Thu thuế từ người giàu hụt nghìn tỷ đồng vì bất động sản, chứng khoán "đóng băng"

An Linh Thứ ba, ngày 21/11/2023 15:42 PM (GMT+7)
Thu ngân sách suy giảm kỷ lục hơn 9,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thuế thu nhập cá nhân lần đầu trong 10 năm trở đây suy giảm hơn 7.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước do khu vực bất động sản, thị trường trái phiếu chưa tan băng.
Bình luận 0

Số thu ngân sách suy giảm mạnh vì đâu?

Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, trong đó nhấn mạnh đến số thu ngân sách 10 tháng năm 2023 ước đạt gần 1 triệu 398,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86,7% dự toán. So với cùng kỳ năm trước, mức suy giảm gần 9,2%. Theo đánh giá của giới chuyên gia, khó khăn của kinh tế, sự suy giảm của thị trường chứng khoán, trái phiếu và bất động sản khiến nhiều khoản thu thuế suy giảm mạnh.

Bên cạnh đó, số thu giảm còn đến từ hàng loạt chính sách miễn, giảm, gia hạn thu thuế của Chính phủ đã, đang áp dụng như giảm 2% thuế VAT từ 10% xuống 8% cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên; giảm phí trước bạ 50% từ 10% (hoặc 12%) xuống 6% (5%) cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước…. điều này khiến cho số thu ngân sách trung ương, ngân sách địa phương giảm mạnh.

Thu thuế của người giàu hụt nghìn tỷ đồng vì bất động sản, chứng khoán "đóng băng" - Ảnh 1.

Thu ngân sách suy giảm mạnh do nhiều tác động, trong đó có nhiều loại thuế phí giảm theo chương trình của Chính phủ, Quốc hội, những khó khăn của thị trường chứng khoán, bất động sản kéo theo một loạt thuế TNCN giảm mạnh (Ảnh: NT).

Theo số liệu của báo cáo, lũy kế 10 tháng, thu NSNN ước đạt 1.398.700 tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, thu nội địa ước đạt 1 triệu 157.700 tỷ đồng, bằng 86,8% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước; thu từ dầu thô ước đạt khoảng 51.400 tỷ đồng, bằng 122,3% dự toán, giảm 19,8% so với cùng kỳ; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 188.800 tỷ đồng, bằng 79% dự toán, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng nói, số tiền thuế đóng góp ngân sách suy giảm, đáng chú ý nhất là số tiền thuế thu nhập cá nhân đang có dấu hiệu giảm mạnh. Theo tính toán của Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2023, số tiền thuế thu nhập cá nhân đạt khoảng 121.200 tỷ đồng, chỉ đạt 78% dự toán thu ngân sách (154.652 tỷ đồng), 3 tháng cuối năm 2023, nhiệm vụ thu thuế này phải đạt hơn 33.452 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng hơn 11.150 tỷ đồng.

Số thu thuế thu nhập cá nhân thực tế trong 9 tháng năm 2023 suy giảm hơn 7.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho hay: Suy giảm thuế thu nhập cá nhân trong 9 tháng qua do ảnh hưởng của 'đóng băng' thị trường bất động sản, chứng khoán và trái phiếu. "Thu nhập từ diện chịu thuế của người dân đến phần lớn từ bất động sản, chứng khoán và trái phiếu nhưng thị trường đóng băng, giao dịch hạn chế đặc biệt là các giao dịch lớn, điều này khiến số thu thuế thu nhập cá nhân suy giảm mạnh", đại diện Tổng cục Thuế cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Vụ Thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, suy giảm thuế thu nhập cá nhân là điều dễ hiểu vì nền kinh tế khó khăn, đời sống người giàu, tầng lớp trung lưu cũng ảnh hưởng, bằng chứng là các giao dịch bất động sản, chuyển nhượng dự án, trái phiếu không có dẫn đến số thu thuế giảm.

Ông Phụng cho rằng, số thu thuế thu nhập cá nhân suy giảm hơn 7.200 tỷ đồng là khá lớn trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, nhiều khoản thuế bị giãn, hoãn. Dòng thuế thu nhập cá nhân thời gian qua phần lớn đến từ thu thuế khoản thu nhập chịu thuế của người lao động, thuế từ hoạt động mua bán ô tô…

"Nếu tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, doanh nghiệp mất đơn hàng, phá sản và xuất khẩu khó khăn, người lao động mất việc, giảm lương thì số thuế thu nhập cá nhân sẽ còn suy giảm mạnh hơn. Việc suy giảm số thu thuế thu nhập cá nhân cho thấy khó khăn kinh tế tác động trực tiếp đến bộ phận người có thu nhập cao, người có tiền và các giao dịch chịu thuế. Những khó khăn này còn lớn hơn đối với những người có thu nhập thấp, người làm công ăn lương khi thu nhập suy giảm, giá cả leo thang và nguy cơ mất việc hiện hữu", ông Phụng nhấn mạnh.

Nhiều yếu tố khiến thu ngân sách năm 2024 có thể bước đà giảm

Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT, tính đến hết tháng 10/2023, cả nước có 183.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 146.600 doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 14.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trung bình cứ có 3 doanh nghiệp thành lập và quay trở lại hoạt động là sẽ có gần 2 doanh nghiệp phá sản hoặc tạm ngưng hoạt động vì khó khăn.

Liên quan đến số thu ngân sách suy giảm, trong năm 2023 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép giảm 2% thuế VAT cho các mặt hàng chịu thuế 10% xuống 8% từ ngày 1/7/2023 cho đến hết năm 2023, điều này tác động làm giảm số thu ngân sách tương đối lớn cho các địa phương, ước tính số thu ngân sách giảm khoảng 24.000 tỷ đồng.

Hiện, Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo Nghị quyết kiến nghị Quốc hội cho kéo dài chính sách giảm thuế này từ ngày 1/1/2024 cho đến hết 30/6/2024 nhằm giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng của người dân. Dự kiến, tác động của chính sách này sẽ khiến số thu ngân sách có thể giảm hơn 25.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Trong đó nhiều địa phương sẽ bị suy giảm thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng như: TP. HCM suy giảm số thu hơn 3.987 tỷ đồng, TP. Hà Nội giảm 3.469 tỷ đồng, Bình Dương giảm 1.153 tỷ đồng.

Các địa phương như tỉnh Quảng Ninh giảm 817 tỷ đồng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 597 tỷ, các tỉnh còn lại trong cả nước có thể bị suy giảm số thu dưới 350 tỷ đồng. Bộ Tài chính nhấn mạnh, nếu kéo dài chính sách giảm 2% thuế VAT từ 10% xuống 8% hết năm như một số đại biểu Quốc hội đề xuất, số thu ngân sách sẽ giảm  thêm 50.000 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem