Theo dự thảo quy hoạch này, sông Sêrêpôk có 5 khu cấm khai thác thủy sản có thời hạn để bảo vệ toàn cá quý

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 29/10/2021 19:42 PM (GMT+7)
Dự thảo quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến sẽ quy hoạch 62 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn vùng nội địa, riêng những thủy vực lớn như sông Sêrêpôk có tới 5 khu.
Bình luận 0

Sẽ có 62 khu cấm khai thác thủy sản có thời hạn vùng nội địa, sông Sêrêpôk có 5 khu

Theo dự thảo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ NNPTNT lấy ý kiến các địa phương, đơn vị để hoàn thiện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến sẽ quy hoạch 62 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn vùng nội địa và rà soát ranh giới, mở rộng phạm vi 14 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn và quy định bổ sung 33 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn mới ở vùng biển ven bờ.

Theo dự thảo quy hoạch này, sông Sêrêpôk có 5 khu cấm khai thác thủy sản có thời hạn để bảo vệ toàn cá quý - Ảnh 1.

Gia Lai có 2 hệ thống sông lớn (sông Ba, sông Sê San) và thượng lưu sông Sêrêpôk có thể xây dựng các mô hình nuôi thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi. Trong ảnh: Mô hình nuôi cá lồng ở xã Ia Kreng, huyện Chư Păh, Gia Lai giúp người dân nâng cao thu nhập. Ảnh: Anh Huy/Báo Gia Lai.

Quy hoạch 62 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn vùng nội địa trên 27 thủy vực, cũng là nơi đang có nhiều loại thủy sản quý hiếm cần được bảo vệ.

Ví dụ, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, một số khu vực ở sông Bằng, sông Hiến, sông Vọng Bắc sẽ bị cấm khai thác trong khoảng thời gian từ 15/7 đến 30/9 hàng năm để bảo vệ cá lăng chấm, cá chiên bắc, cá bỗng, cá măng, cá sộp má đào, cá dầm xanh,...

Hay trên khu vực hồ Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn cũng có 3 khu cấm khai thác trong khoảng thời gian từ 15/7 - 30/9 hàng năm để bảo vệ cá lăng chấm, cá bỗng, cá cầy, cá sỉnh gai,...

Trong khi đó, trên khu vực hồ Thác Bà (Yên Bái) cũng có 3 khu cấm khai thác trong thời gian từ 15/5 - 30/7 hàng năm để bảo vệ cá lăng chấm, cá chiên bắc, cá vền,...

Sông Sêrêpôk (Đắk Lắk) có tới 5 khu được quy hoạch cấm khai thác thủy sản trong khoảng thời gian từ 15/4 - 15/9 hàng năm (nghiêm ngặt từ 30/5 - 30/7) để bảo vệ những loài cá quý hiếm đang có nguy cơ biến mất như cá dành bông, cá anh vũ, cá may, cá he đỏ, cá chốt,...

Quy hoạch đội tàu để bảo vệ nguồn lợi thủy sản  - Ảnh 1.

Ngư dân Hoài Nhơn (Bình Định) đánh bắt cá ở ngư trường. Ảnh: Dũ Tuấn

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, việc lập quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết và quan trọng trong điều kiện hiện nay nhằm bảo vệ bảo tồn, phục hồi phát triển nguồn lợi thủy sản, khai thác thủy sản, hiệu quả bền vững phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia.

P.V

Theo TS Nguyễn Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ NNPTNT) việc thiết lập 62 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn thuộc 27 thủy vực trên phạm vi cả nước nhằm lưu giữ nguồn gen loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, loài thủy sản bản địa, đặc hữu, loài thủy sản có giá trị kinh tế và khoa học trong môi trường tự nhiên, nhân tạo và phòng thí nghiệm nhằm chủ động được sản xuất giống nhân tạo, góp phần khôi phục, bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi tự nhiên trong thủy vực.

Đặc biệt, việc cấm khai thác có thời hạn này nhằm bảo vệ đường di cư sinh sản tự nhiên của 5 loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, gồm: cá mòi cờ chấm, cá mòi cờ hoa, cá chình bông, cá chình mun, cá cháy.

Cấm khai thác thủy sản hủy diệt

TS Nguyễn Thanh Tùng cho biết, đối với vùng biển, song song với thành lập 22 khu bảo tồn biển, dự thảo quy hoạch cũng sẽ thiết lập 25 khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho các đối tượng thủy sản nguy cấp, quý hiếm; mở rộng phạm vi 14 khu vực và bổ sung mới 33 khu cực cấm khai thác thủy sản có thời hạn ở vùng biển ven bờ như: vùng ven biển Đảo Trần, vùng biển phía Nam đảo Mai Hạ (Quảng Ninh); vùng ven biển Cát Bà, vùng ven biển Hải Phòng (Hải Phòng); vùng ven biển Hòn Mê (Thanh Hóa); vùng ven biển Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh),...

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, dự thảo quy hoạch cũng sẽ cấm khai thác đối với các loại nghề/ngư cụ khai thác hủy diệt, xâm hại nguồn lợi ở giai đoạn sớm và thủy sản còn non kích thước nhỏ; các loại nghề/ngư cụ khai thác phá hủy nền đáy và hệ sinh thái...

Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu hải sản cho thấy, nguồn lợi hải sản trên biển liên tục suy giảm, nếu như giai đoạn 2000 - 2005, trữ lượng đạt khoảng 5,07 triệu tấn thì đến giai đoạn 2011 - 2015 trữ lượng chỉ còn khoảng 4,36 triệu tấn và đến giai đoạn 2016 - 2019 còn 3,95 triệu tấn (giảm 23% so với giai đoạn 2000 - 2005).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem