dd/mm/yyyy

Thuận Châu đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát triển các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu khi trao đổi với phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt/Trang Trại Việt.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, huyện Thuận Châu đã xây dựng và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn tiêu thụ nông sản rất đáng ghi nhận. Để làm rõ hơn vấn đề, phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt/Trang Trại Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu.

Thuận Châu đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu.

PV: Thưa ông, để ngành nông nghiệp Thuận Châu hướng tới sự phát triển bền vững, trong thời gian qua, huyện đã xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm như thế nào? Hiệu quả các chuỗi liên kết ra sao?

Ông Nguyễn Xuân Hoàng: Thực hiện Quyết định số 4781/QĐ-BNN-VPĐP ngày 21/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành sổ tay hướng dẫn phát triển sản xuất trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn huyện Thuận Châu tính đến tháng 11 năm 2020, huyện đã và đang triển khai thực hiện hỗ trợ 11 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cụ thể: Chuỗi xoài, cam, bơ, chanh leo, thanh long ruột đỏ, nhãn, 2 chuỗi nhãn theo hướng hữu cơ, cà phê, khoai sọ và rau.

Thuận Châu đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất - Ảnh 2.

Mô hình liên kết trồng thanh long ruột đỏ của nông dân Thuận Châu với HTX Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Việc xây dựng các chuỗi liên kết phát triển sản xuất đã góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung (đã có hơn 600 ha cây ăn quả các loại trên địa bàn huyện được liên kết từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm quả), việc canh tác theo đúng quy trình kỹ thuật đã giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ việc canh tác không đúng quy trình (giảm thiểu ảnh hưởng xấu tới môi trường từ việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật,...). Tạo việc làm cho người dân tại các xã triển khai thực hiện chuỗi, tăng hiệu suất sử dụng đất, tăng thu nhập cho hộ dân. Nhận thức của người dân về ý thức, trách nhiệm sản xuất nông sản sạch, nông sản an toàn đã có sự thay đổi và được nâng cao.

Một số mặt hàng nông sản của huyện Thuận Châu đã thực hiện xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài năm 2020 bao gồm quả xoài tươi GL4 xuất được 40 tấn sang thi trường Trung Quốc, quả thanh long tươi xuất được 12 tấn sang thị trường Nga, sản phẩm chè sang thị trường Đài Loan khoảng 420 tấn và 900 tấn cà phê nhân sang thị trường các nước Đức, Trung Đông, ASEAN với tổng giá trị ước đạt 150 tỷ đồng. Các chuỗi liên kết phát triển sản xuất đã góp phần đẩy mạnh quá trình thành lập mới, củng cố hoạt động và nâng cao nhận thức, năng lực cho các thành viên của các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện.

Thuận Châu đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất - Ảnh 3.

Mô hình liên kết trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Bản Bo, xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu.

PV: Với một huyện còn nhiều khó khăn như Thuận Châu, hiện nay việc triển khai thực hiện các chuỗi liên kết này đang gặp phải những khó khăn gì thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Hoàng: Trong quá trình triển khai thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất, các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh mới hướng dẫn đến phần ký hợp đồng với các đơn vị chủ trì dự án mà chưa có hướng dẫn chi tiết cho việc thực hiện các hợp phần trong các năm tiếp theo dẫn đến còn nhiều lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện các hợp phần của chuỗi.

Định mức các loại cây giống, vật tư nông nghiệp trong chuyển hướng và thực hiện sản xuất hữu cơ chưa có dẫn đến nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện các chương trình chuyển hướng và triển khai thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ.

Thuận Châu đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất - Ảnh 4.

Năm 2020, huyện Thuận Châu đã và đang triển khai thực hiện hỗ trợ 11 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gồm: Xoài, cam, bơ, chanh leo, thanh long ruột đỏ, nhãn, 2 chuỗi nhãn theo hướng hữu cơ, cà phê, khoai sọ và rau.

Nhiều doanh nghiệp đang ngại đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt là liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị vì hiệu quả không cao, tính rủi ro lớn do phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, tính chất mùa vụ của sản phẩm, chi phí lớn, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong khi chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn chưa đủ mạnh để hỗ trợ chuỗi sản xuất nông sản, nhất là khi có tranh chấp xảy ra trong chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất, thì việc phân xử rất khó khăn, do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức thương thảo "thuận mua vừa bán".

Thuận Châu đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất - Ảnh 5.

Mô hình liên kết trồng cam ở bản Nam Tiến, xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu.

PV: Theo ông, trong thời gian tới, để thúc đẩy các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, huyện đã đề ra những giải pháp gì?

Ông Nguyễn Xuân Hoàng: Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đã xác định nông nghiệp là 1 trong 3 khâu đột phá, hiện tại UBND huyện đang xây dựng 2 đề án: Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; phát triển rừng sản xuất gắn với các cơ sở chế biến lâm sản phù hợp với nguồn nguyên liệu; thúc đẩy và mở rộng nông lâm kết hợp theo hướng thị trường; đề án phát triển kinh tế xã hội 6 xã vùng cao.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát triển các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị... Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các dự án sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Thuận Châu đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất - Ảnh 6.

Để nâng cao thu nhập cho người nông dân, thời gian tới, huyện Thuận Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh và phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất.

Tăng cường quản lý chất lượng các loại giống cây trồng, vật nuôi; kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc thú y và phân bón.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ hợp tác, HTX tham gia sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Ngoài ra, tăng cường và nâng cao công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các chuỗi liên kết trên địa bàn, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, cùng doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản huyện nhà, đặc biệt với một số nông sản như khoai sọ, chè, mật ong,...

PV: Trân trọng cảm ơn ông !


Tuệ Linh