dd/mm/yyyy

Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra mô hình cánh đồng lớn trồng lúa tại ĐBSCL

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ NNPTNT rà soát, đánh giá về mô hình cánh đồng lớn trong trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đồng thời có giải pháp thúc đẩy sản xuất lúa bền vững, hiệu quả trong thời gian tới.

Diện tích sụt giảm

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ NNPTNT tiến hành rà soát, đánh giá về mô hình cánh đồng lớn trong trồng lúa ở ĐBSCL. Sau khi rà soát, đánh giá, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ NNPTNT có giải pháp thúc đẩy sản xuất lúa bền vững, hiệu quả trong thời gian tới.

Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra mô hình cánh đồng lớn tại ĐBSCL - Ảnh 1.

Người dân thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn ở huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ. Ảnh: P.V

Báo cáo gần đây của Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, kế hoạch trong năm 2020, tỉnh này sẽ có 33.446ha lúa nằm trong cánh đồng lớn, thế nhưng chỉ làm được 13.924 ha/128 cánh đồng, tức chỉ đạt 41,6% so kế hoạch và giảm 4.967ha so năm 2019.

Theo Văn phòng Chính phủ, liên quan đến chỉ đạo trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trước đó, có thông tin cho rằng, mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL ngày một… lụi tàn. Nguyên nhân là do ở một số địa phương, diện tích cánh đồng lớn sản xuất lúa đã và đang có dấu hiệu sụt giảm mạnh, cụ thể nhất là tỉnh Long An.

Báo cáo gần đây của Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, kế hoạch trong năm 2020, tỉnh này sẽ có 33.446ha lúa nằm trong cánh đồng lớn, thế nhưng chỉ làm được 13.924ha/128 cánh đồng, tức chỉ đạt 41,6% so kế hoạch và giảm 4.967ha so năm 2019.

Trong đó, ở vụ đông xuân 2019-2020, tỉnh Long An triển khai được 8.983ha/77 cánh đồng mẫu lớn với 2.032 hộ tham gia. Thời điểm này, có 33 doanh nghiệp và 16 hợp tác xã tham gia. So với cùng kỳ năm trước thì số diện tích này giảm 1.919ha.

Sau đó, đến vụ hè thu, tỉnh Long An triển khai được 4.941ha/51 cánh đồng mẫu lớn với 980 hộ tham gia. Thời điểm này, có 10 doanh nghiệp tham gia. So với cùng kỳ năm trước thì số diện tích này cánh đồng mẫu lớn đã giảm tới 3.048ha.

Sở NNPTNT tỉnh Long An cho rằng, nguyên nhân diện tích cánh đồng lớn giảm so cùng kỳ năm trước là do nhiều nguyên nhân như: Thị trường xuất khẩu gạo gặp khó khăn, doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư, một số doanh nghiệp thay đổi phương thức thực hiện cánh đồng lớn nên chưa có sự thống nhất về giá thu mua giữa doanh nghiệp và nông dân…

Còn... nhiều khó khăn, bất cập

Được biết, cách nay khoảng 10 năm, mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa bắt đầu được các địa phương ĐBSCL triển khai thực hiện. Mô hình này được cho là sẽ giúp các địa phương hình thành vùng sản xuất lúa tập trung, quy mô lớn, giúp người dân dễ tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo tính toán, ở ĐBSCL, mỗi ha lúa tham gia cánh đồng lớn, người dân trồng lúa có thể giảm từ 10 - 15% chi phí sản xuất và tăng sản lượng từ 20 - 25%, từ đó, giúp bà con nông dân thu lãi thêm từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, theo báo cáo sơ kết sản xuất lúa vụ thu đông, vụ mùa năm 2020 và triển khai kế hoạch vụ đông xuân 2021 của Cục Trồng trọt, bên cạnh những mặt tích cực, mô hình này vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn.

Mặc dù giữa nông dân và doanh nghiệp có hợp đồng thu mua sau khi lúa chín nhưng vẫn xảy ra trường hợp doanh nghiệp thu mua không kịp thì nông dân bán cho thương lái bên ngoài.

Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp cho đến nay vẫn chưa có hành lang pháp lý phù hợp. Hơn nữa, nội dung hợp đồng có tính hướng dẫn, không phải là hợp đồng kinh tế, thiếu sự chế tài khi các bên thực hiện không đúng hợp đồng.

Cục Trồng trọt còn cho hay, khi thu hoạch lúa tập trung, sản lượng lúa tươi (chưa được làm khô) nhiều nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị phương tiện vận chuyển, không đủ các thiết bị phơi sấy và kho tàng chứa đựng.

Từ đó, lúa thu hoạch thường phải tập kết đầu bờ khoảng 4-5 ngày công ty mới thu gom hết. Một số diện tích lúa quá ngày thu hoạch 7-10 ngày công mới cho cắt nên đã ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng.

Ngoài ra, cũng có tình trạng một bộ phận nông dân còn canh tác theo tập quán cũ, không tuân theo quy trình sản xuất dẫn đến khó khăn trong công tác thu mua, dẫn đến mối liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân không bền vững. 

 

 

Huỳnh Xây