Thu phí tham quan Yên Tử: Nhiều khách hành hương bất ngờ

Nhóm PV Đông Bắc Thứ hai, ngày 01/01/2018 14:57 PM (GMT+7)
Sáng nay (1.1), UBND TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu thu phí tham quan di tích Yên Tử. Trong ngày đầu tiên bán vé thu phí, nhiều du khách, phật tử đề nghị UBND TP.Uông Bí công khai minh bạch các khoản thu chi từ hoạt động thu phí tham quan.
Bình luận 0

Theo số liệu từ Ban quản lý di tích rừng quốc gia Yên Tử cung cấp, trong hôm nay có khoảng hơn 1.500 du khách đến tham quan danh thắng, di tích quốc gia Yên Tử, trong đó, chủ yếu là khách đi cáp treo. Để phục vụ cho ngày đầu triển khai thu phí, UBND TP.Uông Bí đã tích hợp thu vé tại 5 trạm thu vé cáp treo của Công ty Tùng Lâm và 1 điểm thu vé du khách đi bộ ở lối đi lên chùa Giải Oan.

img

Nhiều du khách đề nghị TP.Uông Bí công khai minh bạch các khoản thu chi từ nguồn tiền thu phí tham quan. (Ảnh: N.Q)

Nhiều phật tử, du khách đã từng đến Yên Tử không khỏi bất ngờ khi phải mua vé vào cửa ở đây. Anh Phạm Văn Hiến, người dân ở phường Bãi Cháy, TP.Hạ Long, cho biết: “Không biết ban tổ chức tuyên truyền thế nào mà nhiều người không biết là phải mua vé để vào Yên Tử. Đến khi chúng tôi tới cửa soát vé, mới biết là phải mua vé. Tôi thấy việc đi lễ chùa mà phải thu phí như thế này là chưa hợp lý”.

Còn theo anh Nguyễn Xuân Tùng, du khách đến từ TP.Hải Phòng, chùa chiền không phải là nơi kinh doanh, đồng thời mức phí 40.000/người/lượt là quá cao.

Một số du khách lại cho rằng, cần phải phân biệt vãng cảnh và lễ phật, không thể đánh đồng để thu phí như thông báo của UBND TP.Uông Bí. Bên cạnh đó, TP.Uông Bí đã quá vội vàng khi tổ chức thu phí trong khi tuyến đường dẫn vào khu di tích Yên Tử vẫn còn đang ngổn ngang, gây nhiều khó khăn trong việc di chuyển của phật tử và du khách. TP.Uông Bí cũng phải công khai minh bạch các khoản chi từ nguồn phí tham quan.

img

Nhiều du khách không biết phải mua vé tham quan Yên Tử do công tác tuyên truyền của TP.Uông Bí chưa tốt.img

Vé tham quan Yên Tử được bán trong sáng 1.1.2018.

Theo Nghị quyết số 88/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh, 20% tổng số phí thu để đảm bảo hoạt động chi thường xuyên cho hoạt động của tổ chức bộ máy Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật. 80% còn lại sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước để bổ sung nguồn lực cho TP.Uông Bí thực hiện một số nhiệm vụ đầu tư và quản lý danh thắng Yên Tử, gồm: Quản lý, tổ chức lễ hội.

Ngoài ra, số phi thu được cũng để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm; Cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường; Tuyên truyền, quảng bá; Tu bổ, bảo dưỡng, sửa chữa các di tích, công trình hạ tầng; Phục vụ nghiên cứu khoa học; Đào tạo, nâng cao trình độ và tổ chức bộ máy quản lý; Chi đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo danh lam thắng cảnh Yên Tử và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

img

Tuyến đường vào di tích Yên Tử vẫn đang ngổn ngang.img

TP.Uông Bí quá vội vàng khi tiến hành thu phí tham quan Yên Tử.

Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Tuấn Đạt, Phó Chủ tịch UBND TP.Uông Bí cho biết, lượng khách về Yên Tử ngày một tăng, bình quân hằng năm đón tiếp trên 1,5 triệu lượt khách, đòi hỏi phải tăng cường quản lý Nhà nước đối với các hoạt động như: Tham quan, vãn cảnh, quản lý văn hoá, quản lý dịch vụ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, phòng chống cháy rừng, cứu hộ cứu nạn, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, tổ chức và quản lý lễ hội, trùng tu tôn tạo và đầu tư hạ tầng khu di tích...

Theo tính toán, với lượng khách tham quan danh lam thắng cảnh khu di tích Yên Tử, dự kiến số phí thu được khoảng 50 tỷ đồng/năm.

Trong thời gian từ 2007 đến 2017, nguồn tiền công đức, giọt dầu được Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh quản lý để tập trung đầu tư, tôn tạo chùa Đồng và xây dựng tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Còn lại các hạng mục khác về đầu tư xây dựng, tôn tạo tại khu di tích và rừng Quốc gia Yên Tử, duy trì hoạt động của bộ máy Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử đều do ngân sách nhà nước đầu tư, nên công tác tổ chức, quản lý lễ hội và trùng tu, tôn tạo các di tích cũng bị hạn chế.

Ông Đạt cũng cho biết, phật tử, du khách đi vãng cảnh hay đi lễ phật cũng đều ngắm cảnh ở di tích Yên Tử nên vẫn phải mua vé theo quy định. Ngoài nguồn ngân sách của thành phố, các hoạt động thường xuyên tại Yên Tử đều xã hội hóa từ các doanh nghiệp như Công ty Tùng Lâm và Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh. Việc có thêm nguồn thu từ phí tham quan sẽ giúp TP.Uông Bí chủ động hơn. Tuy nhiên việc chi cụ thể như thế nào, thành phố hiện chưa thể công bố.

Hiện nay, Yên Tử đang thực hiện thu phí dịch vụ như phí bến bãi, phí trông coi phương tiện, phí cáp treo. Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm đang đầu tư khu dịch vụ có thu phí. Nay thêm phí tham quan, theo nhiều ý kiến phí chồng thêm phí là chưa thực sự hợp lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem