dd/mm/yyyy

Thụ tinh nhân tạo, vỗ béo nâng cao chất lượng đàn bò thịt

Ngày 11.9, tại Thái Nguyên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Hội nghị sơ kết dự án “Xây dựng mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các vùng chăn nuôi chính”.

Ông Trần Văn Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: Trong kế hoạch triển khai đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, giống là khâu then chốt mở đầu cho cả quá trình chuyển đổi. Trong đó, việc ứng dụng thụ tinh nhân tạo (TTNT) là tiền đề để nâng cao chất lượng bộ giống. Tuy nhiên, việc áp dụng TTNT ở nước ta vẫn chưa thực sự rộng rãi, tỷ lệ bò lai cả nước đến năm 2016 đạt 57%, trong đó các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc chỉ đạt 21%.

Phương pháp thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò giúp nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò. Ảnh: NQ.
Phương pháp thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò giúp nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò. Ảnh: NQ.

“Việc sử dụng kỹ thuật vỗ béo trong chăn nuôi gia súc lớn vô cùng hiệu quả, thông qua vỗ béo làm tăng hiệu quả kinh tế trong đàn gia súc lấy thịt ít nhất từ 10 – 15% so với chăn nuôi truyền thống”, ông Khởi cho biết. Đối với mô hình cải tạo đàn bò ưu tiên lựa chọn các xã có tỷ lệ bò lai thấp, chủ yếu đang áp dụng bằng phương pháp phối giống trực tiếp, đảm bảo số lượng bò cái nền đạt tiêu chuẩn, nằm trong độ tuổi sinh sản. Bò tham gia mô hình vỗ béo phải đảm bảo đúng đối tượng, không sử dụng vào mục đích cày kéo, vắt sữa, sinh sản. Từ những yếu tố trên, dự án đã sàng lọc và lựa chọn được 700/969 hộ đăng ký, thực hiện trình diễn trên 10 mô hình, bao gồm 5 mô hình cải tạo và 5 mô hình vỗ béo.

Các hộ tham gia mô hình được nhà nước hỗ trợ 50% và tự đối ứng phần còn lại. Cụ thể, 1 con bò cái nền có chửa được cấp 120 kg thức ăn hỗn hợp, 0,5 liều tinh, 0,5 lít nitơ; với bò vỗ béo là 135kg thức ăn hỗn hợp, 0,5 liều thuốc nội ký sinh trùng, 0,5 liều thuốc ngoại ký sinh trùng, 0,5 liều sán lá gan. Ghi nhận thực tế tại các địa phương cho thấy năng suất, chất lượng đàn bò tham gia mô hình có nhiều ưu điểm vượt trội so với trước đây. Áp dụng phương pháp nhân giống bằng TTNT giúp tăng nhanh tổng đàn, cải thiện khả năng di truyền. Với 1016 con bò được TTNT, dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ cho ra đời số bê lai tương ứng. Qua khảo sát cho thấy, mỗi con bê lai 1 tuổi có giá trị cao hơn bò nội khoảng 6 – 6,5 triệu đồng/con, như vậy giá chênh lệch khoảng 3,5 – 4 tỷ đồng. Bò BBB có giá trị cao hơn bò nội 12 – 13 triệu đồng/con, như vậy giá chênh lệch cùng thời điểm khoảng 7,3 – 7,5 tỉ đồng. Mặt khác, không phải chi phí nuôi bò đực giống và chi phí tiền chữa bệnh do sử dụng đực giống gây nên.

Trong khi đó, bò vỗ béo được tiêm, tẩy nội ngoại ký sinh trùng từ trước, kết hợp với việc sử dụng lượng thức ăn xanh hợp lý nên tăng trọng nhanh, khả năng tăng trọng bình quân đạt ≥ 700 g/con/ngày.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, mô hình vỗ béo bò thịt tại xã Phú Đình (huyện Định Hóa) và xã Bàn Đạt (huyện Phú Bình) có khả năng tăng trọng bình quân đạt 722,06 g/con/ngày vượt so với yêu cầu 22,06 g/con/ngày (tương ứng 3,1%).

Ông Dương Sơn Hà, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Nguyên khẳng định, dự án được triển khai đã làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Từ hiệu quả kinh tế bước đầu đạt được cho thấy, dự án hoàn toàn có khả năng nhân ra diện rộng.

Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt đạt năng suất, hiệu quả cao tại các vùng chăn nuôi chính” được triển khai tại 10 mô hình, 20 điểm trình diễn với quy mô 1.016 con bò cái được cải tạo và 1.025 bò được vỗ béo, triển khai trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Ninh Thuận, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Yên Bái và Lào Cai.

Nguyễn Quỳnh