Thể Công – Công an Hà Nội và những khoảnh khắc diệu kỳ!

Lê Đức Chủ nhật, ngày 20/12/2020 19:40 PM (GMT+7)
Chiều nay, cựu danh thủ Thể Công và Công an Hà Nội đã cùng nhau tận hiến, giúp người hâm mộ như trẻ lại 20-25 tuổi trong bầu không khí ngày hội bóng đá!
Bình luận 0

Thể Công - CAHN "ngược dòng" quá khứ 

Một trận bóng đá kéo dài 90 phút nhưng thực tế, khi thời gian qua đi, người ta chỉ còn nhớ những khoảnh khắc đi vào lòng người. Những khoảnh khắc có ý nghĩa khẳng định "cái tôi" cộng hưởng sức mạnh tập thể, truyền thống của một đội bóng.

Thể Công – Công an Hà Nội và những khoảnh khắc diệu kỳ! - Ảnh 1.

Đội hình cựu danh thủ Thể Công xuất trận tái hiện derby Thủ đô cùng Công an Hà Nội chiều nay. Ảnh: Đức Tùng

Chiều nay, người hâm mộ tới sân Hàng Đẫy đã được xem lại một "cuốn băng quay chậm" của một trận đấu; và cũng thấy rõ "bước đi chóng mặt" của thời gian. 25 năm gói gọn trong 90 phút thi đấu, tính cả thời gian đá luân lưu phân thắng bại.

Tất cả giúp mọi người trân quý quá khứ, hiểu hơn hiện tại và mạnh mẽ hơn trong tương lai với tinh thần thể thao cao thượng cùng sự đồng hành của những người bạn.

Trên sân Hàng Đẫy, người hâm mộ thuộc mọi thành phần, lứa tuổi vẫn được chứng kiến những pha xử lý tinh tế của "nhạc trưởng" Vũ Minh Hiếu, những pha leo biên với tốc độ cao của Lưu Thanh Châu, lên công về thủ thoăn thoắt mang thương hiệu Phạm Minh Đức, thoát xuống rất nhanh phá bẫy việt vị, xử lý khéo léo ghi bàn của Nguyễn Tuấn Thành bên phía Công an Hà Nội.

Thể Công – Công an Hà Nội và những khoảnh khắc diệu kỳ! - Ảnh 2.

Tiền đạo Nguyễn Tuấn Thành thể hiện sự khôn ngoan ở tuổi U50 trong pha đối đầu với "đàn em" Quốc Trung vệ phía Thể Công. Ảnh: Đức Tùng

Ở chiều ngược lại, Thể Công ghi dấu ấn với nỗ lực bám biên với hơn 100% sức lực của Nguyễn Hải Biên bên cánh phải, bất chấp sau pha bóng đó anh phải ra sân vì căng cơ. Rồi đến cái "kèo trái" cực ngoan của Thạch Bảo Khanh, sự cần cù, miệt mài của "lão tướng" Vũ Công Tuyền ở vị trí mũi nhọn tấn công dù anh đã ngoài 50 tuổi, những pha "đọc bài", cắt bóng hiệu quả của trung vệ Nguyễn Quốc Trung, hay cú sút xa đầy bất ngờ ghi bàn của hậu vệ Hải Long bên phía Thể Công khiến ngay cả lứa "hậu duệ" ngày nay trong màu áo Viettel cũng phải trầm trồ!

Suốt 2  hiệp thi đấu chính thức, vẫn có những pha rướn bóng, vào bóng tranh chấp của cầu thủ 2 đội khiến các CĐV ngồi trên khán đài cũng phải lo lắng thay cho những danh thủ yêu mến ngày nào giờ đã ở tuổi U50.

Trên khán đài, những hồi trống thúc giục được cổ động viên Công an Hà Nội tạo ra được "đáp lại" hoàn hảo bằng tiếng kèn đầy nội lực với giai điệu "Hát mãi khúc quân hành" được anh Trần Thanh Tùng (55 tuổi, nhà ở ngõ Thông Phong – Tôn Đức Thắng, cách sân Hàng Đẫy chỉ khoảng 300m) thổi bằng tất cả đam mê của một CĐV Thể Công trung thành.

Thể Công – Công an Hà Nội và những khoảnh khắc diệu kỳ! - Ảnh 4.

Anh Trần Thanh Tùng chụp ảnh kỷ niệm cùng phóng viên Dân Việt.

"Tôi đã xem Thể Công với thể hệ cầu thủ hiện nay gồm những Mạnh Cường, Sỹ Long, Công Tuyền, Hồng Sơn, Triệu Quang Hà, Trương Việt Hoàng… tới lứa Thạch Bảo Khanh, Quốc Trung… sau này thi đấu. Có những trận mưa to, trời lạnh, CĐV  ngồi trên khán đài người "bốc khói" nhưng vẫn không ngừng hò hét, cổ vũ. Khi trời nắng to, 15h30 mới đá nhưng từ 13h30, chúng tôi đã vào sân với khí thế hừng hực",  anh Tùng cho biết.

Chỉ vào cây kèn của mình, anh Tùng bảo đây mới là cây kèn duy nhất còn lại, gắn với quá khứ bóng đá Việt Nam nói chung, những trận derby Thể Công – Công an Hà Nội nói riêng ở thời điểm cách đây 25-30 năm.

"Chỉ vì thích thôi, tôi đã tự tìm đi mua kèn, tự học thổi và chỉ thổi ở sân bóng đá. Tính ra, tôi đã cầm kèn hơn 20 năm rồi.

Hôm nay ra sân, nghe MC xướng tên từng cầu thủ 2 đội bóng mà người đã sởn hết gai ốc, cảm giác rất thân thuộc, quá khứ lại hiện về. Cầu thủ 2 đội, một số người như Hải Biên, Hải Long, Dũng "Giáp"… đều là anh em thân thiết ngoài đời nên khi được xem họ thi đấu trở lại, tôi cảm thấy vô cùng xúc động.

Tôi vui khi thấy Thể Công vẫn cho thấy rõ "chất lính" trong thi đấu. Thua trước những vẫn nỗ lực gỡ hòa, vượt lên dẫn 2-1. Bảo Khanh, Hải Long vẫn cho thấy thể lực khá tốt so với lứa tuổi của mình với những pha đi bóng, dứt điểm mạnh mẽ, thể hiện kỹ thuật tốt, được tích lũy, rèn luyện suốt trong thời gian dài khi còn là cầu thủ. Còn phía Công an Hà Nội vẫn cho thấy những đường bóng tấn công nhanh, sắc nét đặc trưng xuống biên, chồng cánh, chọc khe ghi bàn gỡ hòa 2-2 cuối trận đầy kịch tính và đã thắng chung cuộc sau loạt đá luân lưu may rủi.

Một trận đấu đầy cảm xúc và niềm vui và tôi hy vọng trận đấu này sẽ một lần nữa "thắp lửa" trên các khán đài, và những trận derby Thủ đô sau này giữa Hà Nội FC -Viettel sẽ lại mang đến nhiều cảm xúc cho CĐV chúng tôi và thế hệ sau này", anh Tùng tâm sự.

Tự hào truyền thống Thể Công

Trên khán chứng kiến derby Thể Công – Công an Hà Nội chiều nay còn có bác Trần Ngọc Sơn (68 tuổi, nhà trước ở Hàng Than nay đã chuyển ra Võng Thị) là cha tiền vệ Trần Anh Tuấn (Thể Công).

Bác Sơn chia sẻ: "Xem trận đấu hôm nay, tôi như trẻ lại vài chục tuổi. Bầu không khí tuyệt vời, những trận đấu giữa Thể Công – Công an Hà Nội tưởng như chỉ còn là ký ức, nay đã được tái hiện lại với đầy cảm xúc.

Tôi xem bóng đá từ thời thế hệ Thế Anh Ba Đẻn, Vương Tiến Dũng, Cao Cường… bên phía Thể Công và theo suốt tới bây giờ. Nghĩ lại bầu không khí sân Hàng Đẫy thời xưa đúng là "kinh khủng" lắm. Sân chật kín, mua vé vào sân cực khó. Người ta sẵn sàng đổi cả đồng hồ đeo tay hay chiếc áo bông đáng giá để có vé vào sân".

Ngồi khá lặng lẽ ở một góc khán đài, xạ thủ Nguyễn Thị Lệ Quyên, vợ cựu danh thủ Thể Công Trương Việt Hoàng cùng cậu con trai chăm chú dõi theo từng bước chạy của HLV vừa giúp Viettel FC vô địch V.League 2020:

"Chân anh Hoàng bị đau đấy nhưng đây là trận đấu kỷ niệm, được gặp lại anh em nên cố vào sân đá", Lệ Quyên "bật mí" ngắn gọn.

Thực tế, đâu chỉ có Trương Việt Hoàng chân đau, tiền vệ "lão tướng" Đinh Thế Nam với những bước chân tập tễnh vẫn cố gắng di chuyển đá hết pha bóng trong khi chờ thay người.

Lão tướng Lã Xuân Thắng bên phía Công an Hà Nội dù chỉ đủ sức vào sân ít phút nhưng vẫn xuất hiện như một cách tri ân khán giả.

Cầu thủ Đặng Thanh Phương từng bị chấn thương phải giã từ sự nghiệp sớm vẫn cố rướn hết sức theo đường đá phạt kiểu "ăn trộm" đầy láu cá của Dũng "Giáp" để mang về quả phạt đền cho Thể Công gỡ hòa 1-1.

Thể Công – Công an Hà Nội và những khoảnh khắc diệu kỳ! - Ảnh 5.

Lưu Thanh Châu với sự khéo léo, thể lực khá tốt đã khiến hàng thủ Thể Công nhiều phen lao đao. Ảnh: Đức Tùng

Lưu Thanh Châu, Phạm Minh Đức, Hoàng Trung Phong, Nguyễn Tuấn Thành với nền tảng thể lực khá tốt nhờ tập luyện thường xuyên đã khiến Thể Công cực kỳ "khó chịu" trong hiệp 1, và lập tức phải đưa những cái tên thuộc thế hệ cuối 7x vào sân để cân bằng thế trận trong hiệp 2.

Tất cả, tất cả những gì cần có nhất của 1 trận bóng đá đều đã xuất hiện trong trận derby Thủ đô tái hiện hình ảnh quá khứ hào hùng, rực lửa giữa Thể Công – Công an Hà Nội.

Và khi ánh đèn sân Hàng Đẫy dần tắt đi, người ta quan sát thấy cựu danh thủ Thể Công Nguyễn Hải Biên ân cần bên gia đình đẩy chiếc xe lăn đưa HLV Vương Tiến Dũng – người thầy dẫn dắt anh cùng các đồng đội vô địch quốc gia năm 1998 rời sân.

Thể Công – Công an Hà Nội và những khoảnh khắc diệu kỳ! - Ảnh 6.

Cựu danh thủ Thể Công Nguyễn Hải Biên chụp ảnh cùng thầy Vương Tiến Dũng- người đã dẫn dắt thế hệ các anh lên ngôi vô địch quốc gia 1998.

Truyền thống của Thể Công, Công an Hà Nội rồi sẽ được tiếp nối mãi bởi những trái tim yêu bóng  đá chân thành, đầy nhiệt huyết từ trên khán đài  xuống sân cỏ, trong từng cử chỉ tôn sư trọng đạo!

Sau tất cả, cái tên Thể Công, Công an Hà Nội có thể sẽ mãi chỉ còn là ký ức. Nhưng đó là một quá khứ tuyệt vời để thế hệ sau, những "hậu duệ" của họ tự hào, viết tiếp trên hành trình phát triển chung của bóng đá Việt Nam.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem