Thầy giáo U60 mê mẩn trồng mai

Thứ hai, ngày 22/05/2017 16:38 PM (GMT+7)
Từ việc học tập, nghiên cứu chuyên môn để giảng dạy môn Sinh học, anh Dương Kim Sơn SN 1966, giáo viên Trường THPT Lê Thành Phương (huyện Tuy An, Phú Yên), dần mê rồi phải duyên với cây hoa mai nhiều năm nay.
Bình luận 0

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất cát ven biển xã An Chấn, sau khi hết phổ thông, anh vào học ở khoa Sinh học, Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh về công tác tại Trường THPT Lê Thành Phương từ năm 1990 đến nay. Đồng lương giáo viên những năm mới ra trường còn quá thấp so với mức chi tiêu của cả một gia đình nên anh vừa dạy học vừa làm thêm nhiều công việc để tăng thêm thu nhập. Trong số nhiều việc anh cho rằng “không đâu vào đâu đó”, anh bén duyên, theo đuổi đến bây giờ là nghề trồng cây cảnh, trong đó mê nhất là cây mai.

img

Anh Dương Kim Sơn đang chăm sóc mai kiểng - Ảnh: TẤN TRỰC

Anh Sơn chia sẻ: “Niềm đam mê trồng cây cảnh, trồng mai một phần lớn cũng do nghề nghiệp chuyên môn tạo nên. Những kiến thức học được ở trường, từ việc giảng dạy, rút kinh nghiệm thôi thúc mình thử nghiệm bằng thực tiễn, vậy là mình làm”. Đầu tiên, anh trồng các loại cây bon sai, nhất là cây sanh. Cùng với phong trào cả nước chơi cây sanh vào thời điểm những năm 2000, anh Sơn quan niệm, mình không có vốn, không đủ sức chơi những cây đại kiểng, nên chơi những cây nhỏ, thế là anh bắt tay vào trồng sanh con.

Đầu tư chăm sóc tốt, 3 năm sau, anh có được một vườn sanh nhỏ với gần 200 cây. Anh bỏ công tự tay làm chậu, đi núi lấy đá ong thuê xe chở về, ngồi đục đẽo cưa cắt ghép rồi lên đời cho cây. Gần 3 tháng sau, anh đã có một vườn sanh kiểng tương đối hoàn chỉnh và là một trong những vườn sanh có số lượng, giá trị nhất huyện Tuy An lúc bấy giờ. Khi cây đã đủ thế, tán cành, mang hình dáng cổ thụ với cách phối cảnh cây đứng trên thế sườn núi đá, dưới gốc có hoa cỏ nước, được nhiều người chơi cây trong vùng trả giá cao thì cũng là lúc cây sanh bỗng rớt giá thê thảm.

Mặc dù vậy, vườn sanh bên hiên nhà anh Sơn ngày một lớn, ra dáng đẹp. Nhiều người trong vùng thấy cây đẹp đã mua về trưng chơi. Đến nay, dù cây sanh không có giá trị cao như trước nhưng anh Sơn cũng đã bán hết vườn sanh của mình rồi chuyển sang trồng mai.

Cách đây 5 năm, anh Sơn bắt đầu đầu tư trồng mai. Ban đầu, anh ra tận vùng mai An Nhơn (Bình Định) để tham khảo, học hỏi những nhà vườn và chọn giống mai đẹp về trồng. Xung quanh nhà đất vườn rộng, năm đầu anh ươm trồng 250 cây con, năm sau trồng tiếp 250 cây nữa. Điều đáng quý là anh tự tay đúc chậu, thuê cộ bò chở cát động về làm đất vô chậu, rồi đầu tư hệ thống tưới tự động. 500 gốc mai phát triển tốt, đến nay tất cả đều thành dáng thế và cho hoa. Trăn trở làm sao tạo cho cây mai có một dáng thế riêng so với những vườn mai khác, anh đã chọn nhiều cây mai đẹp tạo thành dáng mai thác đổ. Điều anh Sơn đang nghiên cứu và mong muốn nhất là làm sao để mai phát triển, ra hoa trái mùa theo ý của mình. Bên cạnh đó, anh cũng đang tìm những giống đẹp, lạ về ươm, ghép để vườn mai của mình thêm giá trị. Có như thế mới tạo được nét riêng vì thị trường mai Phú Yên khá đa dạng.

Ông Lê Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thành Phương, nhận xét: Thầy Sơn là một giáo viên lâu năm, tổ trưởng tổ chuyên môn tâm huyết với nghề. Ngoài giờ lên lớp, thầy còn tranh thủ thời gian vận dụng chuyên môn của mình vào việc trồng cây cảnh. Việc làm này vừa nâng cao chuyên môn, vừa tạo không gian nhà đẹp, vừa có thêm thu nhập cho gia đình, rất đáng khích lệ.

Đào Tấn Trực (Báo Phú Yên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem