Thổi phồng thực phẩm chức năng thành "thần dược", có thể bị xử lý ra sao?

HIẾU ĐAM Chủ nhật, ngày 16/05/2021 10:29 AM (GMT+7)
Theo luật sư, nếu hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) gian dối nhằm trục lợi, lừa đảo khách hàng với tính chất nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối quy định tại điều 197 Bộ luật Hình sự 2015.
Bình luận 0

Liên quan đến loạt bài viết trên Báo Dân Việt phản ánh về các "thần y online" thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, với thông tin báo Dân Việt điều tra, phản ánh có thể thấy thị trường thực phẩm chức năng hiện đang như một “ma trận bát quái”, dụ dỗ khách hàng, người dân thiếu thông tin hoặc đang có vấn đề về sức khỏe (nhất là những người cao tuổi, những người hiếm muộn, vô sinh).

"Đây không chỉ là hành vi vô đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, các đối tượng đã lợi dụng sự tin tưởng và tình trạng sức khỏe của người khác để trục lợi trái pháp luật.

Có thể xử lý hình sự nếu quảng cáo TPCN gian dối nhằm trục lợi, lừa đảo khách hàng? - Ảnh 1.

Nhiều loại quảng cáo TPCN như một thứ “thần dược” có khả năng khiến bệnh tình tiêu tan.

Thực tế đã chỉ ra có hàng nghìn loại thực phẩm chức năng với nguồn gốc xuất xứ cả ngoại nhập và nội địa với những công dụng bị thổi phồng một cách quá đáng không đúng với hồ sơ đăng ký.

Thậm chí nhiều loại được quảng cáo như một thứ “thần dược” có khả năng khiến bệnh tình tiêu tan. Trong khi đó, giá bán thực phẩm chức năng là khá cao, giá nhập thì thấp", Luật sư Cường cho biết.

Theo luật sư, quy định tại Luật An toàn Thực phẩm 2010, thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học.

Như vậy có thể khẳng định thực phẩm chức năng không phải là thuốc chữa bệnh, việc quảng cáo là thuốc là sai và trái quy định.

Luật sư Cường cho biết thêm, nội dung quảng cáo, tư vấn phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không được sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Có thể xử lý hình sự nếu quảng cáo TPCN gian dối nhằm trục lợi, lừa đảo khách hàng? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng LS Chính Pháp (Đoàn LS thành phố Hà Nội),

"Quy định của Nhà nước nghiêm cấm hành vi quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật quảng cáo và các quy định khác của pháp luật có liên quan, quảng cáo nội dung sai với công dụng, thông tin của sản phẩm để lừa dối khách hàng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cá nhân có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật", vị luật sư phân tích.

Điểm b, c khoản 4 điều 70 Nghị định 158/2013/NĐ-CP và khoản 55 điều 2 Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm chức năng dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm.

"Nếu hành vi quảng cáo gian dối nhằm trục lợi, lừa đảo khách hàng với tính chất nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối quy định tại điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015, Tội lừa dối khách hàng quy định tại điều 198 Bộ Luật Hình sự 2015 và Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 174 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Mặc dù pháp luật đã có những quy định rõ ràng về việc quảng cáo thực phẩm chức năng. Tuy nhiên thực tế hiện nay những vi phạm trong việc quảng cáo mặt hàng này vẫn diễn ra phổ biến và phức tạp", Luật sư Đặng Văn Cường thông tin.

Theo ông Cường, từ trường hợp nêu trên, rất mong các cơ quan chức năng và ngành y tế cần sớm khẩn trương vào cuộc xác minh, điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm trước pháp luật những cá nhân, tổ chức sản xuất, quảng cáo, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, lừa dối khách hàng, nhằm bảo vệ lợi ích, sức khỏe và tài sản người tiêu dùng, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các nhà sản xuất chân chính, cũng như môi trường kinh doanh lành mạnh cho xã hội.

Bên cạnh đó cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để xử lý các hành vi vi phạm quảng cáo trên các trang web với thủ đoạn tinh vi qua mặt cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, trong khi thị trường thực phẩm chức năng vẫn “vàng thau lẫn lộn” thì người tiêu dùng cần sáng suốt khi lựa chọn, tuyệt đối không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường để bảo vệ chính mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem