Thời của lúa thơm, gạo ngon cơm vượt khỏi "ao làng"

Khánh An (Thế Giới Tiếp Thị) Thứ bảy, ngày 11/11/2017 15:14 PM (GMT+7)
Việc xin cấp visa và đặt phòng khách sạn rất khó khăn, khi tham gia hội nghị Thương mại gạo thế giới 2017 do The Rice Trader tổ chức tại Macau vào ngày 6 – 8.11.2017, theo hiệp hội Lương thực Việt Nam. Điều đó không làm cho nhóm nghiên cứu gạo ST lo ngại, TS Trần Tấn Phương, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Bình luận 0

Gạo trình làng

Nhóm nghiên cứu gạo ST có vẻ đã chuẩn bị cho sự kiện này từ lâu. Nhân lễ hội cúng trăng (Ok Om Bok), họ đưa giống lúa mới ra trình làng tại hội thi “Gạo ngon, lúa thơm” do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) Sóc Trăng tổ chức.

Ban giám khảo gồm PGS.TS Phạm Văn Dư, cựu chuyên gia FAO tại Thái Lan, đại diện Cục Trồng trọt, Trung tâm Kiểm định giống cây trồng phía Nam, các doanh nghiệp kinh doanh gạo thị trường nội địa và xuất khẩu, công ty xay xát, chế biến, kinh doanh lúa gạo và công chúng cùng đánh giá.

img

Các thương nhân trong ban giám khảo trực tiếp trao đổi về giá trị mới của giống lúa ST. Ảnh: KA

Sáu đơn vị tham gia, với 11 giống lúa được chọn lựa theo đặc điểm sinh học, chỉ tiêu chất lượng gạo: tỷ lệ gạo lật, gạo xát, gạo nguyên hạt xát, độ dài hạt gạo, tỷ lệ dài/rộng, độ bền gel, nhiệt độ hoá hồ, tỷ lệ trắng trong, độ trắng bạc, hàm lượng amylose, mùi, độ dẻo, độ trắng, vị ngon của cơm…

Từ Hà Nội, Công ty TNHH Giang Nam đã đưa giống lúa Hương Việt, Bắc Thơm 7 và Công ty TNHH Mahyco Việt Nam với giống lúa Mahyco 2; Thái Bình có Công ty Giống cây trồng Thái Bình với giống TBR 225 và TBR 279 tham gia hội thi. Tất cả giống lúa được mã hoá và các thành viên ban giám khảo tách thành các nhóm chuyên biệt khi đánh giá.

Lần thứ 2 hội thi được tổ chức, ban giám khảo đã đánh giá và lựa chọn ba giống lúa có đặc tính tốt, cho cơm thơm ngon nhất, gồm: ST24 của doanh nghiệp Hồ Quang Trí – giải nhất; giải nhì thuộc về doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang với giống lúa ST28, và giải ba thuộc về Trung tâm giống cây trồng Sóc Trăng với giống lúa LP16. Có ba giải khuyến khích, gồm: Công ty TNHH Giang Nam, Công ty TNHH Mahyco và Công ty giống cây trồng Thái Bình.

“Hội thi tìm kiếm những giống lúa thơm, gạo ngon cơm nhất”, ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng, không giấu giếm ý định của việc chọn lựa, nhằm đưa hạt gạo có ưu thế vượt trội này vươn xa trên thị trường quốc tế. Việc đánh giá từ hội thi giúp nhóm nghiên cứu gạo ST tự tin hơn khi tới cuộc gặp gỡ, giao lưu và nắm bắt xu hướng thị trường gạo thế giới, đang diễn ra tại Macau.

img

Gạo thơm ST24 đoạt giải nhất và gạo ST 26 đoạt giải nhì. 

Cơ hội cho giống mới?

Chị Nguyễn Thị Đang, dân An Thạnh, có nhà kho Thắng Lợi ở chợ Bà Đắc, nói: “Ngày nào tôi cũng nấu cả chục loại gạo, thử để quyết định mua bán, thấy vui khi có những cuộc tuyển chọn gắt gao như vầy”.

Còn chị Võ Thị Thắm đang xây dựng vùng nguyên liệu 2.000ha, giao giống được tuyển chọn và hỗ trợ chi phí cho người trồng (2 – 3 triệu đồng/ha), bao tiêu, xay xát, lau bóng để chị Nguyễn Thị Đang tiêu thụ gạo, nói rằng khi RVT có hiện tượng nhiễm một số bệnh, các doanh nghiệp chọn dòng cao cấp hơn để xuất khẩu. Hồi trước có ST 20 và nay có thêm các giống lúa vừa được tuyển chọn. Tuy nhiên, theo “người trong cuộc”, nếu doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị rào cản từ Nghị định 109, người làm giống vẫn sẽ loay hoay với quy định và chi phí công nhận giống.

“Trước đây thương nhân chạy qua Campuchia mua gạo thơm, về nhập kho bán ra từ từ. Sau này có giống jasmine, OM 4900 ngon cơm, nhưng chưa có dòng nào vượt trội. Nếu giống ST vừa đoạt giải, được nhân nhanh tội gì thương nhân phải đi qua xứ người mua gạo không hơn xứ mình?”, chị Đang nói.

Tại Mekong Connect 2017 tổ chức (26 – 27.10) tại Bến tre, GS.TS Lưu Duẩn (Viện Hàn lâm Thực phẩm quốc tế), chia sẻ kinh nghiệm: Từ nguyên liệu bản địa đến giải thưởng quốc tế, phải dùng sản phẩm đặc sản của mình để đi thi, có những loại giống do đất đai, khí hậu… tạo ra giá trị khác biệt. Theo ông, có ba giai đoạn: chọn nguyên liệu, công nghệ – chế biến dịch vụ –giá trị thực và có hội đồng uy tín đánh giá.

Mải mê theo quán tính

12 năm trước, ông Trương Thanh Phong, Tổng Giám đốc Vinafood II, kêu gọi “Lúa thơm phải là hướng đi chính”, nhưng “Việt Nam cứ mải mê theo quán tính (tăng vụ và tăng sản lượng) và chậm điều chỉnh”, ông Hồ Quang Cua nói.

img

Ban giám khảo và khách tham quan hội thi đặc biệt thích thú khi được nghe thuyết trình và thử chất lượng gạo thơm các giống ST.

Thái Lan đã hướng đến gạo chức năng và sản xuất hữu cơ. Trong khi đó, mãi đến 2016, tại Việt Nam, bộ giống lúa thơm do các viện nghiên cứu đăng ký khảo nghiệm còn rất ít và chưa tích tụ đủ các yếu tố di truyền, để tạo nên phẩm chất cao và khả năng kháng bệnh tốt. Khi 16 doanh nghiệp Việt Nam có mẫu tồn dư đến ba loại hoạt chất, trong đó có hai chất trừ lem lép hạt và khoang cổ bông, trở thành cảnh báo về gạo kém an toàn vào Mỹ, đã gợi cho các nhà nghiên cứu phải chọn giống lúa thơm kháng đạo ôn lá và cổ bông.

Theo hướng này, TS Phương, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng, đã có trong tay hàng ngàn tổ hợp lai lúa thơm. Ông Hồ Quang Cua nhận định: “Chúng ta rất cần nhiều giống thuần khác nhau để chọn giống thích ứng biến đổi khí hậu và kháng mạnh sâu bệnh”.

Từ năm 2012 đến tháng 8.2016, Việt Nam có tới hơn 400 container gạo bị Mỹ trả về do có dư lượng thuốc BVTV. Bộ NN&PTNT đã phải tạm dừng xuất khẩu gạo sang Mỹ. Ông Hồ Quang Cua từng thành công trong việc khống chế rầy nâu, thông qua “Quy trình sản xuất nấm xanh tại nông hộ”, đã được Cục Bảo vệ thực vật công nhận là tiến bộ kỹ thuật năm 2009; được cơ quan FAO của Liên hiệp quốc hỗ trợ kinh phí triển khai, hàng chục tỉnh đến Sóc Trăng học tập kinh nghiệm.

Sóc Trăng sẽ là tỉnh đầu tiên áp dụng giải pháp sinh học trên toàn  tỉnh, trong điều kiện chỉ còn vài năm nữa là chu kỳ dịch rầy nâu lần thứ 4 sẽ quay trở lại. Giống mới nhiều ưu thế vượt trội + nấm xanh khống chế côn trùng gây hại, là đôi chân mạnh mẽ cho lúa thơm.

Cũng theo ông Cua, nấm xanh đã được nhân loại biết đến từ 141 năm trước, nhưng không phát triển được, chỉ vì không tạo lợi nhuận lâu dài cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Vì lợi ích của ngành hoá chất nông nghiệp mà sẵn sàng đánh đổi, hy sinh giá trị bền vững của gạo ngon, lúa thơm, có đáng không?           

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem