dd/mm/yyyy

Thời tiết phập phù, nỗi âu lo của người làm hoa, kiểng Tết

Lũ lụt, mưa bão liên miên đã làm cho các làng hoa miền Trung tan hoang, vì thế mà người trồng hoa, nhiều nhà vườn làm hoa, kiểng Tết đang vừa làm, vừa run…

Ông Trương Văn Nhung đang lẩy ngọn hoa cúc Hà Lan chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán 2018.

Ông Bảy Nhung (Trương Văn Nhung) – Tổ trưởng THT Hoa tươi Mỹ Phong (làng hoa TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) chia sẻ: “Năm nay, lại một lần nữa các làng hoa miền Trung bị thiệt hại nặng trước Tết; hiện vẫn chưa dám chắc vì thời tiết rất thất thường”.

Thiên tai giáng xuống làng hoa

Khoảng một tháng trước, sau những trận mưa lớn và kéo dài, làng hoa Mỹ Tho chìm trong biển nước. Hàng trăm ngàn giỏ hoa mới xuống giống ở làng hoa này đã bị thiệt hại nặng nề; nhiều nhà vườn bị thiệt hại gần như 100%.

Theo ông Bảy Nhung, chưa năm nào, mưa lớn và kéo dài như năm nay. Loại hoa thiệt hại nặng nề nhất của làng hoa vừa qua là cúc Hà Lan. Cây giống cúc Hà Lan hiện nay thiếu trầm trọng. Nhiều trại giống đang ươm cũng bị thiệt hại rất nặng do mưa bão. Vì vậy, những người đã xuống giống cúc Hà Lan chỉ còn cách chuyển qua trồng giống hoa khác.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Kiều (ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phong) cho biết: Trận ngập lụt vừa qua đã làm bà thiệt hại 6.000 giỏ hoa cúc Hà Lan vừa xuống giống, với số lượng cây giống hơn 20.000 cây. Để có những chậu cúc Hà Lan cho thị trường Tết, bà phải lựa từng cây còn sót trong những chậu hoa tả tơi sau ngập lụt. Hiện bà Kiều cũng trồng lại được khoảng 10.000 cây cúc Hà Lan, tương đương khoảng 3.000 giỏ. Đối với những giỏ không có cây giống thay thế, bà trồng những loại hoa ngắn ngày hơn.

Nhiều nhà vườn làng mai vàng Bình Lợi đã chuẩn bị làm mai cho vụ tết năm nay. 

Nhiều bà con làng hoa này cho rằng, tình trạng ngập úng nặng nề vừa qua là do cống đập Gò Cát, Bảo Định chưa vận hành tốt… Các cống đập này giữ nước ở kinh trục chính quá cao trong mùa mưa bão; xả cống đập vào lúc triều cường, mưa lớn khiến cho tình trạng ngập úng thêm trầm trọng. Còn cống thoát nước ở đường huyện 89 băng qua quốc lộ 50 (đoạn gần trụ sở UBND xã Mỹ Phong) lại đặt quá cao và bị lấp gần hết.

Ông Đinh Ngọc Tùng, Trưởng Phòng Kinh tế TP.Mỹ Tho cho biết: Làng hoa Mỹ Tho có diện tích khoảng 50ha. Thường mọi năm để chuẩn bị cho thị trường Tết, làng hoa Mỹ Tho xuống giống khoảng 800.000 giỏ hoa các loại, trong đó, 35.000 giỏ hoa cúc mâm xôi, 300.000 giỏ cúc Hà Lan, 250.000 giỏ cúc vàng hòe…

Trong khi tại làng trồng mai vàng Bình Lợi (xã Bình Lợi, Bình Chánh, TP.HCM) – một làng có diện tích trồng mai lớn nhất ở miền Nam với hơn 150ha, vừa qua sau những cơn mưa kéo dài kết hợp triều cường khiến làng mai cũng chìm trong biển nước. Một số diện tích mai vàng giờ lá ngả vàng, khó trông mong tiêu thụ trong mùa Tết này.

“Không thể thấy các làng hoa, kiểng miền Trung thất bát thì cho rằng người trồng hoa, kiểng miền Nam thắng to mùa Tết. Thực tế, người làm hoa, kiểng Tết năm nay rất đáng lo. Đến thời điểm này mưa vẫn còn, nhiệt độ thấp, việc nông dân chủ động tác động cho hoa ra đúng dịp tết rất khó khăn”.
Ông Bảy Nhung

Anh Trần Tứ Vương – một nhà vườn có gần chục ha trồng mai vàng cho biết: Hiện anh đang chuẩn bị khoảng 4.000 cây mai vàng loại lớn (cao 2, 3m) cho thị trường Tết Nguyên đán. “Trận ngập lụt vừa qua cũng khiến cho một diện tích mai của vườn ngập sâu trong nước. Rất may là tôi kịp cho máy bơm hút nước ra, chứ không thì không biết Tết năm nay lấy đâu ra mai cung cấp cho thị trường”, anh Vương thổ lộ.

Theo UBND xã Bình Lợi, mỗi mùa Tết, làng hoa mai vàng Bình Lợi xuất ra thị trường hàng trăm ngàn cây mai vàng và hàng ngàn chậu mai bonsai.

Mùa hoa, kiểng Tết âu lo

Có một điều thấy trước rằng, sau khi làng hoa Mỹ Tho chìm trong biển nước, nhiều loại hoa phải lỗi hẹn với Tết năm nay vì không đủ giống cung cấp cho người trồng. Hiện tại làng hoa, nhiều chậu hoa sau khi bị chết cây vẫn chưa có giống trồng lại.

Ông Bảy Nhung cho biết: Hiện nhiều bà con trồng hoa đang rất cần cây giống, nhất là cúc Hà Lan, nhưng không có cây con giống để thay thế. “Giống hoa vừa ươm ra rễ bị ngập nước đã thối gần hết. “Giờ có giống cúc Hà Lan để trồng thì cũng đã trễ cho mùa Tết rồi”, ông Bảy Nhung cho biết.

Hôm chúng tôi đến vườn, ông Bảy Nhung và vợ đang ngồi lẩy ngọn những chậu cúc Hà Lan. Năm nay, ông đã chuẩn bị 5.000 chậu cúc này cho mùa Tết. “Loài cúc này đang rất hút trên thị trường nên bán được giá.Việc nông dân thiếu giống trồng cho thị trường Tết năm nay là một điều đáng tiếc”, ông chia sẻ.

 Những làng hoa dịp này luôn tất bật chuẩn bị hàng Tết

Ông Bảy Nhung dự báo, loại cúc này sẽ hút hàng vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, khi nhận định thị trường hoa, kiểng mùa Tết năm nay thắng – thua thế nào, ông Bảy Nhung do dự: “Mùa Tết năm ngoái, các làng hoa ở miền Trung bị hư hỏng nặng trong khi nông dân làm hoa, kiểng Tết các tỉnh phía Nam lại được mùa. Chí ít 180 thành viên của THT hoa tươi Mỹ Phong rất phấn khởi vì thu được lợi nhuận. Tuy nhiên, làm hoa, kiểng Tết bây giờ được - mất rất mong manh. Người làm hoa, kiểng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết chứ không còn là kinh nghiệm, tay nghề…”.

Ông Bảy Nhung dẫn chứng: Trước đây, khi bước vào tháng 11 âm lịch, trời sẽ nắng tốt, không còn mưa. Người làm hoa, kiểng rất dễ chủ động để làm ra những chậu hoa tốt, ra hoa đẹp vào đúng 3 ngày Tết. Nhưng bây giờ, thời tiết rất cực đoan, không biết lúc nào mưa hay nắng để chủ động làm hoa.

Còn anh Vương cũng cho rằng, người làm mai vàng cần nhất thời tiết ổn định để chủ động tác động kỹ thuật cho cây ra hoa đúng vào 3 ngày Tết. Tuy nhiên, “Thời tiết năm nay rất thất thường, nhiều khả năng sẽ có một mùa mai vàng “điếc” nụ. Tôi hy vọng, tháng sau thời tiết sẽ tốt hơn, nếu không làng mai này sẽ có một vụ Tết thất bát”, anh Vương đánh giá.

Trần Đáng