Thống kê có vấn đề, thị trường hồ tiêu "méo mó" (Bài cuối): Mua bán bằng số liệu “ảo”

Nguyên Vỹ Thứ hai, ngày 20/07/2020 19:09 PM (GMT+7)
Giới sản xuất, kinh doanh hồ tiêu đánh giá, việc thiếu con số thống kê chuẩn xác là một lỗ hổng khiến thị trường hồ tiêu ít nhiều méo mó.
Bình luận 0

Đâu là số thực?

Ông Lâm Hoàng Quốc Khôi - chuyên gia thị trường của Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam cho biết, bản thân ông có mặt trong đoàn khảo sát vừa qua do Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức. Ông Khôi cho rằng, kết luận về sản lượng của vụ sau khi cây tiêu chưa ra dé là phản khoa học.

Thống kê có vấn đề, thị trường hồ tiêu "méo mó" (bài cuối): Mua bán bằng số liệu “ảo”- lỗ hổng ngành tiêu  - Ảnh 1.

Những vườn tiêu xanh tốt ở Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo ông Khôi, con số trên dưới 220.000 tấn của vụ sau không phải là kết luận của đoàn khảo sát mà là của cá nhân nào đó trong VPA. 

Trước đó, VPA vẫn cố tình đưa ra nhận định về mùa vụ thấp hơn thực tế. "Đây là lần đầu tiên thấy họ làm ngược lại. Kết luận của tôi về những gì VPA công bố cho đến giờ là không thể tin được"- ông Khôi nói.

Trong kinh doanh, người thiếu hàng luôn mong giá xuống để mua hàng trả nợ. Người dư hàng luôn luôn muốn giá tăng để bán hàng chốt lời. Người chỉ muốn làm thương mại hưởng chênh lệch thì mong giá ổn định cho dễ làm. 

Căn cứ vào động cơ, ông Khôi đưa ra dự đoán, có thể ai đó đang bị thiếu hàng nghiêm trọng. Thiếu hàng càng nghiêm trọng thì mong muốn dìm giá càng mãnh liệt.

Ông Thái Như Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) lại cho rằng, con số dự báo trên dưới 220.000 tấn là không nhiều. Sản lượng vụ sau có thể còn cao hơn nữa. Vì bên cạnh số tiêu chết, tiêu năng suất thấp thì diện tích tiêu trồng mới chưa tính toán được. Những vùng đã mất được bù lại bằng vùng trồng mới là rất nhiều. Vùng trồng mới thì không thể bỏ bê vì nông dân lỡ đầu tư rồi, vẫn phải chăm sóc.

Một cuộc khảo sát kỹ lưỡng thường tốn kém nhiều thì giờ, tiền của; không khác gì điều tra dân số. Đây là điều mà chuyến khảo sát đầu tiên chưa làm được để đưa ra con số chính xác.

Thống kê có vấn đề, thị trường hồ tiêu "méo mó" (bài cuối): Mua bán bằng số liệu “ảo”- lỗ hổng ngành tiêu  - Ảnh 2.

Vùng trồng tiêu mới ở tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

"Cái nguy hiểm của những con số không sát thực tế là làm sai lệch từ việc nhận định cho tới chiến lược quản lý từ phía nhà nước".

Ông Hoàng Phước Bính –

Phó Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê

Ông Hiệp đánh giá, nguyên nhân căn bản là ngành nông nghiệp gần như mất kiểm soát về diện tích cây trồng nói chung và hồ tiêu nói riêng. Đến giờ, chưa ai biết chắc chắn con số thực tế từ diện tích tới sản lượng là bao nhiêu. 

"Cho nên, việc có nhiều con số nhận định khác nhau là điều dễ hiểu vì không có điểm tựa cố định làm căn cứ đủ tin tưởng" - ông Hiệp giải thích.

Cải thiện công tác thống kê

Theo ông Parsram Dhirani - Giám đốc điều hành của Royal Golden, một trong những nhà nhập khẩu hồ tiêu hàng đầu của thế giới, nếu tin tức về vụ mùa thất bát được xác nhận, thị trường có thể nhìn thấy sự phục hồi mạnh mẽ từ quý IV/2020 và đầu năm 2021.

Hiện Royal Golden vẫn đang nhận được những báo cáo khác nhau về mức độ thiệt hại vụ mùa năm 2021 ở Việt Nam. Một số khu vực bị thiệt hại nặng nề, những khu vực khác chỉ ở mức tối thiểu. 

"Dù ở mức độ nào thì thiệt hại của vụ mùa tới vẫn chưa thể chắc chắn cho đến trước tháng 10, khi việc khảo sát kỹ lưỡng được hoàn tất trước mùa thu hoạch vào tháng 2 năm sau" - ông Parsram Dhirani chia sẻ.

Theo ông Hiệp, cũng vì chưa có thống kê chuẩn, mỗi người mỗi cách nghĩ, chẳng biết ai tính toán đúng. Việc thống kê để cho ra số liệu chuẩn lúc nào cũng cần thiết. Khi biết được sản lượng sẽ cân đối được mua bán, không để giá tiêu rơi tự do.

Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện nay vẫn tự mò mẫm, dự đoán rồi đua nhau mua bán khống, thậm chí đưa ra những tin đồn thất thiệt. Người bán khống thì bảo tiêu đang nhiều lắm; người mua khống thì bảo tiêu mất mùa. "Khi doanh nghiệp còn đấu đá, tranh mua tranh bán với nhau bằng những con số không thực thì cuối cùng, chính nông dân là người chịu khổ" - ông Hiệp khẳng định.

Đồng tình, ông Nguyễn Bá Thịnh - một nông dân trồng tiêu ở Bình Phước cho rằng số liệu là để người dân nắm được tình hình cung - cầu mà tự điều tiết, nên bán lúc nào và bán giá bao nhiêu. Nếu không có số liệu làm căn cứ, nhà nông cứ bán đổ bán tháo cho nước ngoài với giá rẻ. Đến lúc giá lên thì trong kho không còn một hạt hay ngoài vườn không còn một cây tiêu nào. Lúc đó mới biết ai khóc ai cười thì quá muộn.

Theo ông Thịnh, các doanh nghiệp nếu không mua được tiêu, có thể ký hợp đồng với ngành nông nghiệp hay chính quyền địa phương với giá cụ thể. Chính quyền có thể kiểm tra sản lượng, lên danh sách rồi thông báo kêu gọi doanh nghiệp thu mua. 

"Việc này sẽ triệt tiêu nạn đầu cơ thay vì để các con số làm nhiễu loạn thị trường" - ông Thịnh đề xuất.

Ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) thừa nhận, đúng là con số thống kê đang rất có vấn đề. Những người thường xuyên theo dõi thị trường hồ tiêu vì thế đã xác định không tin con số nào khác ngoài số liệu xuất nhập khẩu chính ngạch của hải quan.

Ông Hoàng Phước Bính đề nghị, việc đưa ra các con số nên tôn trọng lợi ích chung để không gây bất lợi cho toàn ngành. Với ngành nông nghiệp, cần sớm cải thiện lại chất lượng công tác thống kê từ diện tích, sản lượng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem