Thấy gì từ chuyện Việt Nam nhập khẩu lượng tiêu khổng lồ từ Campuchia?

Thiên Hương Thứ ba, ngày 11/01/2022 13:20 PM (GMT+7)
Với những nông dân nhiều năm gắn bó với cây tiêu, họ nhận ra rằng không thể “ăn xổi” mãi được nữa. Nhiều nơi bà con đã chú trọng chăm sóc vườn tiêu theo hướng an toàn, bền vững…
Bình luận 0

Nhập khẩu hạt tiêu từ Campuchia tăng mạnh

Theo ước tính của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2021 nước ta xuất khẩu khoảng 260.000 tấn hồ tiêu với giá trị kim ngạch khoảng 950 triệu USD, lượng tiêu xuất khẩu giảm 7%, song giá trị kim ngạch tăng 43,8%. Hạt tiêu Việt Nam vẫn đang đứng đầu xuất khẩu ở hầu hết các thị trường lớn trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập, Đức, Hà Lan, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha…

Tuy nhiên, theo VPA, trong 11 tháng năm 2021 nước ta cũng nhập khẩu một lượng lớn hạt tiêu từ nước láng giềng Campuchia, lên tới 111% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, xuất khẩu hồ tiêu của Campuchia trong 11 tháng năm 2021 đạt 27.730 tấn, tăng 456,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tiêu của nước này bao gồm cả hồ tiêu gắn chỉ dẫn địa lý (GI) mang nhãn hiệu Kampot và các giống tiêu không gắn GI. 

Trong đó, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nhất với 26.887 tấn, tiếp theo là Đức (497 tấn) và Thái Lan (180 tấn). Một lượng nhỏ hơn đã được xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Sản xuất sạch để giữ vị thế hạt tiêu Việt Nam - Ảnh 1.

Người dân xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’Gar, Đăk Lăk thu hoạch tiêu. Ảnh: Duy Hậu

Theo VPA, giá hồ tiêu phụ thuộc vào chủng loại hạt cũng như chất lượng của hạt, nên để nâng cao giá bán cho hồ tiêu, biện pháp cốt lõi nằm ở khâu trồng trọt và khâu sau thu hoạch.

Nghiên cứu của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho thấy, dù nông dân trồng hồ tiêu của Campuchia ít thâm canh so với nông dân Việt Nam, nhưng năng suất của họ luôn đứng đầu khu vực với 6,4 tấn/ha, còn năng suất trồng tiêu của Việt Nam chỉ bằng một nửa. 

Khoảng 95% lượng hồ tiêu thu hoạch mỗi năm của Campuchia dành cho xuất khẩu, và 2 nước đang mua hồ tiêu của họ nhiều nhất là Việt Nam và Thái Lan.

Trong trung và dài hạn, ngành hồ tiêu Campuchia sẽ có những bước phát triển vượt bậc nhờ khả năng mở rộng diện tích, năng suất cao và quan trọng hơn là quốc gia này có đủ điều kiện sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ.

Xây dựng nguồn nguyên liệu sạch, giữ vị thế số 1 về xuất khẩu hồ tiêu

Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn giữ vững ngôi vị số 1 thế giới xuất khẩu hồ tiêu, tuy nhiên giá bán lại là chuyện khác.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ngày 28/12/2021, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và hạt tiêu trắng xuất khẩu tại cảng TP.HCM lần lượt là 4.200 USD/tấn và 6.200 USD/tấn. Trong khi tại Ấn Độ, giá hạt tiêu đen xuất khẩu cùng kỳ của họ đạt 7.286 USD/tấn. 

Tại cảng Lampung ASTA (Indonesia), giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu lần lượt ở mức 4.415 USD/tấn và 7.360 USD/tấn. Giá hạt tiêu đen xuất khẩu của Malaysia ở mức 5.200 USD/tấn, còn tiêu trắng đạt tới 7.600 USD/tấn.

GS-TS Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông nghiệp phân tích: Do hồ tiêu tại Campuchia phát triển sau Việt Nam nên nông dân tại đây học hỏi, đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong quy trình chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm; sâu bệnh hại không nhiều, do đó cũng hạn chế được việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học. 

Cũng vì vậy mà nhiều khách hàng thích mua tiêu của Campuchia. Ông Lê Việt Anh - Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu cho biết, hạt tiêu Campuchia được chăm sóc tốt, ít sâu bệnh hại nên khi thu mua về, doanh nghiệp đỡ tốn công loại bỏ tiêu xấu, tiêu lép. Đặc biệt, với tiêu Kampot của Campuchia - loại tiêu có thương hiệu, nhiều nhà nhập khẩu sẵn sàng mua với giá cao, đắt gấp 2-3 lần so với hạt tiêu Việt Nam.

Đánh giá chung về ngành hồ tiêu Việt Nam giai đoạn 2017-2021, ông Lê Việt Anh cho biết, diện tích hồ tiêu tăng vượt gấp 3 lần so với quy hoạch (152.000ha ghi nhận năm 2017) đã khiến sản lượng tăng mạnh và đạt đỉnh năm 2019. Khi cung vượt cầu ở mức cao đã đẩy ngành hồ tiêu rơi vào khủng hoảng giá và chạm đáy vào tháng 4/2020. Khi đó, giá tiêu chỉ còn khoảng 35.000 đồng/kg. 

Đời sống người nông dân trồng tiêu gặp nhiều khó khăn và phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực về an sinh xã hội. Nhiều vườn tiêu không được chăm sóc, năng suất giảm mạnh, một số nơi bị bỏ hoang, vườn tược tiêu điều xơ xác.

Đáng chú ý là việc lạm dụng phân hóa học vào thời điểm tiêu được giá đã khiến đất bạc màu nhanh, cây thoái hóa nhanh, vi khuẩn có hại phát triển. Theo đó, thuốc bảo vệ thực vật cũng được sử dụng nhiều hơn.

Tín hiệu vui là với những nông dân nhiều năm gắn bó với cây tiêu, họ nhận ra rằng không thể "ăn xổi" mãi được nữa. Nhiều nơi bà con đã chú trọng chăm sóc vườn tiêu theo hướng an toàn, bền vững thông qua hình thức liên kết với một số doanh nghiệp xuất khẩu. Tỷ lệ diện tích hồ tiêu liên kết tăng đều qua các năm, với sự tham gia của những doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu Việt Nam như Trân Châu, Phúc Sinh, Olam, Nedspice, Haprosimex, Gia vị Sơn Hà… 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem