H.Duy

Hàng loạt trung tâm sản xuất giống sắp phải nhận "án tử" vì thiếu "luồng xanh"

Trao đổi với PV Dân Việt, TS Phạm Công Thiếu cho hay: "Sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19 nhiều trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống vật nuôi của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhập thức ăn và vận chuyển, tiêu thụ con giống".

Để cứu vãn tình thế, nhiều đơn vị của Viện Chăn nuôi đã tìm mọi cách để xin Sở GTVT Hà Nội cấp "luồng xanh" để vận chuyển thức ăn, tiêu thụ giống nhưng đều bị từ chối vì lý do không phải mặt hàng thiết yếu. Điển hình là Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (một đơn vị lưu giữ giống gốc và sản xuất con giống lớn hàng đầu của cả nước) đăng ký xin "luống xanh" từ ngày 24/7 nhưng đến giờ vẫn không được xét cấp luồng ưu tiên khiến đơn vị đang hoạt động rất khó khăn và đứng trước nguy cơ phá sản.

"Nếu họ lý giải thức ăn chăn nuôi và con giống không phải mặt hàng thiết yếu là rất vô lý. Dù 2 mặt hàng này không phải phục vụ ngay như thực phẩm nhưng đây là các loại hàng thiết yếu để phục vụ tái sản xuất, chăn nuôi trực tiếp làm ra sản phẩm phụ vụ thị trường trước mắt và lâu dài", Viện trưởng Viện Chăn nuôi bức xúc.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng khẳng định: Hiện Hà Nội chưa thể tự cung, tự cấp được lượng thực phẩm cho người dân toàn thành phố tiêu dùng mà phần lớn vẫn phải dựa vào nguồn hàng từ các tỉnh lân cận đưa vào. Chính vì thế, Hà Nội cần phải "mở cửa", cấp "luồng xanh" cho các xe vận chuyển thực phẩm thiết yếu tại các địa phương lân cận đưa hàng vào mới đảm bảo đủ thực phẩm cung cấp cho người dân Thủ đô tiêu dùng trong những ngày giãn cách.

TS.Phạm Công Thiếu cho biết thêm, Viện chăn nuôi có trên 20 đơn vị thì hiện có gần 10 đơn vị nghiên cứu sản xuất các loại giống vật nuôi như gà, vịt, lợn... đang lâm vào đường cùng vì thiếu thức ăn chăn nuôi và không vận chuyển, tiêu thụ được sản phẩm phục vụ người dân tại các tỉnh tái sản xuất.

Thậm chí, có trung tâm tân giống gia cầm còn phải thích nghi tạm thời bằng cách giảm sản lượng ấp nở con giống và bán trứng thương phẩm để cầm cự.

"Thời điểm này, các đơn vị của chúng tôi vẫn đang sử dụng nguồn thức ăn dữ trữ nhưng đến khoảng 1 tuần nữa sẽ hết cám, đàn vật nuôi sẽ bị bỏ đói thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Có thể các đơn vị này sẽ bị phá sản", ông Thiếu bộc bạch.

Theo ông Thiếu, mới đây, Viện Chăn nuôi đã phán ánh và tham mưu cho Bộ NNPTNT kiến nghị UBND TP.Hà Nội, Bộ GTVT để tháo gỡ khó khăn trong việc cấp "luồng xanh", phân luồng ưu tiên mới giúp được các đơn vị của Viện thoát "án tử".

Là đơn vị nghiên cứu sản xuất con giống lớn của Viện Chăn nuôi, mấy ngày vừa qua, Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên ở Phú Xuyên (Hà Nội) phải tiêu hủy hàng trăm nghìn con giống thiệt hại hàng tỷ đồng vì không có nơi tiêu thụ.

Do ảnh hưởng của đại dịch, việc tiêu thụ con giống của trung tâm này gặp rất nhiều khó khăn. So với cùng kỳ năm 2020, thời điểm này, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên đã phải giảm lượng giống bán ra thị trường khoảng trên dưới 50%, giá con giống bán luôn ở dưới mức giá thành sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Duy - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên cho biết, từ ngày 24 đến ngày 26/7 Hà Nội thực hiện giãn cách toàn thành phố để phòng chống đại dịch, mọi đầu mối tiêu thụ tại các tỉnh lân cận bị cắt đứt hoàn toàn buộc các đại lý phải tiêu thủy hàng trăm nghìn con giống.

"Tiêu hủy con giống do mình làm ra cũng đau xót lắm nhưng chúng tôi không còn cách nào khác", ông Duy ngậm ngùi.

Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Vịt Đại Xuyên, việc Hà Nội quyết định thực hiện giãn cách toàn thành phố để phòng chống đại dịch là rất cần thiết. Tuy nhiên, trước khi ra quyết định giãn cách, Hà Nội cũng cần cho người dân và doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, sắp xếp và đảm bảo công việc, sản xuất mới giúp người dân hạn chế, giảm được thiệt hại không đáng có.

 Thức ăn, con giống là mặt hàng thiết yếu

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, Cục Chăn nuôi đã nắm bắt được những khó khăn của các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi, sản xuất con giống. Hiện, Cục đã tham mưu cho Bộ gửi văn bản sang UBND TP. Hà Nội, Bộ GTVT để sớm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận chuyển thức ăn, con giống, thịt gia súc, giá cầm...

"Hiện, các doanh nghiệp chăn nuôi, con giống, thịt gia súc, gia cầm... đang ứ đọng rất nhiều sản phẩm. Đặc biệt là việc cấp xe "luồng xanh" của Hà Nội cũng đang rất chậm, thậm chí có đơn vị sản xuất con giống lớn như Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (đơn vị sản xuất con giống lớn nhất, nhì ở Việt Nam) xin cấp xe "luồng xanh" để vận chuyển, tiêu thụ con giống mà mấy ngày chưa giải quyết xong khiến đơn vị này bị thiệt hại rất nặng.

Không được cấp "luồng xanh", hàng loạt trung tâm sản xuất giống lợn, gà lớn đứng trước nguy cơ phá sản - Ảnh 3.

Do không được cấp "luồng xanh", việc nhập thức ăn chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm con giống của Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn: Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương

Thêm nữa là việc phân luồng ưu tiên đối với các xe hàng ưu tiên tại Hà Nội cũng kém làm ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng các mặt hàng thực phẩm, con giống, thức ăn, nhất là mặt hàng các xe chở thực phẩm tươi sống như con giống, sữa chờ lâu dưới nắng nóng sẽ rất nhanh hỏng", ông Trọng nói.

Ông Trọng cho rằng, để tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp, Hà Nội cần có kế hoạch phân luồng cho các xe chở thực phẩm tươi sống, con giống, thức ăn... theo một luồng riêng đi trước để tránh ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, con giống, thức ăn đều là mặt hàng thiết yếu. Đơn cử như mặt hàng con giống không phải phục vụ ngay mà lại phục vụ cho tái sản xuất lâu dài; hay như thức ăn chăn nuôi để phục vụ sản xuất cũng không thể thiếu được đối với lĩnh vực chăn nuôi. Chính vì thế mà Hà Nội cần có sự nhìn nhận, đánh giá đúng mức tầm quan trọng của các mặt hàng này để sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn người dân.

"Luồng xanh" đánh úp doanh nghiệp?

Chia sẻ với PV Dân Việt, một số lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, quy định "luồng xanh" gần như "đánh úp" các doanh nghiệp. Vài ngày trước, doanh nghiệp chỉ hiểu luồng xanh để cho việc kiểm soát được nhanh chóng hơn chứ không phải là điều kiện cần để lưu thông, mà chỉ nghĩ cần kết quả xét nghiệm dương tính và giấy chứng nhận hàng hoá thiết yếu, nên trở tay không kịp. Doanh nghiệp nào chuẩn bị kịp để xin "luồng xanh" thì cũng phải đợi duyệt.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù có nhiều doanh nghiệp đã đăng ký "luồng xanh" qua mạng tại địa chỉ http://luongxanh.drvn.gov.vn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN-Bộ GTVT), song việc cấp mã QR ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh" tại nhiều địa phương phải mất tới 24 giờ, quá chậm so với yêu cầu và nhu cầu thực tế cần phải vận chuyển gấp hàng hóa thiết yếu.

Đáng nói hơn là để được cấp mã QR ưu tiên hoạt động trên luồng xanh đối với các loại hàng hóa có thời hạn sử dụng ngắn như hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh (Hàng mau hỏng)…

Các đơn vị vận tải phải truy cập vào website luongxanh.drvn.gov.vn để nộp hồ sơ trực tuyến (nội dung đăng ký phải chính xác và đơn vị vận tải phải chịu trách nhiệm trước pháp luật); Sở GTVT tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và phê duyệt hồ sơ; sau khi được Sở GTVT phê duyệt, kết quả sẽ được trả về email của đơn vị vận tải.

Sau đó, đơn vị vận tải truy cập email để nhận kết quả, tự in kết quả (phiếu nhận dạng phương tiện kèm theo mã QR Code) và dán lên phương tiện. Kết quả phải được in làm 3 tờ trên giấy màu vàng, trong đó có 1 tờ khổ A5 dán lên kính chắn gió phía trước của phương tiện; 2 tờ khổ A4 dán lên 2 bên cánh cửa thành xe.

Đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa có thời hạn sử dụng ngắn, hàng mau hỏng, Sở GTVT đề nghị đơn vị vận tải in bổ sung thêm nhãn "Hàng mau hỏng" trên giấy màu vàng, đóng dấu treo của đơn vị và dán lên kính chắn gió phía trước cùng thẻ nhận diện phương tiện... Rõ ràng, quy trình này đang làm tốn nhiều thời gian của doanh nghiệp và lái xe vận tải hàng hóa thiết yếu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem